Lịch sử Ngày 30 tháng Tư (Tú Suỵt)

canada-thank-youLỊCH SỬ

 “Người ta chỉ có thể thay đổi tương lai, không ai thay đổi được lịch sử”

Câu ngạn ngữ được hấp thụ từ học đường vào hậu bán thế kỷ trước, giờ đây mới có được cơ hội giở ra để soi chiếu vào các ngóc ngách của cuộc tranh luận tại Canada về một ngày lịch sử của dân tộc Việt Nam. Ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Trình bày sự việc

Cuộc tranh luận nổ ra từ Dự luật S-219 của quốc hội Canada do vị TNS gốc Việt, ông Ngô Thanh Hải đệ trình, đã được Thượng Viện biểu quyết thông qua vào cuối năm 2014, đang chờ đợi kết quả biểu quyết tại Hạ Viện, sắp diễn ra.

1/. Thành phần: Hai thành phần chính, đối diện tranh luận:

–         Phe ủng hộ thông qua, là cộng đồng người Canada gốc Việt có tổng số 300 ngàn người với lá cờ biểu tượng là cờ vàng ba sọc đỏ.

–         Phe chỉ trích ngăn cản, là giới chức chính phủ CHXHCNVN với lá cờ đỏ sao vàng, được sự hổ trợ của những cảm tình viên và dư luận viên tại Canada.

2/. Lực lượng:

–         Phe Cờ Vàng ủng hộ : khối ba triệu người Việt hải ngoại khắp thế giới, tập trung dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ trong suốt 40 năm, từ 1975 đến 2015, chủ trương đối kháng vai trò độc quyền lãnh đạo, cùng các chính sách cai trị hà khắc áp bức của nhà cầm quyền Cộng sản tại Việt Nam.

–         Phe Cờ Đỏ chỉ trích : là đảng Cộng sản, xuất phát từ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa miền Bắc, là phe đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lăng nước Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam, kể từ năm 1960 đến năm 1975, ngang nhiên xé bỏ Hiệp Định Hòa Bình Paris ký kết năm 1973, mở cuộc tổng tấn công chiếm đóng lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30 tháng Tư 1975. Ước tính tổng số nhân lực của đảng Cộng sản hiện nay là ba triệu người dưới lá cờ đỏ sao vàng.

–         So sánh lực lượng hai bên, tương đồng về nhân sự. Dân số của cả đất nước Việt Nam hiện nay, với 90 triệu người, cần được tách riêng, không thuộc vào phe nào, cho tới khi họ được quyền bày tỏ quyết định bằng lá phiếu.

3/. Lý do đưa đến tranh luận:

–         Quốc hội Canada, với dự luật S-219, muốn có một văn kiện pháp quy chính thức ghi nhận sự hình thành cộng đồng thiểu số gốc Việt đã nhập cư Canada. Họ cùng xuất phát từ một nguyên nhân lịch sử, cùng một thời điểm, một quốc gia. Sau 40 năm hiện diện, cộng đồng thiểu số gốc Việt đã đóng góp thành quả đáng kể vào công cuộc xây dựng đất nước Canada tiên tiến.

–         Chi tiết danh xưng: Journey to Freedom, Vietnamese Canadian, April 30th.

–         Ba yếu tố danh xưng nêu trên được viện dẫn từ sinh hoạt kỷ niệm lớn hàng năm, vào ngày Quốc Hận 30 tháng Tư. Với con số qui tụ đông đảo người gốc Việt tham dự, lên đến hàng chục ngàn người trên khắp đất nước Canada, tập trung dưới hàng ngàn lá cờ vàng ba sọc đỏ, kéo dài suốt 40 năm, đã ghi dấu ấn lịch sử trong xã hội đa văn hóa, đa chủng tộc của quốc gia Canada.

–         Biết tin, Đại sứ CHXHCNVN đề nghị được phát biểu trong cuộc điều trần tại Thượng Viện. Vì không được đáp ứng, Sứ quán CHXHCNVN gửi thư phản đối bằng Việt ngữ đến phiên điều trần tại Thượng Viện Canada nói tiếng Anh và tiếng Pháp. Văn thư này đã không thể được xử dụng.

–         Bộ Trưởng Ngoại Giao CHXHCNVN gửi thư đến Bộ Ngoại Giao Canada phản đối chi tiết “Ngày 30 tháng Tư”, trong Dự luật S-219, lo ngại gây ảnh hưởng xấu lên mối bang giao giữa hai quốc gia Canada và CHXHCNVN. Cho rằng, ngày 30 tháng Tư là ngày Lễ kỷ niệm kết thúc chiến tranh của riêng nước CHXHCNVN mà thôi.

–         Thủ Tướng CHXHCNVN gửi thư phản đối đến Thủ Tướng Canada chỉ trích Dự luật S-219 xuyên tạc lịch sử.

4/. Hoạt động của Quốc Hội Canada, và của hai phe bênh, chống Dự luật S-219

–         Sau khi được Thượng Viện thông qua, chuyển tới Hạ Viện. Các vị Dân biểu bắt đầu cuộc vận động theo từng quan điểm chính trị riêng của các đảng phái cầm quyền và đối lập trong nghị trường của Quốc Hội Canada.

–         Làn sóng tranh luận giữa hai phe bênh và chống dự luật S-219 trong cộng đồng người Việt nổi rộ lên trên các phương tiện và diễn đàn internet.

–         Phe chống, gửi thư có 22 chữ ký tại Canada, đến các vị dân biểu thuộc đảng đối lập Liberal Party, tán đồng yêu cầu của đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam, đề nghị Hạ Viện không thông qua dự luật S-219.

–         Phe bênh, ký vào thỉnh nguyện thư gửi đến các Dân biểu thuộc đảng cầm quyền Conservative Party, yêu cầu thông qua dự luật S-219.

–         Đầu tháng Tư 2015, Ủy Ban Pháp Chế của Hạ Viện mở phiên điều trần, lắng nghe, thâu thập ý kiến, lập luận từ hai phe bênh và chống.

–         Kết quả, Ủy Ban Pháp Chế Hạ Viện đã thông qua Dự Luật S-219, quyết định đưa ra trước phiên khoáng đại để toàn thể Dân biểu bỏ phiếu.

Hiện tại, Dự luật S-219 đang nằm trên bàn làm việc của hơn 500 vị Dân biểu Canada, chờ đến ngày đưa ra chung quyết tại Quốc Hội.

Nhận định

“Người ta chỉ có thể thay đổi tương lai, không ai thay đổi được lịch sử”, xin đưa ra nhận định liên quan đến cuộc tranh luận về ngày 30 tháng Tư 1975.

* Tính chất quốc tế của cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc ngày 30/4/1975

–         Biến cố lịch sử ngày 30 tháng Tư 1975 là một biến cố lịch sử quốc tế. Bởi vì, cuộc chiến tranh Việt Nam 1960 – 1975 là một cuộc chiến tranh quốc tế giữa hai khối ý thức hệ, Cộng Sản và Tự Do, xảy ra trên đất nước Việt Nam, dưới chiêu bài cuộc chiến tranh “Chống Mỹ Cứu Nước”, cuộc chiến tranh “Giải Phóng Miền Nam”, cuộc chiến tranh “Ta Đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô Trung Quốc”. Lực lượng gây chiến xuất phát từ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại miền Bắc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của đảng chính trị bạo lực, thuộc đệ tam quốc tế Cộng Sản, phá bỏ Hiệp Định Geneve 1954, xử dụng vũ khí do khối Cộng sản quốc tế sản xuất, mở hành lang xâm nhập hai nước Lào và Campuchia để tấn công cắt ngang vào lãnh thổ nước Việt Nam Cộng Hòa trong phần đất miền Nam Việt Nam bên dưới vĩ tuyến 17.

–         Ngày 30 tháng Tư 1975 là ngày đạo quân cộng sản của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chiếm đóng hoàn toàn lãnh thổ nước Việt Nam Cộng Hòa. Trước đó, đạo quân Cộng sản bất tuân Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973 mà chính họ đã ký kết, với sự bảo đảm thi hành của Liên Hiệp Quốc và 12 nước ký Nghị Định Thư, trong đó có quốc gia Canada là một thành viên, bảo đảm việc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định Paris 1973.

–         Vì không phải làcuộc nội chiến của dân tộc Việt Nam”, sau ngày 30 tháng Tư 1975, hàng triệu người dân của nước Việt Nam Cộng Hòa hãi sợ các chính sách tàn ác của quân chiếm đóng Cộng Sản, đã vượt thoát ra Biển Đông, được cứu vớt đến bờ bến tự do. Sự thật lịch sử này không thể xóa đi.

–         Nước Việt Nam Cộng Hòa tự do bị bức tử và bị đồng hóa, hòa nhập vào chế độ Cộng sản dưới danh xưng mới, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, do đảng Cộng Sản đệ tam quốc tế lãnh đạo, là một thực tế lịch sử của toàn thể loài người, chứ không phải chỉ của riêng dân tộc Việt Nam.

–         Dân tộc Việt Nam không là tác giả của chủ nghĩa Cộng Sản. Dân tộc Việt Nam không mua súng đạn của khối Cộng sản để giết nhau.Chủ nghĩa Cộng sản phát xuất từ Nga – Tàu, chỉ với một thiểu số đảng viên Cộng sản tay sai tại Việt Nam đã gây ra chiến tranh, buộc dân tộc Việt Nam phải gánh chịu.

–         Về mặt tinh thần, tổ chức Liên Hiệp Quốc và 12 nước ký kết bảo đảm thi hành Hiệp Định Paris 1973, tuy bất lực đối với khối Cộng sản, cũng đã bày tỏ tinh thần trách nhiệm qua sự cứu vớt thuyền nhân Việt Nam lênh đênh trên đại dương, đưa về đất định cư mới, bên ngoài nước CHXHCNVN.

* Vai trò, trách nhiệm của quốc gia Canada đối với ngày 30 tháng Tư:

–         Canada đón nhận 300 ngàn người Việt tị nạn Cộng Sản là một hành động trách nhiệm gìn giữ hòa bình thể hiện tình nhân loại, đã đi vào lịch sử.

–         Nhờ vào hành động trách nhiệm lịch sử ấy, đã hình thành ổn định một cộng đồng thiểu số giàu tiềm năng bên trong Canada. Sau 40 năm, Quốc Hội xúc tiến ban hành văn kiện pháp qui để chính thức ghi nhận cộng đồng gốc Việt hòa mình vào dòng lịch sử Canada, là một việc làm chân chính, đáng ca ngợi, củng cố sự bền vững trong nội tình quốc gia đa chủng tộc này.

–         Toàn thể 300 ngàn con người, lần lượt rời bỏ quê hương Việt Nam, kể từ ngày 30 tháng Tư 1975, sau 40 năm, không còn ai mang quốc tịch của nước CHXHCNVN. Họ không phải là Việt Kiều, mà chính xác họ là “Người Canada Gốc Việt”. Chỉ có đảng Cộng sản VN xuyên tạc sự thật này, luôn tìm cách gây ảnh hưởng lên khối công dân Canada gốc Việt, với bằng chứng cụ thể, nghị quyết 36 của cộng sản VN thường xuyên khuấy động, chia rẻ cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung, và tại Canada nói riêng.

–         Bang giao giữa nước Canada và nước CHXHCNVN là công việc ngoại giao bình thường, như Canada đang có bang giao với hàng trăm nước khác trên thế giới. Canada không bao giờ có hành động áp lực lên nội tình xã hội của quốc gia khác. Ngược lại, Canada không cho phép một nước nào nhân danh quyền lợi giao thương để chỉ trích, gây áp lực lên trên mọi hoạt động bên trong xã hội Canada. April 30th , ngày lịch sử Cờ Vàng tại Canada.

     *Chính phủ nước CHXHCNVN và trách nhiệm lịch sử đối với ngày 30/4

–         Mang tên chính danh Cộng Sản, nhà cầm quyền tại Việt Nam không thể chối cải vai trò là một thành viên liên kết trong khối Cộng sản quốc tế, xử dụng vũ khí và bạo lực của khối Cộng sản để hai lần “cướp” chính quyền trên hai miền, Bắc (1945), Nam (1975), đặt ách cai trị độc tài trên toàn cõi đất nước Việt Nam. Là một sự thật lịch sử nhuộm máu xương dân tộc Việt.

–         Cuộc chiến tranh mang khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước”, “Giải Phóng Miền Nam”, “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”, do ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, là tiền thân của nước CHXHCNVN, phát động từ năm 1960, chấm dứt trong ngày 30 tháng Tư 1975 , về thực chất là một cuộc chiến tranh xâm lược, trá hình giải phóng, để áp đặt ý thức hệ Cộng sản ngoại lai lên toàn thể đất nước Việt Nam. Đây là một bất hạnh lịch sử lớn lao thứ hai của dân tộc Việt.

–         Sau ngày 30 tháng Tư 1975 đã xảy ra thảm cảnh thuyền nhân trên Biển Đông do lực lượng công an biên phòng của nước CHXHCNVN tổ chức bán bến bãi xuất phát cho ghe thuyền vượt biên ra khơi, để thu gom vàng làm giàu cho đảng Cộng sản. Là sự thật lịch sử thứ ba.

–         Người Canada gốc Việt không còn giữ quốc tịch của nước CHXHCNVN, luôn giương cao ngọn cờ vàng như một lá cờ biểu tượng của cộng đồng tại Canada trong suốt 40 năm qua, không suy giảm. Mặt khác, vẫn tôn trọng mối giao thương của Canada với CHXHCNVN. Sự thật lịch sử thứ tư.

–         Cùng với sự công khai chỉ trích Canada, Hà Nội cài cắm nhân viên, xúi giục công dân Canada thực hiện ý định lèo lái tiến trình xét duyệt dự luật S-219 của Quốc Hội, là một mánh khóe quấy rối kém hiểu biết, không tôn trọng nội tình riêng tư của quốc gia Canada mà chính Cộng sản Hà Nội muốn bắt tay, để phát triển tiến bộ. Là sự thật mới mẻ nhất vừa được ghi vào lịch sử.

Kết luận. 40 năm một bài học lịch sử đắng cay cho ba thế hệ dân tộc Việt Nam.

Người Việt khắp năm châu hiểu rõ chủ nghĩa và con người Cộng sản hơn bất cứ dân tộc tây phương nào trên thế giới. Xin ghi nhớ và tự kiểm nghiệm sự thật với câu truyền tụng bất hủ sau đây, đã được rút tỉa, tóm gọn từ cơn đại họa Cộng Sản:

“Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỷ những gì Cộng sản làm”.

 

Tú Suỵt  –  tháng Tư 2015