Để chống khủng bố một cách hiệu quả hơn, một số nước phương Tây như Canada thông qua một luật nhằm tăng cường kiểm soát Internet, mặc dù gặp sự chống đối của những người lo ngại cho các quyền tự do cá nhân.
Vào lúc mà tại Pháp các dân biểu Quốc hội đang biểu quyết một luật tương tự, các dân biểu Hạ viện Canada từ sáng hôm qua, 05/05/2015, cũng bắt đầu thảo luận lần thứ ba về dự luật chống khủng bố C-51. Trên nguyên tắc họ sẽ biểu quyết dự luật này vào tối nay. Do đảng bảo thủ của đương kim Thủ tướng Stephen Harper nắm đa số rộng rãi ở Quốc hội và còn được sự ủng hộ của phe đối lập, cho nên dự luật C-51 chắc chắn sẽ không gặp trở ngại gì.
Như vậy là dự luật này sẽ được thông qua chỉ sau hai tháng tranh luận ở Quốc hội, một thời gian kỷ lục đối với một văn bản đồ sộ như vậy. Chính phủ của Thủ tướng Harper giải thích rằng Canada phải khẩn cấp ra luật nhằm đối phó với mối đe dọa khủng bố Hồi giáo ngày càng tăng.
Ngoài việc ngăn ngừa các vụ tấn công của những nhóm thánh chiến, như vụ vừa xảy ra ở Saint-Jean-sur-Richelieu, Québec, tháng 10 năm ngoái, hay vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội ở Ottawa cùng thời gian đó, chính phủ của Thủ tướng Harper còn muốn tăng cường các biện pháp để ngăn chận việc các thanh niên Canada gia nhập hàng ngũ lực lượng Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Irak.
Với luật mới, kể từ nay cơ quan tình báo Canada có thể tiến hành các biện pháp ngăn ngừa, chẳng hạn như xâm nhập tài khoản Internet của những nghi can khủng bố, đồng thời nghe lén điện thoại các công dân Canada và người thân của họ, nếu họ bị nghi là có ý định gây hại cho an ninh quốc gia.
Để bắt giữ các nghi can dễ hơn, các cơ quan liên bang của Canada có thể nhờ một thẩm phán tiến hành thẩm vấn bí mật mà không có mặt luật sư của đương sự. Chính vì vậy mà các hiệp hội luật gia và Ủy viên bảo vệ đời tư Daniel Therrien ( một quan chức cao cấp trực thuộc Quốc hội ) cho rằng luật mới vi phạm các quyền căn bản của công dân Canada. Trong một bức thư ngỏ vào tháng 3 vừa qua, ông Therrien đã chỉ trích rằng, không chỉ những người bị tình nghi khủng bố, mà toàn bộ công dân Canada sẽ bị kiểm soát trên Internet.
Nhiều cựu Thủ tướng như Jean Chrétien, hay các thẩm phán cao cấp như bà Louise Arbour, cựu công tố viên tòa án hình sự quốc tế về Rwanda và Nam Tư cũ, đều chỉ trích một dự luật « nhân danh bí mật » vi phạm các quyền tự do cá nhân.
Cũng như ở Pháp, những người chống đối luật C-51 lo ngại về việc phân tích tự động các dữ liệu mà người dân Canada trao đổi với nhau trên mạng Internet. Hơn nữa, khác với ở Pháp, luật chống khủng bố ở Canada không dự trù thành lập một cơ quan độc lập để giám sát các hoạt động của Trung tâm an ninh viễn thông CST, cơ quan đặc trách theo dõi những liên lạc viễn thông. Có liên hệ chặt chẽ với cơ quan an ninh quốc gia NSA của Mỹ, cơ quan CST trong những tháng qua đã nhiều lần bị lên án, sau những tiết lộ của cựu nhân viên NSA Edward Snowden, hiện tỵ nạn ở Nga.