Tin Cập Nhật Thứ Năm 18/12/2014

Lê Minh Khởi

Tin Thế Giới

1.
Mỹ, Cuba nối lại quan hệ ngoại giao sau khi trao đổi tù binh — Thế giới hoan nghênh 2 bên xích lại gần nhau

Mỹ và Cuba cho biết hai nước đang tiến tới bình thường hóa quan hệ, chấm dứt hơn một nửa thế kỷ cô lập ngoại giao nảy sinh từ thời Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro, phát biểu cùng lúc ở Washington và Havana, cho biết họ đã trao đổi những tù binh người Mỹ và Cuba bị giam giữ nhiều năm qua và giờ sẽ mở đường để tăng cường quan hệ về kinh tế và du lịch giữa hai nước.

Alan Gross, nhân viên hợp đồng với Cơ quan Phát triển Quốc tế, được Cuba trả tự do hôm thứ Tư sau 5 năm tù giam vì nhập khẩu công nghệ cấm vào Cuba. Ông Obama cho biết ông Gross và một người đàn ông được mô tả là “một trong những tình báo viên (người Mỹ) quan trọng nhất” đã được Cuba thả ra, đổi lại Mỹ cũng thả ba điệp viên người Cuba bị giam hơn một thập niên qua trong các nhà tù của Mỹ.

Ông Obama nói 50 năm qua, việc Mỹ cô lập đảo quốc cách bờ biển phía nam của Mỹ 145 km “đã không có tác dụng” và “đến lúc phải có cách tiếp cận mới.”

Sự tan băng ngoại giao này diễn ra sau hơn một năm đàm phán bí mật giữa hai nước, với Canada và Đức Giáo hoàng Phanxicô đóng vai trò chủ chốt. Nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo Roma ngỏ lời “chúc mừng nồng nhiệt” đối với việc nối lại liên hệ ngoại giao giữa hai nước, trong khi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon mô tả tin này là “rất tích cực.”

Chủ tịch Castro nói ông Obama “đáng được người dân chúng tôi tôn trọng và ghi nhận.” Hai nhà lãnh đạo đã điện đàm với nhau hơn 45 phút vào ngày thứ Ba, là sự liên lạc có thực chất đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ và Cuba kể từ năm 1961.

Ông Gross ca ngợi ông Obama, các quan chức, và các nhóm từ thiện khác vì những nỗ lực của họ trong việc giúp ông được phóng thích.

Theo dự kiến, Mỹ và Cuba trong tuần tới sẽ đàm phán một thỏa thuận đưa tới việc mở đại sứ quán tại thủ đô của hai nước. Ông Obama cho biết quan hệ kinh doanh và du lịch sẽ được khởi động, nhưng ông sẽ phải thương thuyết với Quốc hội Mỹ về việc chấm dứt phong tỏa kinh tế của Mỹ đối với Cuba.

Sau loan báo của tổng thống, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner nói, “Xét lại quan hệ với chế độ Castro là điều không nên, huống hồ là bình thường hóa, cho đến khi người dân Cuba được hưởng tự do – dù một giây sớm hơn cũng không.” Ông nói thêm, “Không có ‘đường hướng gì mới’ ở đây, có chăng là một danh sách dài những nhượng bộ phi lý cho một chế độ độc tài đàn áp người dân của mình và mưu đồ với kẻ thù của chúng ta.”

Ông Obama nói ông “không ảo tưởng” rằng những quyền cá nhân của người dân Cuba sẽ cải thiện ngay lập tức. Nhưng ông nói khi Mỹ không đồng ý với hành động của Cuba, Mỹ sẽ có thể lên tiếng thẳng thừng với Havana.

Tòa Bạch Ốc cho biết chính sách lâu nay của Mỹ tìm cách kiềm chế và cô lập Cuba thực sự “cô lập Mỹ khỏi những đối tác trong khu vực và quốc tế [và] hạn chế khả năng của chúng ta ảnh hưởng đến kết quả trên khắp Tây bán cầu.”

Phát biểu của chính quyền Obama cho biết mặc dù chính sách của Mỹ đối với Cuba “bắt nguồn từ những ý định tốt, nhưng chính sách đó có ít tác dụng. Hôm nay, cũng như thời năm 1961, Cuba vẫn do gia đình Castro và Đảng Cộng sản cai trị.”

Ngày 17/12/2014 sẽ đi vào lịch sử với sự kiện Hoa Kỳ và Cuba sau nhiều thập niên căng thẳng, đã xích lại gần nhau một cách ngoạn mục. Sự kiện này đã được cả thế giới hoan nghênh, đặc biệt là tại Châu Mỹ và Châu Âu.

Trong một thông cáo, Vatican xác nhận là vào tháng 10 vừa qua đã tiếp hai phái đoàn Mỹ và Cuba và đã đứng ra làm trung gian “để tạo thuận lợi cho cuộc đối thoại mang tính xây dựng về những vấn đề nhạy cảm” giữa hai nước.

Thủ tướng Stephen Harper của Canada, quốc gia cũng đã từng đón tiếp các lãnh đạo cao cấp của Hoa Kỳ và Cuba kể từ tháng 06/2013, hoan nghênh Washington và La Habana về cuộc đối thoại và các cuộc đàm phán giữa hai bên, cho phép dẫn đến bình thường hóa quan hệ. Canada là một trong số hiếm hoi các quốc gia Châu Mỹ đã không cắt đứt quan hệ với Cuba sau cuộc cách mạng năm 1959.

Họp Thượng đỉnh nhóm Mercosur tại Argentina, các nước Châu Mỹ Latin cũng đã hoan nghênh bước “tiến đến hòa bình” tại châu lục này.

Liên Hiệp Châu Âu cũng đang cố nối lại quan hệ bị đình chỉ từ năm 2003 với Cuba, thì hoan nghênh “bước ngoặt lịch sử”, biểu hiện cho “thắng lợi của đối thoại thay vì đối đầu”. Nhưng Châu Âu nhấn mạnh, nhân quyền sẽ vẫn là trọng tâm trong chính sách của khối này đối với Cuba.

Trong khi đó, qua lời Ngoại trưởng Laurent Fabius, Pháp tỏ ý hy vọng là sự xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Cuba sẽ nhanh chóng dẫn đến việc bãi bỏ lệnh cấm vận của Mỹ đối với La Habana.

Còn tại Cuba, theo hãng tin AFP, trên đường phố La Habana, dân chúng rất phấn khởi khi nghe tin Hoa Kỳ và Cuba sắp tái lập bang giao, ai cũng hy vọng là cuộc sống của họ sẽ thay đổi. Nhưng các nhà bất đồng chính kiến Cuba thì không tỏ ra hào hứng bằng. Đối với ông Hugo Cancio, một cựu tù chính trị, Chủ tịch tổ chức mang tên Liên hiệp yêu nước Cuba (UPACU), lẽ ra Hoa Kỳ nên chờ Cuba có những tiến bộ về nhân quyền.

Tại Miami, những người Cuba lưu vong chống chế độ Castro thì xem việc Washington và La Habana xích lại gần nhau là “một sư phản bội”. – VOA, RFI

2.
Đức Đạt Lai Lạc Ma nói phe cứng rắn ngăn trở chủ tịch TQ về nền tự trị Tây Tạng

Đức Đạt lai Lạt ma nói có “một số dấu hiệu” cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẵn sàng thảo luận những lời kêu gọi của Đức Đạt lai Lạt ma đòi tự trị thực sự, nhưng ông nói các phần tử chủ trương cứng rắn đang ngăn chặn mọi cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng diễn ra. Các nhận định của ông đã khơi ra lời khiển trách gay gắt của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói Đức Đạt lai Lạt ma phải ngưng phá hoại tình đoàn kết của Trung Quốc. Đức Đạt lai Lạt ma cần phải có các biện pháp cụ thể và tạo các điều kiện cho bất kỳ cuộc tiếp xúc nào giữa ông và chính phủ Trung Quốc. Ông Tần nói về vấn đề Tây Tạng, trong nội bộ đảng hay chính phủ, không có điều gì gọi là diều hâu hay bồ câu cả. Ông Tần kết luận rằng bảo vệ đoàn kết quốc gia và sự thống nhất của Trung Quốc là một nguyện vọng chung của tất cả người dân Trung Quốc.

Đức Đạt lai Lạt ma đã phủ nhận các cáo buộc của Trung Quốc về chủ trương ly khai và nói ngài chỉ muốn tự trị cho tổ quốc Tây Tạng mà ngài đã bỏ trốn vào năm 1959 khi quân đội Cộng sản Trung Quốc trấn áp một vụ nổi dậy của người Tây Tạng.

Người đứng đầu tổ chức Đối thoại Trung Quốc Isabel Hilton nói các nhận định của Đức Đạt lai Lạt ma có thể không phản ảnh việc Trung Quốc muốn cho Tây Tạng được tự trị, nhưng có nghĩa là họ mong muốn mở thêm các cuộc đàm phán.

Bà Hilton nói: “Ngài chuyển đi một tín hiệu rằng người Tây Tạng vẫn sẵn sàng đàm phán với phía Trung Quốc, các cuộc đàm phán chưa đi được bao xa và chưa thực sự xảy ra một cách có thực chất từ nhiều năm nay rồi.”

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và đại diện của Đức Đạt lai Lạt ma đã mở các cuộc đàm phán cho đến năm 2010, khi các cuộc đàm phán này bị khựng lại vì những cuộc biểu tình ở Tây Tạng và một vụ trấn áp tiếp theo đó của chính phủ Trung Quốc. Mẹ của ông Tập Cận Bình theo Phật giáo, và Đức Đạt lai Lạt ma nói ngài lấy làm phấn khởi khi nghe chủ tịch Trung Quốc nói về Phật giáo mới đây. Bà Hilton nói gốc gác gia đình của Chủ tịch Tập Cận Bình, kể cả thân phụ ông rất thân thiện với Đức Đạt lai Lạt ma, đã nâng cao hy vọng bang giao được cải thiện.

Bà Hilton nói tiếp: “Tôi nghĩ ông đang tỏ dấu hiệu rằng tình hình tiếp tục xấu và với một nhà lãnh đạo mới ở đó thì có thể có hy vọng bắt đầu lại, về mặt hy vọng nhiều hơn là trông đợi.”

Các cuộc biểu tình tại Tây Tạng chống lại sự cai trị của Trung Quốc vẫn tiếp tục. Tuần này, một người Tây Tạng đã nổi lửa tự thiêu và chết ở tỉnh Cam Túc, và trở thành người thứ 134 đã tự thiêu như một hình thức phản đối chính phủ Trung Quốc. – VOA

3.
Sony chịu thua Bình Nhưỡng, thu hồi bộ phim hài — Các ngôi sao Hollywood phản ứng thất vọng — Mỹ tố cáo Bình Nhưỡng hậu thuẩn tin tặc

Hãng Sony Pictures, rốt cuộc, đã chấp nhận không cho ra mắt bộ phim hài “Cuộc phỏng vấn chết người/The Interview”, đề cập đến một âm mưu ám sát lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Quyết định được loan báo hôm qua 17/12/2014 trong bối cảnh tập đoàn Sony vừa bị một nhóm tin tặc – tình nghi là do Bình Nhưỡng điều khiển – tấn công, đánh cắp nhiều tài liệu mà nhóm này đe dọa là sẽ công bố.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, một phát ngôn viên của Sony Pictures đã tuyên bố ngắn gọn rằng: “Sony không còn bất kỳ kế hoạch nào về việc cho trình chiếu cuốn phim”. Thông báo chính thức vài giờ trước đó của Sony còn vắn tắt hơn nữa, chỉ cho biết là việc ra mắt cuốn phim tại Mỹ bị hủy bỏ.

Đối với giới quan sát, việc trình chiếu bộ phim trên thị trường quốc tế cũng như khả năng cho thuê phim trực tuyến hay in thành DVD cũng sẽ bị hủy bỏ.

Trên nguyên tắc, cuốn phim hài chế nhạo một âm mưu ám sát do cơ quan CIA dàn dựng nhắm vào lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, dự kiến sẽ ra mắt công chúng Mỹ nhân dịp Lễ Giáng sinh này, và sẽ được chiếu tại Pháp kể từ ngày 11/02/2015.

Quyết định của Sony Pictures Entertainment (SPE) được đưa ra vài giờ sau khi các tập đoàn quản lý rạp chiếu phim lớn tại Mỹ như Regal, AMC hay Carmike, sẽ không phát hành cuốn phim gây tranh cãi này.

Hôm thứ Ba, 16/12 vừa qua, Sony đã lại nhận được một lời đe dọa mới từ nhóm tin tặc tự xưng là “Những người bảo vệ hòa bình/Guardians of Peace”. Đây là nhóm đã tấn công vào máy chủ của tập đoàn Sony cuối tháng 11 vừa qua, đánh cắp được một khối lượng dữ liệu khổng lồ, và đã bắt đầu vừa bắt bí Sony, vừa cho công bố trên mạng các tài liệu ăn cắp.

Bắc Triều Tiên đã rất phẫn nộ trước cuốn phim đề cập đến lãnh đạo của họ là Kim Jong Un. Trước những lời cáo buộc, Bình Nhưỡng đã kiên quyết phủ nhận là mình chủ mưu vụ tấn công tin học vào Sony, nhưng lại khen ngợi tác giả vụ tấn công.

Đối với James Lewis, một chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu Mỹ CSIS ở Washington, đồng thời là một cựu viên chức Ngoại giao Mỹ, thì không còn chút nghi ngờ nào: “Kẻ tình nghi khả dĩ nhất chính là Bắc Triều Tiên”.

Các ngôi sao Hollywood đã phản ứng thất vọng sau khi Sony Pictures hủy kế hoạch ra mắt bộ phim.

Ben Stiller gọi quyết định này là “một sự đe dọa cho tự do biểu đạt”, trong khi Rob Lowe nói đây là “thắng lợi” của giới tin tặc.

Trước đó, buổi công chiếu ‘The Interview’ lần đầu tiên tại New York cũng đã bị hủy.
Sony nói hãng này thông cảm với quyết định của các đối tác.

“Do phần lớn các rạp không muốn chiếu bộ phim “The Interview”, chúng tôi đã quyết định không mang bộ phim đến công chúng vào ngày 25/12 như đã định”, thông cáo nói.

“Chúng tôi tôn trọng và thông cảm cho quyết định của các đối tác, chúng tôi cũng chia sẻ mối quan tâm của họ đối với sự an toàn của các nhân viên và khán giả”.

Thông cáo nói thêm: “Chúng tôi ủng hộ các nhà làm phim của mình cũng như quyền tự do biểu đạt của họ và vô cùng thất vọng trước kết cục này”.

Trong một cảnh báo gần đây, nhóm tin tặc đã nhắc đến sự kiện 11/9 và nói “thế giới sẽ chìm trong nỗi sợ hãi”.

“Hãy nhớ đến ngày 11/9/2001. Chúng tôi khuyên quý vị nên tránh xa khỏi những nơi [trình chiếu bộ phim]”, thông điệp được gửi đi hôm 16/12 của nhóm này viết.

“Tất cả những gì xảy ra trong những ngày tới là do lòng tham của Sony Pictures Entertainment”.

Trước đó, Sony đã cho phép các rạp phim ở Hoa Kỳ và Canada chọn không chiếu ‘The Interview’ trước những lời đe dọa.

Regal Cinemas, AMC Entertainment và Cinemark Theatres – ba chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất tại Hoa Kỳ – đều thông báo sẽ hoãn công chiếu, trong khi các hãng chiếu phim lớn nhất tại Canada cũng thông báo quyết định tương tự.

Điều này khiến Sony không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tạm đình chỉ bộ phim.

Danh hài Jimmy Kimmel viết trên Twitter rằng quyết định không công chiếu bộ phim của các rạp lớn là một “hành động hèn nhát, phản lại giá trị của Hoa Kỳ, thừa nhận hành động khủng bố và tạo một tiền lệ đáng sợ”.

‘The Interview’ đã tốn của Sony 42 triệu đôla để thực hiện. Đây không phải là một khoản lớn so với các phim hành động như Đấu trường Sinh tử hay X-men, nhưng vẫn là khá nhiều đối với một bộ phim hài.

Tuy nhiên cho đến nay, các nhà đầu tư vẫn có vẻ không quá lo ngại. Giá cổ phiếu của Sony chỉ giảm hơn 5% kể từ khi vụ tấn công mạng xảy ra.

Những thông tin bị rò rỉ sau đợt tấn công mạng lần này và tác động của chúng đối với uy tín của Sony có thể khiến hãng này một lần nữa đối mặt với lời kêu gọi tái cấu trúc.

Tin cho hay Hoa Kỳ đã xác định Bắc Triều Tiên đứng sau vụ tấn công tin tặc vào hãng Sony Pictures.

Các giới chức Mỹ không nêu danh tính cho hay các nhà điều tra đã liên kết Bắc Triều Tiên với các vụ tấn công tin tặc vừa kể. Vụ tấn công quy mô lớn này làm rò rỉ hàng chục ngàn tài liệu và leo thang thành những lời đe dọa tấn công khủng bố.

Chưa rõ kết luận của các nhà điều tra dựa vào cơ sở nào và cũng chưa biết Tòa Bạch Ốc sẽ ứng phó ra sao.

Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cho biết “không có nguồn tin tình báo đáng tin cậy nào cho thấy một có một âm mưu thực sự sẽ tấn công các rạp hát.” Tổng thống Barack Obama cũng hạ giảm tầm quan trọng của lời đe dọa, nói rằng theo đề nghị của ông thì dân chúng cứ đi xem phim bình thường. – RFI, BBC, VOA

4.
Putin quả quyết đồng rúp sẽ ổn định

Tổng thống Nga Vladimir Putin cả quyết rằng đồng rúp đang chịu nhiều sức ép của Nga sẽ ổn định nhưng cũng cảnh báo khủng hoảng kinh tế có thể kéo dài hai năm.

Ông Putin nói như vậy tại họp báo trực tiếp thường niên mỗi dịp cuối năm.

Ông Putin nói “các yếu tố từ bên ngoài” đã gây ra sự sụt giảm của đồng rúp nhưng thừa nhận rằng ngân hàng trung ương đã có thể ra tay sớm hơn.

Vị tổng thống cũng chấp nhận sự thật Nga đã không đa dạng hóa nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng bởi giá dầu giảm và cấm vận liên quan tới khủng hoảng Ukraine.

Ông Putin nhấn mạnh rằng dự trữ ngoại hối của Nga đủ để giữ nền kinh tế ổn định và nói thêm ngân hàng trung ương không được “đốt” 419 tỷ đô la dự trữ.

Cấm vận

Phóng viên BBC Steven Rosenberg ở Moscow nói người Nga sẽ theo dõi kỹ những gì vị tổng thống nói về kinh tế.

Giá trị của đồng rúp đã cải thiện so với các ngoại tệ mạnh trong sáng thứ Năm sau một số ngày giảm giá liên tục.

Đồng rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục hôm thứ Ba và ngân hàng trung ương Nga đã phải đảm bảo với các ngân hàng và hãng tài chính rằng họ sẽ cung cấp thêm ngân khoản nếu cần.

Ngân hàng trung ương Nga cũng phải tăng lãi suất lên 17% nhằm giữ giá cho đồng rúp.

Hồi đầu tuần cũng có tin nhiều người Nga kéo tới các cửa hàng để tiêu tiền trước khi giá cả hàng hóa tăng.

Nga đã gặp khó khăn do cấm vận mà phương Tây đưa ra sau khi Putin sáp nhập Crimea vào Nga.

Trong ngày thứ Năm, 18/12 các nhà lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ thông qua những cấm vận mới với Nga trong đó có thể cấm đầu tư vào Crimea cũng như cấm khai thác dầu khí ở Biển Đen.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama theo lịch trình cũng sẽ thông qua những cấm vận mới với Nga. – BBC

Tin Việt Nam

5.
Biển Đông: Tòa án Trọng tài chấp nhận xem xét đề nghị của Việt Nam

Hai ngày sau khi hết thời hạn dành cho Trung Quốc để trả lời Philippines trong đơn kiện đường lưỡi bò tại Biển Đông, vào hôm qua, 17/12/2014, Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) đã chính thức yêu cầu Manila cung cấp thêm luận chứng bằng văn bản. Tòa án đồng thời cho biết đang xem xét đề nghị của Hà Nội yêu cầu bảo vệ các quyền lợi của Việt Nam trong vụ việc.

Trong một bản thông cáo báo chí về “Thủ tục trọng tài giữa Cộng hòa Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, Tòa án Trọng tài Thường trực, trụ sở tại La Haye (Hà Lan), đã kỳ hạn cho Philippines là từ nay cho đến ngày 15/03/2015 phải cung cấp thêm luận chứng bằng văn bản liên quan đến một số vấn đề cụ thể.

Dù bị Trung Quốc nhiều lần phủ nhận vai trò trong việc phán xử về tranh chấp ở Biển Đông, Tòa án Trọng tài Thường trực vẫn tiếp tục yêu cầu Bắc Kinh phải trả lời các luận điểm mới của Manila trước ngày 16/06/2015.

Liên quan đến Việt Nam, Tòa án Trọng tài Thường trực xác nhận là đã nhận được bản tuyên bố lập trường của Việt Nam đối với vụ kiện do Philippines khởi xướng nhắm vào Trung Quốc, cùng với yêu cầu quan tâm đến quyền lợi của Việt Nam. Văn kiện này đã được Tòa án chính thức nhận được ngày 05/12 vừa qua.

Trong bản thông cáo báo chí, Tòa án Trọng tài Thường trực cho biết: “Tòa án trọng tài hiện nay đang tham khảo ý kiến các bên tham gia vụ kiện về một bản ‘Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam lưu ý Tòa án trong Thủ tục trọng tài giữa Cộng hòa Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa’ được phòng Đăng bạ nhận được ngày 05/12/2014.”

Lời lẽ trên đây có nghĩa là Tòa án Trọng tài Thường trực đã chính thức yêu cầu Philippines và Trung Quốc trả lời các yêu cầu của Việt Nam liên quan đến vụ kiện.

Bản tuyên bố lập trường của Việt Nam về vụ kiện Trọng tài Biển Đông đã được Việt Nam gởi đến Tòa án Thường Trực La Haye ngày mồng 5/12, nhưng chỉ được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam loan báo công khai hôm 11/12.

Theo giới phân tích bản tuyên bố của Việt Nam gởi đến Tòa án Trọng tài Thường trực về vụ kiện của Philippines nhắm vào Trung Quốc đã phản ảnh rõ rệt lập trường của Việt Nam: Đó là công nhận thẩm quyền của Tòa án Trọng tài trong việc xem xét vấn đề Biển Đông, đối lập hẳn với quan điểm của Trung Quốc, từ trước đến nay vẫn luôn luôn phủ nhận thẩm quyền của Tòa.

Bản tuyên bố của Việt Nam gởi đến Tòa án La Haye cũng thể hiện lập trường ủng hộ Philippines một cách rõ rệt và công khai nhất từ ngày Manila khởi xướng vụ kiện.

Mặt khác, Việt Nam cũng phản bác lập luận về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, được Bắc Kinh nhắc lại trong bản Tuyên bố Lập trường về vụ kiện ngày 07/12. Việt Nam nhấn mạnh trở lại rằng các yêu sách phản ảnh qua bản đồ “đường đứt đoạn” hoàn toàn phi pháp. – RFI

6.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời ở Hải Phòng

Tác giả ‘Chuyện kể năm 2000’, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người được ví như Solzhenitsyn của Việt Nam, vừa qua đời vì ung thư phổi ở tuổi 81.

Thân hữu xác nhận ông đã qua đời sáng thứ Năm 18/12 tại nhà con trai mình ở TP Hải Phòng sau một thời gian bệnh nặng.

Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1954.

Ông từng làm báo trong vai trò phóng viên báo Tiền Phong và biên tập viên báo Hải Phòng Kiến Thiết.

Tuy nhiên ông được biết nhiều trong vai trò một nhà văn.

Năm 2012, ông được trao giải thưởng Henri Queffélec tại liên hoan ‘Sách và Biển’ ở Pháp cho tác phẩm “Biển và chim bói cá”.

Tác phẩm này, do nhà xuất bản Hội nhà văn ở trong nước và công ty Nhã Nam ấn hành lần đầu năm 2009, tái bản năm 2010, viết dựa trên những gì ông trải nghiệm trong khi làm việc tại một xí nghiệp thủy sản.

Ông còn nhiều tác phẩm được biết đến như tập truyện Những người rách việc, Rừng xưa xanh lá, Mùa cưới, Đêm tháng 10, Nhằm thẳng quân thù mà bắn, Nguyên Hồng thời đã mất, Một thời để mất, Một ngày dài đằng đẵng…

Solzhenitsyn của Việt Nam

Tuy nhiên tác phẩm gây chấn động nhất của Bùi Ngọc Tấn là ‘Chuyện kể năm 2000’ viết về hệ thống lao tù XHCN ở trong nước. Các báo ở Việt Nam khi đưa tin về cái chết của ông đều không đề cập tới tác phẩm này.

Nhà văn bị tù từ 11/1968 đến 3/1973 với tội danh “Tuyên truyền phản cách mạng” trong vụ án “Xét lại chống Ðảng, làm tay sai cho nước ngoài”. Cùng tội danh này có các thân hữu của ông như nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà điện ảnh Huy Vân, nhà báo Vũ Huy Cương, nhà báo Kỳ Vân…

Sau khi ra tù, ông phải làm nhiều công việc để nuôi sống bản thân và gia đình.

‘Chuyện kể năm 2000’ được Bùi Ngọc Tấn khởi viết từ cuối năm 1990 và tiếp tục hoàn chỉnh gần 10 năm cho tới khi có cơ hội ấn hành vào đầu năm 2000 nhưng vừa in xong đã bị thu gom để hủy.

Cuốn sách một thời gian bị cấm đoán ở trong nước dù chỉ ghi lại thực tế chốn lao tù qua con mắt của một tù nhân. – BBC

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *