NHÂN LỄ TƯỞNG NIỆM LẦN THỨ 30
Cố Giáo Sư NGUYỄN NGỌC HUY
*Vũ Hữu Trường*
Nhân dịp Lễ Tưởng Niệm lần thứ 30 Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy (1990-2020), tôi xin tóm lược một số tài liệu sưu tầm được về con người và sự nghiệp của cố Giáo Sư để quý chúng ta cùng có nhận định chung về một người cả cuộc đời chỉ lo mưu cầu sự an lành cho dân tộc và đất nước. Vì là một thành viên của tổ chức Tân Đại Việt và Liên Minh Dân Chủ Việt Nam gần 50 mươi năm nay mà Cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là người sáng lập nên cá nhân tôi không dám khoác áo thụng vái nhau mà chỉ có mục đích góp phần chia sẻ cùng quý anh chị em đôi điều tâm tình sâu xa của người Việt quốc gia hằng ghi nhớ về cuộc đời và công lao của một chiến sĩ không bao giờ mỏi mệt, tận trung với quốc gia dân tộc và đã lìa trần trong thời gian qua Pháp tham dự Đại Hội tại Paris năm 1990.
Con Người và Sự Nghiệp
Nguyễn Ngọc Huy sinh ngày 2-11-1924 tại Chợ Lớn, nguyên quán Mỹ Lộc, Tân Uyên, Biên Hòa, sau khi tốt nghiệp trung học Petrus Ký năm 1943, làm thư ký Tòa Hành Chính tỉnh Cần Thơ. Từ 1946, ông làm việc tại Thư Viện Quốc Gia Sàigòn, rồi từ 1951, dạy học tại Tư thục Lê Bá Cang Sàigòn. Ông thường được nhắc đến như một người hoạt động giáo dục, văn hóa và chính trị với lý tưởng thành đạt độc lập, dân chủ, tự do cho Đất Nước, thể hiện hạnh phúc đích thực cho nhân dân Việt Nam.
Trong lãnh vực giáo dục, Nguyễn Ngọc Huy tiêu biểu con người cầu tiến, tận dụng mọi cơ hội để phát triển kiến thức và học vấn, rồi khi có cơ hội, sẵn sàng đem hết khả năng nâng cao trình độ giáo dục cho những người khác. Từ 1951, ông đã tự học lấy bằng tú tài. Về sau, từ 1955 khi được đoàn thể cử đi công tác tại Pháp, ông đã cố gắng kiếm thì giờ ghi danh theo học về chính trị, luật pháp, kinh tế tại các trường nổi tiếng ở Paris như Trường Khoa Học Chính Trị, tức Viện Nghiên Cứu Chính Trị Paris, Trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế Paris. Ông tốt nghiệp Viện Nghiên Cứu Chính Trị Paris năm 1958; Cử nhân Luật năm 1959, Cao học Chính trị năm 1960 và Tiến sĩ Chính trị đại học Sorbonne 1963. Từ 1965, ông làm giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, chuyên về Chính trị học và Luật Hiến pháp, đồng thời là giáo sư tại các Viện Đại học Huế, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Minh Đức và Đại Học Sư Phạm Sàigòn. Nhiều Niên Trưởng trong Quân Lực VNCH thường nhắc đến ông trong cương vị giảng viên tại các Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Năm 1967, ông được cử làm Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội Viện Đại Học Cần Thơ. Sau 1975, ông sang Hoa Kỳ và được trao nhiệm vụ khảo cứu tại Trường Đại Học Luật Khoa Harvard, dịch Bộ luật Hồng Đức sang tiếng Anh mà đã được Ohio University Press ấn hành năm 1987 với tên The Lê Code, tức Quốc Triều Hình Luật trong ấn bản tiếng Việt.
Cố GS Nguyễn Ngọc Huy cũng được nhớ đến trong cương vị con người dấn thân hoạt động văn hóa. Từ 1943, ông đã nêu cao tinh thần yêu nước qua nhiều bài thơ phổ biến trên báo chí dưới nhiều bút hiệu khác nhau, như Hùng Nguyên, Cuồng Nhân, Việt Tâm, Ba Xạo và đáng nhớ nhất là Đằng Phương trong tập thơ Hồn Việt. Trong nhiều tác phẩm thi phú của ông, dư luận thường nhắc đến một số bài thơ bất hủ đã được Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH đưa vào Việt Nam Giáo Khoa Thư như “Anh Hùng Vô danh, Chiến Sĩ Triều Trần, Hoa Lư, Anh Hùng Đất Việt, Ngày Tang Yên Bái”.
Phần chính trong cuộc đời mà mọi người nhìn thấy: cố GS. Nguyễn Ngọc Huy là một nhà hoạt động chính trị. Năm 1945, với chí hướng đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc Việt Nam, ông tham gia Đại Việt Quốc Dân Đảng. Ông được giao nhiệm vụ soạn thảo tài liệu chính trị cho đoàn thể, đồng thời phổ biến đường lối, chính sách của đoàn thể trên các báo ngoại vi của xứ bộ, như các tờ Thanh Niên và Đuốc Việt. Năm 1949, ông được đoàn thể giao trách nhiệm huấn luyện viên chính trị tại Trường Cán Bộ Thanh Niên Nha Trang và năm 1951, được cử ra Bắc hoạt động với chi nhánh Bảo Quốc Đoàn. Năm 1964, khi lưu vong tại Hồng Kông và Nhật Bản, ông thành lập đảng Tân Đại Việt. Năm 1969, Tân Đại Việt và VNQDĐ, cùng một số nhân sĩ hợp tác thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Ông được đề cử chức vụ Tổng thư ký, thể hiện lập trường và đường hướng của Phong Trào ủng hộ chính phủ quốc gia để đối phó với cộng sản nhưng không tham gia chính phủ và trong tư thế đối lập, hoạt động đòi hỏi chính quyền phải thực thi nghiêm chỉnh các qui tắc dân chủ, chấm dứt các tệ nạn tham nhũng và bè phái. Năm 1968 và 1973, ông được mời tham gia phái đoàn VNCH tại Hòa Đàm Paris.
Sau khi miền Nam VN bị CS cưỡng chiếm, Ông và một số chiến hữu phải lưu vong nơi hải ngoại nhưng vẫn tiếp tục công cuộc đấu tranh chống Cộng để mưu cầu hạnh phúc cho người dân quốc nội. Từ 1981, cùng với một số cán bộ trong Phong Trào QGCT và nhiều nhân sĩ Việt Nam, ông thành lập tổ chức Liên Minh Dân Chủ Việt Nam và được bầu làm Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương. Ông nhiệt tâm xây dựng các cơ sở liên lạc và đấu tranh tại quốc nội, song hành cùng nhiều vận động ngoại giao với các thân hữu tại nhiều quốc gia dân chủ Tây Phương trên khắp thế giới tạo hậu thuẫn cho công cuộc đấu tranh giải phóng Việt Nam thoát khỏi chế độ cộng sản tiến đến dân chủ tự do. Từ đó, năm 1986 Ủy Ban Quốc tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do ra đời tại Bỉ và bành trường khắp Bắc Mỹ, cũng như tại Úc và Âu Châu. Dù lâm bệnh ngặt nghèo từ 1982, ông vẫn không ngừng công du khắp nơi, tranh đấu chống độc tài đảng trị. Trên đường công tác hải ngoại, ông đã kiệt sức và qua đời tại Paris, Pháp, lúc 9:30 giờ tối Thứ Bảy 28-7-1990.
Tấm Gương Sáng
Tưởng niệm cố GS Nguyễn Ngọc Huy, ai ai cũng nhớ đến hình ảnh của một con người hiếu học, có tinh thần cầu tiến, để lại cho nhiều môn sinh ấn tượng sâu xa và quan trọng của sự giáo dục trong cuộc sống và hoạt động của con người trong thế giới văn minh tiến bộ. Gặp hoàn cảnh phải xuất thân ra đời kiếm việc làm ăn từ thuở 19, ông đã không bỏ qua cơ hội mở rộng kiến thức nhờ đọc sách, báo, tham khảo các tài liệu trong quá trình làm việc tại Thư Viện Quốc Gia Sàigòn, và đã tự học lấy bằng tú tài hầu tiến lên hơn nữa trên các bậc thang giáo dục. Hơn nữa, đối với người Á Châu nói chung, và người Việt Nam nói riêng, giáo dục phải đi đôi với văn hóa, mà việc dấn thân viết báo, làm thơ, là phương thức cố Giáo sư Huy đã chọn để diễn tả tâm tư, tình cảm và nguyện vọng con người Việt Nam của ông.
Nhà biên khảo Vương Trọng Tài, từ thời lớp nhất trường tiểu học công lập tại trung tâm thị xã Bùi Chu đã tiếp thu qua thầy giáo Việt văn nguồn cảm hứng thắm thiết về tinh thần quốc gia phát ra từ bài thơ “Ngày Tang Yên Bái” với ý nghĩa sâu xa của “nợ quốc gia, nợ dân tộc” mà lớp trẻ thừa kế nối gót các bậc cha anh, qua hình ảnh tiêu biểu của
“Vài cụ già đầu bạc lệ tràn rơi
Ngất người sau tiếng nói: Ối con ơi!”
Ông Tài đã đọc lại thơ Đằng Phương và diễn tả ảnh hưởng của con người ái quốc Nguyễn Ngọc Huy qua nhận xét: “Mỗi bài thơ của Đằng Phương là một bức tranh lịch sử thu gọn. Tác giả đã nhắc nhở chúng ta nhớ đến tinh thần đấu tranh gian khổ và hy sinh vô bờ bến của cha ông nhằm duy trì độc lập và thống nhất cho quê hương”.
Trên dưới 30 năm sau, ngày 27-3-1983, khi tiếp xúc với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, ông Tài ghi lại: “Tôi chợt nhận ra rằng cái “sống”, cái “đạt” của thơ ông vượt xa những đỏm dáng, gò ép hay chắt gạn một cách máy móc của chữ, của nghĩa, của âm thanh hay hình ảnh. Giá trị đích thực của thơ ông chính là những rung cảm hồn nhiên chân chất nhất, bắt nguồn từ sự hòa điệu thành khẩn nồng cháy của con tim, khối óc, chiếu phóng qua những âm sắc của ngôn từ, vuơn lên một tổng thể bao la hơn, rất cụ thể và rất gần gũi với chúng ta, đó là “Quốc Gia Dân Tộc.”
Theo ý kiến GS Lưu Trung Khảo, cố GS Nguyễn Ngọc Huy ra đi như người quốc sĩ nằm xuống, giữa lúc quê hương đất nước đang cần những con tim khối óc của những người biết “thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc”, là một thiệt thòi lớn lao cho dân tộc Việt ở trong nước cũng như ở hải ngoại.”
Hướng về Quê Hương Việt Nam
Tưởng niệm người Chiến Sĩ quá cố, người Việt khắp nơi hướng về Đất Nước thân yêu. Song hành với việc xóa bỏ chế độ độc tài đảng trị cộng sản, dân Việt không cộng sản hãy cùng nhau đoàn kết, quyết xây dựng và kiến thiết một nước Việt Nam mới với tự do, dân chủ dân chủ thực sự. Trước tiên, theo Cố GS. Nguyễn Ngọc Huy, người Việt phải nghiên cứu nền tảng của nền dân chủ pháp trị và đưa ra Hiến Pháp mới để phù hợp với quốc gia dân tộc Việt Nam. Trong tiến trình chuẩn bị, chúng ta hãy đồng thuận căn bản bảo đảm các quyền của con người. Cố Giáo sư nêu rõ: “Trong tình thế hiện tại, việc tranh đấu cho nhân quyền là một võ khí chiến lược hữu hiệu mà Thế Giới Tự Do đang dùng dể đối phó với CS quốc tế nói chung. Riêng người quốc gia VN chúng ta cũng có thể dùng để đối phó với CSVN hầu đạt mục tiêu của chúng ta là một nước VN thật sự tự do. Cuộc đấu tranh dựa vào sự kết hợp mọi thành phần, mọi xu hướng tôn giáo, chính trị, xã hội trong và ngoài nước:
“Bên ngoài, nỗ lực vận động với dư luận và chánh giới Tây phương giúp chúng ta đòi hỏi CSVN phải tôn trọng nhân quyền tại VN. Chúng ta phải dùng mọi cách làm cho các nước Tây Phương khi bang giao với CSVN, giúp đỡ CSVN về mặt tài chánh và kỹ thuật thì cũng buộc họ phải tôn trọng nhân quyền.
Bên trong Việt Nam, chúng ta phải tổ chức việc chống lại chính quyền CSVN về mọi mặt. Việc vận động đòi hỏi CSVN tôn trọng nhân quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để yểm trợ cuộc đấu tranh vì cuộc sống của đồng bào trong nước.
Anh Ba và tôi
Tôi ít khi gọi Ông với danh xưng Giáo sư vì tôi chưa một lần hân hạnh đến lớp nghe Ông giảng. Tôi không phải học trò của Ông nơi trường học mà là học trò của Ông nơi trường đời. Ông dạy chúng tôi rất nhiều về Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín và cái đạo của kẻ Sĩ đối với Quốc gia trong thời chiến. Có lúc Ông nghiêm khắc với chúng tôi như một người cha, dạy dỗ chúng tôi như một người thầy và trà đàm thân mật với chúng tôi như một người bạn. Thời gian sinh hoạt trong Tổng Đoàn Sinh Viên Cấp Tiến Sài Gòn, được anh chị em bầu vào chức vụ Chủ Tịch của Tổng Hội, chúng tôi thường gọi Ông là Anh Ba và xưng em. Ông gọi chúng tôi là mấy chú và xưng tui theo lối xưng hô của người miền Nam. Tánh tình bình dị của Ông là sự cảm mến của tất cả mọi người. Hòa đàm Ba Lê bị Cộng Sản Hà Nội cù cưa kéo dài trong nhiều năm, tôi còn nhớ có một lần Ông vừa từ Pháp về VN, cùng ngày tôi vừa công tác từ Pleiku trở về Sài gòn liền vội vã đến nhà thăm Ông và không ngoài mục đích tìm hiểu tiến triển cuộc hòa đàm đã đến đâu. Khi nghe chú Ánh, người cận vệ an ninh vào báo, dù đang dùng cơm tối khoảng gần 9 giờ, với chiếc quần Pizama và áo thung 3 lỗ ông đã ra tận cửa kéo tôi vào dùng cơm chung với gia đình. Những kỷ niệm này thật khó quên trong ký ức của tôi.
Ngày vượt biên đến được Nam Dương, trong đoàn thể, chính Ông là người viết thơ đầu tiên gởi cho tôi với bao chân tình thắm thiết.
Anh Ba kính,
Đã ba mươi năm trôi qua thật nhanh chóng như ngày nào chúng em đang ngồi chăm chú nghe Anh bình giảng về công cuộc đấu tranh nơi hải ngoại. Bài học Anh Ba dạy vẫn văng vẳng bên tai:
-Các chú phải tôi luyện như thế nào để trong công cuộc đấu tranh chống Cộng dành lại Tự do Dân Chủ thực sự cho đất nước, mỗi người phải giống như một người tài xế để có thể thay nhau giữ vững tay lái nếu người kia chẳng may ngã xuống. Và một điều tối quan trọng là không bao giờ dẫm chân lên bất cứ một đoàn thể nào khác. Con đường chiến đấu còn dài, còn nhiều gian nan, các đoàn thể đấu tranh đều có sở trường và sở đoản khác nhau giống như một đoàn xe đang chạy trên xa lộ (cùng hướng về mục tiêu chống Cộng), đừng bao giờ ỷ xe mình tốt mà lấn ép, hất xe khác vào lề để dành độc quyền yêu nước.
Tưởng nhớ cố GS. Nguyễn Ngọc Huy, chúng ta hãy hướng về Tổ Quốc Việt Nam thân yêu với hy vọng triền miên Đất Nước trường tồn, tự do, dân chủ, nhân quyền sẽ chiến thắng.
Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy đã nhắc nhở với người dân Việt:
“. . Huống chi ta những người tranh đấu,
Thề lấy non sông thế cửa nhà
Vả lại dầu xa mấy núi sông
Dầu còn tái ngộ nữa hay không
Hồn ta vẫn ở bên nhau mãi
Vẫn sống trong tim những bạn lòng. .
(Giã Bạn Lên Đường)
Tưởng niệm cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, chúng ta tin rằng tinh thần yêu nước của ông sẽ sống trong lòng người dân Việt ngày nay và mãi mãi ngày sau.
*Vũ Hữu Trường*
__._,_.___