Monthly Archives: March 2012

Lên án Iran đối xử xấu với báo chí

Chương trình truyền hình tiếng Iran của BBC bị Tehran phá sóng

Chương trình truyền hình tiếng Iran của BBC bị Tehran phá sóng

Viện Báo chí Quốc tế IPI, tổ chức vì tự do báo chí lâu đời nhất thế giới, lên án Iran phá sóng và ngăn chặn truyền thông nước ngoài. 

Viện cho biết toàn bộ 27 thành viên của Ban Điều hành IPI đã thông qua nghị quyết “mạnh mẽ lên án chiến dịch leo thang của chính quyền Iran đánh vào truyền thông tự do ở Iran.

Các hãng phát thanh và truyền hình quốc tế trong đó có cả BBC đã than phiền về chuyện bị phá sóng và dịch vụ tin internet bị chặn.

Tổng Giám đốc BBC Mark Thompson cũng lên tiếng tố cáo hành động chính quyền Iran đe dọa những nhân viên Ban tiếng Iran của BBC.

Người chị gái sống trong nước của một nhân viên BBC thuộc ban tiếng Iran hiện làm việc tại London đã bị chính quyền bắt và biệt giam trong tù ở Tehran.

Một số thân nhân của nhân viên BBC là người Iran bị công an nước này đe dọa.

Chính quyền cũng tìm cách truy bức những người cộng tác gửi bài từ trong nước cho trang web và kênh Iran của BBC.

Các chương trình phát hình bằng tiếng Iran của BBC cũng bị phá sóng trong khi trang internet bị tường lửa.

IPI nói việc can thiệp vào truyền hình và đưa tin qua mạng của BBC và các đài khác “vi phạm Điều 19 của Công Ước Nhân quyền” và kêu gọi chấm dứt những hành động ngăn cản người Iran tiếp cận tin tức quốc tế độc lập và cân bằng.

Tổng giám đốc BBC nói nhà chức trách Iran thừa nhận tin tức của BBC là “bất thiên vị” nhưng lại kết luận “chính vì thế mới nguy hiểm”.

Iran đang bị Phương Tây cô lập vì tham vọng nguyên tử và chương trình hạt nhân không rõ ràng của họ.

Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad nói chương trình hạt nhân của Iran là vì mục đích dân sự nhưng phương Tây nghi ngờ Tehran muốn phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông Ahmadinejad cũng cảnh báo người dân về chuyện “kẻ thù của Iran” đang tìm cách phá hoại “các thành tựu to lớn của đất nước”.

Quốc hội Mỹ muốn chính phủ có lập trường mạnh hơn với Iran

Hình: AP Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ John Kerry

Hình: AP Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ John Kerry

Các nhà lập pháp hàng đầu của Hoa Kỳ thúc đẩy chính quyền Obama có lập trường mạnh hơn đối với Iran về chương trình hạt nhân của nước này và đặt nghi vấn là liệu nới rộng các trừng phạt kinh tế có hiệu quả hay không.

Trong buổi diều trần hôm thứ Tư, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Dân chủ John Kerry, gọi Iran và chương trình hạt nhân của Iran là “thách thức trong chính sách ngoại giao lớn nhất Hoa Kỳ đang phải đối phó.”

Ông Kerry nói chỉ trừng phạt không thôi không đủ để làm Iran thay đổi thái độ và kêu gọi chính phủ sử dụng “một chính sách ngoại giao cứng rắn.”

Thượng nghị sĩ Richard Lugar, Trưởng nhóm Cộng hòa trong ủy ban, cũng cảnh báo Iran không chịu thay đổi “dù bị cô lập nhiều hơn.” Ông nói Iran phải hiểu là họ phải chọn giữa theo đuổi chương trình hạt nhân hay giữ cho kinh tế vững mạnh.

Các nhà lập pháp nói Hoa Kỳ không loại trừ một giải pháp nào, ngay cả có thể sử dụng vũ lực đối với Iran.

Iran phủ nhận những cáo buộc của Tây phương là họ đang chế tạo vũ khí hạt nhân và nói là những hoạt động hạt nhân của họ thuần túy là để tạo ra điện lực và dùng cho những mục đích nghiên cứu y khoa.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Ali Akbar Salehi hôm thứ Tư tuyên bố hy vọng tái tục những cuộc đàm phán với 5 thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc-Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Pháp cộng với Đức bắt đầu vào ngày 13 tháng 4 tới

Phương Tây nghi Assad không thành thật

Bà Clinton nói ông Assad nên chứng tỏ bằng hành động

Bà Clinton nói ông Assad nên chứng tỏ bằng hành động

Các nước phương Tây tỏ thái độ hoài nghi trước việc Syria chấp thuận kế hoạch hoà bình của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) Kofi Annan.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cho biết nên đánh giá Tổng thống Bashar al-Assad bằng hành động.

“Với những lần hứa hẹn quá nhiều và thực hiện chẳng được bao nhiêu của ông Assad trong quá khứ, cam kết này phải được đi liền với hành động tức thì,” bà cho biết.

Trước đó, LHQ cho biết hơn 9.000 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc nổi dậy ở Syria bùng phát hơn một năm trước.

“Nếu ông ấy sẵn sàng khép lại chương đen tối này trong lịch sử Syria, ông ấy có thể chứng tỏ bằng cách lập tức yêu cầu lực lượng chính quyền ngừng bắn và bắt đầu rút khỏi các khu vực dân cư”, bà Clinton phát biểu.

Các cường quốc phương Tây khác cũng có bình luận tương tự.

Bà Clinton cho rằng ông Assad phải cho phép viện trợ nhân đạo vaò Syria và bắt đầu chuẩn bị chuyển giao dân chủ.

Bà cũng kêu gọi các nhóm đối lập “phải đưa ra lập trường thống nhất, tầm nhìn về một đất nước Syria mà họ muốn xây dựng”.

“Nếu ông ấy sẵn sàng khép lại chương đen tối này trong lịch sử Syria, ông ấy có thể chứng tỏ bằng cách lập tức yêu cầu lực lượng chính phủ ngừng bắn và bắt đầu rút khỏi các khu vực dân cư.”

Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton

Hãng AFP đưa tin trong cuộc họp tại Istanbul các phe phái đối lập đã kêu gọi chính phủ Syria rút xe tăng để chứng tỏ họ nghiêm túc chấp thuận đề xuất của ông Annan.

Phóng viên BBC cũng có mặt tại cuộc họp này cho biết ông chưa gặp một đại biểu nào có suy nghĩ rằng Tổng thống Assad thành thật thậm chí một cách xa vời, và rằng phe đối lập không bao giờ chấp nhận bất cứ thoả thuận nào cho phép ông ta duy trì quyền lực.

Hầu hết các nhóm đối lập đã chấp nhận Hội đồng quốc gia Syria là đại diện chính thức của người dân Syria.

Tuy nhiên phóng viên BBC cho biết bất hòa giữa họ có thể thấy rõ qua những cuộc tranh cãi cũng như bỏ ra khỏi phòng họp thường xuyên.

Thuyết phục Trung Quốc

Ông Ahmed Fawzi, phát ngôn viên của ông Kofi Annan, cho biết ông xem việc Syria chấp thuận kế hoạch hoà bình là “một bước đi quan trọng đầu tiên” giúp chấm dứt bạo lực, nhưng cũng nói thêm rằng vấn đề mấu chốt là thực hiện.

Ông Annan đã cám ơn các quốc gia ủng hộ các nỗ lực hoà giải xung đột của ông. Hiện ông đang ở Bắc Kinh để hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.

Kế hoạch hoà bình gồm sáu điểm của ông Annan kêu gọi chính quyền Assad rút quân và vũ khí hạng nặng khỏi các khu vực dân cư, và tất cả các bên phải ngừng chiến hai giờ mỗi ngày để viện trợ nhân đạo đến được các vùng bị ảnh hưởng.

Kế hoạch này cũng yêu cầu nhà cầm quyền Syria trả tự do cho những người bị bắt trong cuộc nổi dậy.

Tuy nhiên, kế hoạch này không đưa ra bất cứ thời hạn nào đối với ông Assad hay kêu gọi ông ta từ bỏ quyền lực.

Phóng viên BBC tại LHQ Barbara Plett cho biết bất chấp các nghi ngờ, đây là tình huống mới bởi vì đây là lần đầu tiên một chiến lược chấm dứt xung đột có được sự hỗ trợ của toàn thể Hội đồng Bảo an, trong đó có các đồng minh của Syria là Nga và Trung Quốc.

Theo bà Plett thì dường như sự đoàn kết quốc tế đã buộc ông Bashar al-Assad phải chấp thuận kế hoạch hoà bình.

Ông Annan đã viết thư giục ông Assad phải lập tức thực hiện cam kết của mình.

Biên tập viên Trung Đông của BBC Jeremy Bowen nhận xét ngôn từ của thoả thuận này không mạnh mẽ như các bản thảo nghị quyết trước đây của LHQ, tuy nhiên nó có thể được coi gia tăng thêm áp lực lên ông Assad mà ông ta dường như đã quyết định là không thể phớt lờ được nữa.