Tưởng Niệm 40 Năm Quốc Hận 30-4-75 (Trương Sĩ Lương)

Trương Sĩ Lương – thegioimoi.com

707

Ngoảnh mặt lại, đã 40 năm trôi qua nhanh không thể tưởng được! Nhanh đến nỗi thế hệ 30, 40 tuổi, ra đi từ 75, còn sống, ngồi bên tách trà than thở với con cháu: “Ngày đi tóc xanh, bây giờ tóc đã bạc trắng như vôi”. Có người tóc trở màu muối tiêu, lâu lâu phải nhuộm như níu kéo thời gian ngưng lại; thế nhưng vẫn khá hơn nhiều người chẳng còn tóc để nhuộm! Vâng, đúng, thời gian qua nhanh, nhưng thật sự 40 năm dài lắm! Gần 2/3 đời người vụt bay không hề nhìn lại xem “chúng ta làm được gì cho dân tộc thoát khỏi đại nạn cộng sản” là điều mà nhiều người băn khoăn đứng ngồi không yên trong suốt đoạn đường dài khổ đau ấy.

Bốn mươi năm (40) qua, biết bao nhiêu biến cố đau buồn, thống hận, bi thảm… mà dân tộc chúng ta phải cắn răng, nín thở, chịu đựng theo vận nước điêu linh. Cứ mỗi tháng Tư về là hình ảnh tang thương của mùa Quốc Nạn Dân Tộc lại về trong lòng mọi người Việt tha hương như một khúc phim sống. Những chiến sĩ oai hùng gục ngã trong cuộc chiến quốc-cộng vẫn còn đó; những người tù trong các trại tập trung “cải tạo” vẫn còn đây. Những bà mẹ già với đôi mắt sâu lõm vẫn ngồi  đợi con về; những đứa con mất cha, mất mẹ lang thang ở đầu đường xó chợ; những người vợ hiền thất thểu ôm theo những nghiệt ngã khổ đau khi phải sống dưới chế độ đọa đày…Chao ôi! Tất cả vẫn còn đó, còn đây!

Thảm thương nhất là hình ảnh của những cuộc trốn chạy cộng sản, đánh đổi thân xác trên biển cả, làm mồi cho cá mập, cho hải tặc; hay ngã gục trên đường biên giới Việt Miên Lào chỉ vì hai chữ tự do… Đó chính là những khúc phim sống đứt ruột, nằm sẵn trong ký ức của một giai đoạn lịch sử đen tối nhất mà không thể nào xóa mờ được.

Tất cả vẫn còn, dù thời gian có làm nguôi ngoai đi phần nào, nhưng những uất nghẹn trong suốt 40 năm qua vẫn là vết thương trong tâm hồn của những ai còn nặng tình với tiền đồ dân tộc. Những vết thương khó lành ấy sẽ bộc phát bất cứ lúc nào, nếu bị va chạm, nếu bị xúc phạm, nếu bị phản bội…

Trong những năm gần đây, sau những đợt trí vận, kiều vận được CSVN tung toàn lực ra hải ngoại để cứu vãn chế độ đang trên đà sụp đổ, một số cán bộ nằm vùng đã và đang đứng dậy tung lực lượng quấy phá hàng ngũ người Việt quốc gia hải ngoại. Mục tiêu, thứ nhất của họ là xoáy vào các đoàn thể đảng phái quốc gia để gây chia rẽ, phá vỡ những tổ chức đấu tranh chống cộng có tầm vóc, dùng mạng lưới văn nghệ, truyền thông và vật chất để móc nối những người ham lợi. Từ đó, đám này trở thành những tay sai, con buôn chính trị bất chính, len lỏi vào các tổ chức người Việt quốc gia, cộng đồng, đánh hỏa mù, tuyên truyền xuyên tạc, làm cho những người hăng say hoạt động chống cộng, có thiện chí, phải khựng lại vì bị đánh phá về mặt danh dự và làm cho nhiều người chủ trương an phận trở thành những kẻ “thầm lặng” không còn muốn làm gì nữa cả.

Cách thứ hai là gây ảnh hưởng đến những thành phần ưa làm xã hội, chính trị, nhưng không hề có khả năng chính trị, không uy tín, nhưng thừa tài phá phách, đâm bên này, thọc bên kia, gây mẫu thuẫn làm cho tập thể xáo trộn, tan vỡ là mục tiêu mà họ nhắm tới. Họ làm được không? Đó là năng khiếu và bài bản cốt lõi của cán bộ cộng sản nói chung.
Bên cạnh những vụ làm ăn lớn, đám giấu mặt chủ trương vô thưởng vô phạt, chỉ xoáy vào thương mại, làm văn nghệ, giải trí theo đường hướng vui chơi cho giới xòn xồn và giới trẻ, trước để kiếm lợi, nhưng thật sự mục tiêu dài lâu của họ là tung hỏa mù vào cộng đồng tỵ nạn để triệt hạ tiềm năng đối lực đang sinh hoạt đấu tranh cho quê nhà sớm có dân chủ tự do.

Hoặc mánh mung hơn, CSVN còn nuôi những mạng truyền thông — như cóc mọc đuôi — đòi làm văn hóa theo chữ nghĩa của thời đại cộng sản, chủ trương không đụng tới chính trị, nhưng lâu lâu sử dụng một hình thức nào đó ca ngợi chế độ ngày nay tiến bộ, giàu mạnh; hoặc hãy quên đi quá khứ, đừng làm gì cả, lãnh đạo đất nước đã có những lãnh tụ “anh minh” lo liệu. Còn người Việt hải ngoại hãy lo làm ăn, gửi hàng tỷ đô la về nước cho đảng Mafia đỏ tiêu xài vào những công tác đánh phá khối người Việt quốc gia hải ngoại và tiếp tục ngự trị lên đầu, lên cổ 90 triệu dân không hề có tự do dân chủ ở trong nước.

Đất nước và dân tộc thời nào cũng thế, cũng những tên Việt gian nối giáo cho giặc. Dưới thời chống quân xâm lăng từ Bắc phương thiếu gì Việt gian; dưới thời đô hộ của Pháp cũng đầy dẫy những thằng Tây con (da vàng mũi tẹt), còn gian ác hơn cả Tây chính gốc. Dưới thời Cộng sản — vong bản, vong thân, phi dân tộc — thiếu gì những hạng người sớm đánh tối đầu. Chỉ vài năm trước khi đặt chân lên tàu ra khơi tìm sự sống trong nỗi chết, thề nguyền sẽ trở về giải phóng quê hương; nhưng chỉ vài năm sau, vì mê lộ bạc tiền, đã dửng dưng quay lại làm tay sai cho những người mà trước đây họ đã nguyền rủa, hận thù. Những loại người như thế, đúng như người xưa có câu: “Loại phản trắc sẽ không bao giờ có được hậu quả tốt”. Bằng chứng là họ ra đường bị đồng bào khinh rẻ, không thèm giao du.

Đọc qua bản Nghị Quyết 36 “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, người ta thấy rõ âm mưu của đảng CSVN là muốn tập thể người Việt hải ngoại ủng hộ chính sách ngoại giao của họ, khuyến khích “khúc ruột ngàn dặm” về làm ăn, đầu tư… đoàn kết và hòa hợp sau lưng chế độ và đảng CSVN.

Còn với thành phần đấu tranh cho tự do dân chủ Việt Nam ở trong nước, ở hải ngoại thì họ lên án, phải giải quyết: “Một số ít người đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, ra sức chống phá đất nước, phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại và Việt Nam”. Đó là những lời đe dọa có tính cách khủng bố tinh thần người Việt quốc nội và hải ngoại.

Thế nhưng CSVN có thực hiện được những gì họ muốn hay không là mặt khác của vấn đề. Điều này có thể chứng minh được: 40 năm sau, thái độ chính trị của người dân quốc nội bây giờ đã khác. Họ không còn sợ hãi nữa; họ đã và đang dứng dậy chưởi thẳng vào mặt công an, cán bộ cộng sản. Những cuộc xuống đường bất ngờ trưng biểu ngữ bắt loa nói rõ 30-4 là ngày tang của dân tộc Việt Nam; là ngày cộng sản đưa cả nước vào nghiệt ngã, xã hội bệnh hoạn; là ngày cs cướp đoạt tài sản người dân – hại dân, giết dân… đã xảy ra rải rác khắp nơi từ nam ra bắc.

Cũng trong mùa quốc nạn năm nay, 90 chục ngàn nhân công đã xuống đường đấu tranh bất bạo động như ở Hong Kong.

1) Bắt đầu từ ngày 26-3-2015, hàng chục ngàn công nhân thuộc công ty Pou Yuen của Đài Loan tại Sài Gòn đã đình công liên tục để phản đối điều 60, Luật bảo hiểm xã hội sắp có hiệu lực đầu năm tới. Cuộc đình công sau đó đã lan tới các công ty ở Bình Dương, Long An, Tây Ninh và Tiền Giang, lôi kéo tới cả hơn 90 ngàn công nhân biểu tình, chưa từng có ở Việt Nam, trong ôn hòa bất bạo động. Nhưng hàng ngàn công an và dân phòng đã được huy động tới các công ty này để đàn áp. Nhiều công nhân tích cực và tiên phong đã bị đánh đập hoặc bị bắt, khiến một số đồng nghiệp đã phải xông vào giải cứu. Cho đến 1-4-2015, trước ảnh hưởng lớn mạnh của phong trào công nhân vùng dậy, TT Nguyễn Tấn Dũng buộc phải hứa sẽ đề nghị quốc hội sửa đổi luật bảo hiểm. Các cuộc biểu tình nay đã tạm ngưng lại, nhưng ảnh hưởng về vấn đề đấu tranh đòi quyền sống lâu dài của người dân vẫn còn sôi sục, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

2) Ở Hà Nội hàng ngàn người đã tuần hành tại hồ Thiền Quang chống kế hoạch chặt hạ 6700 cây xanh. Những người tham dự cuộc tuần hành đã thể hiện tình yêu đối với cây xanh bằng việc ôm cây, chụp ảnh bên cạnh logo của chiến dịch “Tree Hugs”. Với sự xuất hiện của những gương mặt còn rất trẻ, nhiều hoạt động đa dạng như ca hát, vẽ tranh bằng biểu ngữ khiến cuộc biểu tình trở nên có ý nghĩa. Mặc dù có một vài hành vi quấy phá từ những kẻ lạ mặt, nhưng nhìn chung cuộc tuần hành vẫn diễn ra tốt đẹp.

CAY_8
Tiếp theo đó, Chủ nhật 29-3-2015, một cuộc tuần hành quy tụ đông đảo người dân đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội, trong đó đặc biệt có sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ. Người dân Hà Nội đã xuống đường rầm rộ như vậy sau khi hàng trăm hoặc có thể là hàng ngàn cây xanh, trong đó có cả những cây rất lâu đời và rất quý giá, ở thủ đô bị chặt một cách không thương tiếc, gây căm phẫn dư luận địa phương và toàn quốc.

Hai phong trào, một ở Hà Nội và một ở Sài Gòn, buộc bạo quyền csvn kể từ nay phải lắng nghe ý kiến của người dân khi hoạch định các chính sách, hay khi đề ra các chủ trương.
Người dân nay đã sáng mắt, bởi họ đã bị lừa gạt, đã bị khủng bố bằng bạo lực mấy thế hệ rồi, nên giờ đã sáng lòng. Do đó, đã đến lúc họ không còn chịu đựng câm nín mãi được nữa mà chỉ còn liều chết để sinh tồn thôi.

Đồng bào nổi dậy tại Bình Thuận

3) Mới nhất là vụ đụng độ của người dân Bình Thuận với cảnh sát cơ động (CSCĐ). Người dân xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận cáo buộc Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (của Tàu chệt) xả bụi than gây ô nhiễm môi trường. Giới chuyên gia cảnh báo việc rò rỉ bụi than có thể gây tác hại đến phổi, đường hô hấp và nguồn nước, đồng thời cho rằng sự việc thuộc trách nhiệm của cả doanh nghiệp điều hành nhà máy lẫn chính quyền địa phương.

Các cuộc biểu tình xảy ra bắt đầu hôm 14/4 khá ôn hòa, với sự tham gia của hàng trăm người, nhưng sau đó đã leo thang thành bạo lực vào chiều tối 15/4. Sự việc đã gây tắc nghẽn 50 km trên đường Quốc Lộ 1A. Theo báo Pháp Luật (quốc nội), 8:30 tối 15/4, lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ) Bình Thuận đã phải rút lui khỏi hiện trường sau khi bị người dân “dùng gạch, đá và bom xăng tự chế ném vào”. Báo này cũng cho biết rất nhiều người bị thương trong lúc đụng độ. Một số video đăng tải trên mạng cho thấy lực lượng an ninh cũng đáp lại bằng lựu đạn khói, hơi cay. Đến 9:00 giờ tối, sau khi lực lượng cảnh sát rút lui, người dân tại đây cũng giải tán.

Đây là trận đụng độ thật sự xảy ra đầu tiên bằng bạo lực giữa CSCĐ và người dân Bình Thuận. Tình hình tại địa phương tuy đã lắng xuống, nhưng người dân khắp nước đang phấn khởi khi nhìn thấy, qua youtube, lòng dân reo hò, mừng vui khi những trái bom xăng liệng vào đám công an, cảnh sát bùng cháy dữ dội khi CSCĐ xuống tay đàn áp người biểu tình. Thời cuộc đã chín mùi, ý dân là ý Trời! Đã đến lúc người dân không thể tiếp tục chịu đựng và khiếp nhược trước bạo lực được nữa.
Những Vấn Đề Nóng Hổi

TRONG_TAP_B

Tuần trước, 7-10 tháng 4 năm nay, TBT Nguyễn Phú Trọng đã dẫn một phái đoàn đông đảo sang triều cống Trung Cộng và lập lại lời thề trung thành với đảng CS bố, y như đã ký kết tại Hội Nghi Thành Đô năm 1990.

Chuyến đi lần này của ông Trọng sang nước láng giềng anh em cùng chung ý thức hệ cộng sản được chú ý vì trong thời gian tới ông cũng sẽ công du Hoa Kỳ. Lý do được chú ý là vì gần như thông lệ, trước khi một lãnh đạo CSVN đi Mỹ, hầu như họ đều phải sang Tàu trước, một hình thức “xin phép”. Điều này không chỉ các chính khách thế giới đều biết, mà ngay cả người dân cũng đã hiểu ít nhiều như vậy.

Theo nhận định của Andrew Browne viết trên tờ The Wall Street Journal vào ngày 7 tháng 4 vừa qua thì Trọng phải đối diện một thế tiến thoái lưỡng nan mà giới lãnh đạo Việt Nam — trong một thiên niên kỷ qua đã gặp phải — đó là làm thế nào vẫn tỏ được lòng thuận theo “Bắc Triều” mà không bị dân chúng trong nước cho là nhu nhược, hèn hạ.

Tác giả Andrew Browne cho rằng để có thể hóa giải được thế lưỡng nan như thế, các nhà cầm quyền tại Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử bị Trung Hoa thống trị đã vận dụng tất cả mọi phương kế ngoại giao cũng như cả những mánh khóe. Một đơn cử được đưa ra là vào thế kỷ thứ 18, hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã cử một người giả làm hoàng đế thay mình sang Trung Hoa. Trước đó cũng từng có trường hợp có hai ‘hoàng đế’ nước Nam: một vị nhỏ tuổi được đặt lên để đối phó với Trung Hoa còn vị kia là một người thực sự cao cường lo mọi chuyện nước. Chính những mánh khóe như thế của Việt Nam khiến Trung Cộng (TC) xem Việt Nam là xảo quyệt và đi nước đôi.

Thế lưỡng nan của Việt Nam hiện nay lại thêm khó xử; đó là tình trạng lệ thuộc về mặt kinh tế ngày càng gia tăng, tạo thêm áp lực phải theo Bắc Kinh. Tuy vậy, hành xử của TC vào tháng 5 năm 2014 đưa giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam khiến tinh thần dân tộc chống Bắc phương của người Việt một lần nữa được khơi dậy và lên cao.

Một thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew, trụ sở tại Hoa Kỳ cho thấy, đưa ra tỷ lệ số người được hỏi bày tỏ quan ngại tranh chấp chủ quyền lãnh hải với TC có thể dẫn đến xung đột quân sự như sau: Philippines 93%; Nhật Bản là 85%, Việt Nam 84%.

Tác giả Andrew Browne trong bài viết đưa ra nhận định là không liên minh ngoại giao nào mà Việt Nam có thể lôi kéo để đủ sức đối trọng lại sức mạnh của TC. Việt Nam không thể thoát khỏi vị trí địa lý nằm bên cạnh đất nước Trung Hoa mênh mông. Tuy vậy, Bắc Kinh cũng biết rằng không bao giờ có thể khuất phục được Việt Nam. Vào năm 1979, TC đổ quân rầm rộ tràn sang biên giới Việt Nam nhưng đã bị đánh cho tơi bời. (*)

Chuyên gia trong nước đánh giá

Chuyến đi 4 ngày của ông TBT Nguyễn Phú Trọng sang TC là chuyến công du của một giới chức cao cấp nhất của VC sang nước láng giềng từ sau vụ khủng hoảng giàn khoan HD-981. Được biết sau khi xảy ra hành động bị cho là quá tay của nước cộng sản anh em TC, đích thân Nguyễn Phú Trọng đã ngỏ ý sang Tàu để nói chuyện, nhưng bị Bắc Kinh từ chối.

Gần đây giới chức ngoại giao Hoa Kỳ và cả phía Việt Nam đều loan tin, trong thời gian sắp đến năm nay ông Trọng sẽ có chuyến viếng thăm Hoa Kỳ trong cương vị TBT đảng CSVN. Trong khi ngày giờ chuyến đi Mỹ của ông Trọng chưa được chính thức công bố thì diễn ra chuyến công du Bắc Kinh.

Theo truyền thông của Việt-Trung thì chuyện Trọng đi chầu Tàu cộng là chuyện “đồng chí đồng rận” bình thường, nhưng một vài chuyên gia lịch sử cho rằng: “Hai cách ứng xử lịch sử khác nhau, thái độ khác nhau, tư thế và tâm thế hoàn toàn khác nhau, một bên là các triều đại Việt Nam xưa khôn khéo, chủ động và không hề lệ thuộc; còn ngược lại bây giờ thì không đúng như ngày xưa. Bây giờ thì Thông tấn xã Việt Nam loan tin quan hệ Việt-Trung là “thực chất, phát triển, ổn định và bền vững”. Rồi trong đó còn nói “hữu nghị và phát triển tích cực là dòng chính”; đó là nói dối, thực tế không phải như vậy. Cho nên nói phát triển tích cực, hữu nghị là không đúng. Có quan hệ rất nhiều mặt nhưng không có hữu nghị, không có tích cực và rất nhiều tiêu cực cho Việt Nam, hại cho Việt Nam nhiều lắm! Biển đảo vẫn bị lấn chiếm và xây dựng thành căn cứ hải quân, không quân đe dọa hòa bình, đe dọa chủ quyền, đe dọa an ninh hàng hải của Việt Nam, của khu vực và thế giới.”

Giáo sư Tương Lai nhận định là Việt Nam không thể thực thi vai trò địa chính trị cho đến khi nào có thể phát triển kinh tế đầy đủ và cải tổ thêm nữa về mặt chính trị. Ông cho rằng khi Việt Nam đáp ứng thì những yêu cầu của Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), do Hoa Kỳ chủ xướng gồm việc thành lập nghiệp đoàn tự do, giảm sự tham gia của nhà cầm quyền vào kinh tế, thực hiện minh bạch hơn thì sẽ giúp cho Việt Nam trên con đường hội nhập. (**)

Lởi Kết

Bốn mươi bốn năm đã trôi qua, nhưng đất mẹ vẫn còn trong vòng nghiệt ngã của một đại nạn khổ đau do cộng sản quốc tế gây nên. Sự thật miền Nam Tự Do đâu cần ai giải phóng! Bắc Việt, nếu không xâm lăng miền Nam Việt Nam vào năm 1975, thì giờ này nửa phần đất tự do ấy đâu thua kém bất cứ một nước nào tại Á Châu. Có thể Việt Nam đã trở thành một cường quốc kỹ nghệ giàu mạnh trên thế giới!

Đảng CSVN hiện đang lệ thuộc Trung Cộng (TC) về mọi mặt mà ai cũng biết, nhất là kinh tế, nên cứ bị “chú ba” đè đầu cởi cổ và sẽ bị Hán hóa như Tây Tạng, Tân Cương trong một tương lai gần. Vì vậy, muốn chấm dứt lệ thuộc nặng nề vào TC, chấm dứt đại họa dân tộc bị Hán hóa thì giới lãnh đạo phải sáng suốt, mạnh mẽ, đứng lên dân chủ hóa chế độ cấp bách, đừng để quá muộn. Một khi thế giới tự do chán nản quay lưng thì cơ hội được giúp đỡ bằng vàng ấy sẽ biến mất, và sẽ không bao giờ có được lần thứ hai. Chưa kể, người dân quốc nội, khi được sống trong một xã hội dân chủ, có tự do, có nhân quyền, có tình yêu thương nòi giống, chắc chắn họ sẽ dồn mọi nỗ lực chung lòng chung sức để xây dựng đất nước, trong tinh thần đoàn kết dân tộc chống xâm lăng, thì có gì mà không làm được! Đó là chưa nói tới sự hào sảng của 4 triệu người Việt hải ngoại, với hàng trăm ngàn chuyên viên chất xám sẽ tìm cách quay về cố hương, góp những bàn tay, khối óc tuyệt vời, dựng lại người, dựng lại nhà hùng mạnh để xứng với danh xưng Hòn Ngọc Viễn Đông như trong quá khứ, một thời, đã có tên gọi Saigon, Việt Nam.

Trương Sĩ Lương

(*) Nguồn RFA (**) RFA