Ông Lưu Văn Vịnh và 4 người khác bị y án sơ thẩm tổng cộng 57 năm tù giam
Sáng nay ngày 18/03/2019, tại Sài Gòn tòa án cấp cao phía Nam đã mở phiên tòa xử phúc thẩm 5 người đã bị kết án tù trước đó với tội danh « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền »,
Theo bản án sơ thẩm hồi tháng 10/2018, những người này bị buộc tội thành lập tổ chức Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết, nhằm mục đích hoạt động lật đổ chính quyền, phạm vào điều 79 Bộ luật Hình sự VN năm 1999.
Theo đó, ông Lưu Văn Vịnh được coi là người khởi xướng bị kết án 15 năm tù giam. Các đồng phạm Nguyễn Quốc Hoàn bị 13 năm tù, Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm, Từ Công Nghĩa 10 năm, và nhà sư Phan Trung 8 năm tù.
Theo chị Lê Thị Thập vợ ông Lưu Văn Vịnh, tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay chồng chị và 4 người khác đều phủ nhận cáo buộc và khẳng định mình vô tội.
Tuy vậy sau vài giờ xét xử xử chớp nhoáng, tại phiên tòa phúc thẩm hội đồng xét xử vẫn tuyên ý án như quyết định của phiên xử xử sơ thẩm với mức án 57 năm tù giam vói ông Lưu Văn Vịnh và 4 người khác.
Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết trong một tuyên bố ra đời trên mạng xã hội vào tháng 6/2018, tự giới thiệu là một tổ chức chính trị thúc đẩy nền dân chủ đa đảng và giành lại quyền tự quyết cho người dân tại Việt Nam.
Hôm15/03/2019, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch đã báo động về nguy cơ sáu « nhà hoạt động » vì dân chủ và nhân quyền này bị án tù nặng chỉ vì « các hoạt động chính trị ôn hòa ».
Các vụ bắt giam và kết án cho các trường hợp này thường gây ra sự chú ý cho các cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Hồi tháng 8/2018, Nhóm Công tác của Liên Hợp Quốc về Giam giữ Tùy tiện đã thông qua ý kiến kết luận, việc bắt giam ông Lưu Văn Vịnh – người khởi xướng Liên minh là một trường hợp tước đoạt tự do tùy tiện, và kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Vịnh.
Sau khi trao đổi thông tin với phía chính phủ Việt Nam, Nhóm Công tác của LHQ đã chỉ ra rằng, chính phủ đã không cung cấp được bất kỳ bằng chứng nào về việc ông Vịnh có các hành động bạo lực. Trong trường hợp không có hành động bạo lực, cáo buộc theo điều 79 được coi là không phù hợp với Tuyên ngôn và Công ước nhân quyền.
Nhóm Công tác LHQ nhắc kết luận tương tự trong báo cáo của mình sau chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10/1994, lưu ý rằng các quy định về tội “xâm phạm an ninh quốc gia” của Việt Nam là rất mơ hồ và thiếu chính xác, vì không phân biệt giữa hành vi bạo lực có khả năng đe dọa đến an ninh quốc gia và hành vi thực hiện các quyền tự do cơ bản được ghi nhận theo luật nhân quyền quốc tế.
“Quy định an ninh quốc gia của Việt Nam rộng đến nỗi nó có thể dẫn đến hình phạt được áp dụng đối với các cá nhân chỉ đơn thuần đang thực hiện các quyền của họ một cách ôn hòa”, Nhóm Công tác LHQ về Giam giữ Tùy tiện nêu ý kiến.
Qua đó, Nhóm Công tác LHQ nhận định, “bằng cách thành lập một liên minh nhằm thúc đẩy dân chủ, ông Vịnh chỉ đang thực thi quyền tự do biểu đạt và lập hội ôn hòa theo điều 19 và 22 của Công ước ICCPR và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”.
Nhóm Công tác LHQ cũng lưu ý với phía chính phủ Việt Nam rằng, quyền tự do biểu đạt, bao gồm cả những ý kiến phê phán hoặc không phù hợp với chính sách của chính phủ, đều được bảo vệ theo luật nhân quyền quốc tế.
Source: http://www.tiengdanvietmedia.com/2019/03/ong-luu-van-vinh-va-4-nguoi-khac-bi-y.html
https://www.youtube.com/watch?v=IaaQjjgcD-U