Những ai may mắn gần gũi với Nguyễn Văn Bông chắc còn nhớ lúc mới về Sài Gòn, còn ở tạm tại một khách sạn nhỏ trên đường Kỳ Ðồng, ông thạc sĩ độc thân, đẹp trai hồn nhiên mặc chiếc áo thun rách 3 lỗ ra tiếp đón bà con bạn bè đến mừng! Nguyễn Văn Bông mộc mạc, thiệt thà, đơn giản, là con người “trước sao, sau vậy”. Rồi ông được mời giảng dạy chánh thức tại đại Học Luật Khoa Saigon, đến 15 Tháng Mười Một năm 1964 được cử làm viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Nguyễn Văn Bông vẫn vậy.
Ðối diện với ông trên bộ ghế salon bằng gỗ cũ kỹ tại căn nhà của ông do nhà nước cấp, trước trường Nữ Trung Học Gia Long vào thập niên 70, tôi nói chuyện với ông như người anh em, người đồng hương, người “bạn tri kỷ”, dầu tôi với ông cách biệt tuổi tác và địa vị.
Ðó là cái lớn của Nguyễn Văn Bông mà tôi ít tìm thấy nơi những tri thức cũng như chánh khách mà tôi hân hạnh tiếp xúc lúc bấy giờ.
Làm viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, nơi đào tạo những con người lãnh đạo đất nước, những ông chủ quận, chủ tỉnh, quan chức cao cấp… nhưng Nguyễn Văn Bông không coi mình là quan chức. Ông trước sau chỉ là người thầy, người anh, người bạn với mọi người kể cả học trò của ông.
Ông Nguyễn Văn Bông từ Pháp về nước lúc tình hình chánh trị ở miền Nam Việt Nam đang trong thời kỳ xáo trộn: 18 trí thức nhóm Tự Do Tiến Bộ bị đàn áp, do ngày 26 Tháng Tư năm 1960 nhóm này cho phổ biến tuyên ngôn yêu cầu chánh phủ cải tổ; Phật Giáo chống lại chánh sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Ðình Diệm lên cao điểm với vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tại ngã tư Lê Văn Duyệt- Phan Ðình Phùng lúc 11 giữa trưa ngày 11 Tháng Sáu năm 1963…
Nguyễn Văn Bông dầu được chánh quyền mời về, nhưng ông không e dè đăng đàn thuyết trình đề tài “Ðối lập chánh trị trong chế độ dân chủ” ngày 1 Tháng Tám năm 1963, nhân buổi lễ khai giảng năm học, trước cử tọa gồm viện trưởng, khoa trưởng, giáo sư cùng hàng ngàn sinh viên. Không kể nội dung bài thuyết trình, thái độ của người thầy Nguyễn Văn Bông đã làm cho sinh viên cùng đồng sự của ông nể trọng, kính phục. Ðó là đức độ kẻ sĩ. Và mấy ai làm được?
Ông không chọn thái độ ở ẩn như Phan Văn Trị, từ quan như Vũ Văn Mẫu. Lối xuất sử của Nguyễn Văn Bông làm cho ông trở thành con người nổi trội bấy giờ.
Sau Cách Mạng 1 Tháng Mười Một, ông đảm nhận các chức vụ viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, cố vấn cho Tối Cao Pháp Viện, ủy viên Hội Ðồng Quản Trị Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam. Tới lúc này ông Viện Trưởng Nguyễn Văn Bông vẫn thường về quê, tìm món khô “hắc cấy”, món ngon đặc sản Vàm Láng của ông. Nghe ông thích thú kể chuyện con hắc cấy, chuyện làm gỏi da cá đuối mà tưởng chừng đang nói chuyện với lão nông, hay người đánh cá. Cung cách Nguyễn Văn Bông đã thâu hút mọi người và làm mọi người đến với ông. Rồi ông được mời hoạt động, làm chánh trị, bởi anh em thấy ở ông cái đức độ của con người lãnh tụ thật sư, có tấm lòng, có cái Tâm. Ông làm chánh trị như nhà tu hành thiền.
(không rõ xuất xứ trên mạng)