Tác giả: Ca Dao (Paris)
Anh luôn luôn có ở đấy, nhưng không ai thấy anh, anh là người cầm cho chị chiếc áo khoác, anh là người tìm cho chị chiếc khăn quàng bỏ quên, chuẩn bị cái powerpoint mà chị sắp sửa dùng, xem lại cái micro… Chị thì nhanh nhẩu, thoát biến, thoắt hiện như con chim sẻ, anh thì nhẹ nhàng, chậm chạp với nụ cười từ tốn luôn nở trên môi, cặp mắt lúc nào cũng nheo nheo xem con chim sẻ đang đậu nơi nào trong cái biển người mà chị luôn luôn bị bao vây kia.
Họ có 1 đứa con trai bé bỏng, nói tiếng Việt như chim hoàng oanh hót, một ngôi nhà khang trang rộng rãi chứa đựng một biển hạnh phúc. Vậy mà có lúc họ đã phải hy sinh cái biển hạnh phúc riêng tư đó để hòa vào hạnh phúc chung của mọi người : đó là nổi đam mê mang nhân quyền thực sự đến cho Việt Nam.
« Em và Công sẽ qua Paris » nghe Trần Kiều Ngọc nói thế, tôi cứ tưởng Công là một bạn cùng trong Phong Trào với Ngọc. Đến đón ở phi trường, Ngọc mới giới thiệu « Đây là ông xã em » với nụ cười rất hiền, Công dễ cho mọi người niềm tin ngay khi mới gặp lần đầu tiên. Niềm tin, nhưng không dễ gần vì Công rất ít nói. Chỉ nói những gì cần thiết và đúng chổ. Vào hội trường, Công luôn luôn chọn một góc khuất, lặng lẽ đâu đó nhưng khi cần là Công có mặt để giải quyết những trục trặc kỷ thuật cho ban tổ chức, hay nói đúng hơn, cho con chim sẻ của chàng.
Nhớ buổi tối cuối cùng ở Pháp, Kiều Ngọc muốn ăn kem, Công đã nhẫn nại đi theo chúng tôi khắp các nẻo đường Paris đến 3 giờ sáng để tìm kem. Paris tệ quá, cuối cùng phải chiều vợ bằng cái bánh ngọt trong một quán cafe mở muộn.
Trong cuộc biểu tình UPR vừa qua ở Geneva, bất ngờ gặp lại Công, cũng ở tận một góc khuất trong quãng trường rộng mênh mông. hai chị em ôm nhau, hình như Công gầy đi nhiều, cảm giác rưng rưng như ôm đứa em lâu ngày gặp lại.
Những chặng đường Kiều Ngọc đi cũng là những đoạn đường anh phải đi, âm thầm, nhẫn nại, là cái bóng vững chắc theo vợ trên mọi nẻo đường.
Ngày xưa, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy có nói :
Một người chồng hay vợ hoạt động mà bị người kia chống đối thì chắc chắn sẽ thất bại
Một người chồng (hay vợ) hoạt động mà không có người phối ngẫu ủng hộ thì chỉ thành công 25%
Một người chồng (hay vợ) hoạt động có người phối ngẫu ủng hộ thì sẽ thành công 75%
Một số bạn bè của Trần Kiều Ngọc than phiền tại sao nhiều người đánh phá cô. Nhìn ở một khía cạnh nào đó, có thể xem như đó là chỉ dấu của thành công chăng ? Bởi vì xét ra, những người đánh phá cô họ chẳng phải là dư luận viên, cũng chẳng phải là an ninh cài cắm, những người đánh phá cô thậm chí họ không biết nhiều về cô, họ chỉ nghe tiếng cô, họ chỉ phán xét cô ở khoảng cách. Có người nói cô là Việt Tân, nên ghét, đến khi biết cô không phải là Việt Tân thì họ lại vạch ra chuyện khác để…tiếp tục ghét !, có người thậm chí cường điệu một vài sự kiện. Điều đó, chỉ có thể giải thích là sự ganh tị, ghen ghét trước những gì cô đạt được trong một thời gian quá ngắn.
Người ủng hộ Trần Kiều Ngọc nhiều, kẻ đánh phá cũng không ít. Nhưng cho tới bây giờ, Kiều Ngọc vẫn đứng vững, ngoài những bạn bè đồng chí hướng đã tin tưởng vào cái tâm trong sáng của cô, còn có một cái bóng âm thầm đi bên cạnh cuộc đời cô, một bờ vai để tựa lúc cô mệt mỏi, một bóng mát để cô tạm nghĩ chân trên đường đấu tranh.
Một người luôn luôn có mặt, nhưng không ai thấy : Đặng Công