TNS. Ngô Thanh Hải: Việc Thủ tướng Việt Nam được mời thì chính tôi cũng rất ngạc nhiên và bực mình, vì nếu mời Việt Nam thì tại sao không mời Philippines, bởi vì thông cáo của văn phòng thủ tướng cho biết là các quốc gia có biển sẽ được mời hết. Tôi có ra thông cáo báo chí chống lại việc mời Việt Nam tham dự về vấn đề môi sinh. Tôi đã gửi cho thủ tướng Canada và Bộ Ngoại giao Canada để cho họ biết đây là một hành động vô trách nhiệm của Canada. Tôi đặt câu hỏi thì chính phủ trả lời là sẽ cho tôi biết sau.
Diễm Thi: Trong danh sách 12 nước được mời thì 11 nước có biển, chỉ trừ Rwanda. Vậy theo ông, vấn đề Biển Đông có được nói đến hay không?
TNS. Ngô Thanh Hải: Theo tôi thì hy vọng vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập đến bởi vì tôi có kêu gọi chính phủ Canada phải đặt vấn đề này với các quốc gia tham dự G7 bởi nó liên quan đến hàng hải trong khu vực. Phải buộc Trung Quốc ngưng tức khắc xây lắp các hòn đảo thành căn cứ quân sự của họ.
Diễm Thi: Việc được mời tham dự Thượng đỉnh G7 lần này có chứng minh được vị thế của Việt Nam trên thế giới hay không, thưa ông?
TNS. Ngô Thanh Hải: Không. Tôi không nghĩ cuộc mời này sẽ đưa Việt Nam lên vị trí quốc tế (tiếng Anh gọi là Vietnam international status). Tôi không tin nó là như vậy bởi vì khi Việt Nam đi tham dự mà tôi ra thông cáo về môi sinh Việt Nam và tôi báo cáo với Tổng trưởng ngoại giao và Thủ tướng Canada.
Diễm Thi: Theo Thượng nghị sĩ thì Việt Nam được gì sau khi tham dự Thượng đỉnh G7 lần này ạ?
TNS. Ngô Thanh Hải: Việt Nam không được gì cả bởi tất cả các tổng thống và thủ tướng các nước tham dự buổi gặp gỡ thảo luận về biển sạch và môi trường cũng nhận được thông cáo của tôi rồi. Tất cả các tòa đại sứ đều nhận được hết. Thành ra theo tôi nghĩ thủ tướng Phúc khó lòng có câu trả lời (về vấn đề môi sinh Việt Nam).
Diễm Thi: Cuộc gặp của thủ tướng Việt Nam với thủ tướng Canada theo dự kiến đã bị hủy? Thượng nghị sĩ có thể cho biết lý do không ạ?
TNS. Ngô Thanh Hải: Chính tôi liên lạc với Bộ ngoại giao Canada và Bộ ngoại giao cho tôi biết rằng thứ nhất là ông Phúc sẽ không gặp ông Trudeau. Họ xác thực với tôi như vậy. Sẽ không có cuộc gặp gỡ song phương giữa ông Trudeau và ông Phúc. Ông Phúc có xin nhưng họ cho biết sẽ không gặp.
Cộng đồng người Việt tại Canada cũng đã gởi văn thư chính thức đến các tòa đại sứ và đến cả Thủ tướng Trudeau cho biết việc mời ông Phúc tham dự G7 là cộng đồng không chấp nhận.
Cộng đồng của chúng ta ở đây với chính quyền địa phương có tiếng nói rất mạnh nếu cộng đồng chúng ta mạnh. Tôi nghĩ rằng áp lực của cộng đồng (người Việt ở đây) và của tôi với tư cách là một Thượng nghị sĩ có thể là một trong những áp lực mà chính phủ phải xem xét lại để khỏi làm phật lòng người dân Canada gốc Việt.
Diễm Thi: Trong vai trò Thượng nghị sĩ, ông có kế hoạch vận động gì cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Canada hay không?
TNS. Ngô Thanh Hải: Tôi luôn luôn làm việc rất chặt chẽ, luôn luôn tiếp xúc với Bộ ngoại giao và chính phủ Canada để cho họ biết vấn đề vi phạm nhân quyền của cộng sản Việt Nam, và tôi cũng cho họ biết nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không phải là một nhà cầm quyền thực sự đại diện cho dân chúng Việt Nam. Thành ra chính phủ Canada cũng biết và rất dè dặt khi bang giao và thương mại với Việt Nam. Cộng đồng người Việt và tôi cũng có chương trình trình bày lên chính phủ Canada để nói lên vấn đề cá chết do Formosa.
Liên hội người Việt của chúng tôi ở đây và cả ở Montreal sẽ có chương trình gặp các tổng trưởng của Canada về Y tế, thương mại để nói về vấn đề bồi thường.
Diễm Thi: Cảm ơn Thượng nghị sĩ đã dành thời gian cho RFA.