« Cuộc chiến dầu hỏa trên biển », từ châu Á đến vùng biển Caribê, thế giới đang lao vào cuộc chạy đua khai thác dầu khí ở các vùng biển nước sâu. RFI tiếng Việt lược dịch bài phân tích đăng trên nguyệt san Le Monde Diplomatique tháng 2/2015 của Giáo sư Michael T.Klare, chuyên gia về hòa bình và an ninh quốc tế, giảng dậy tại đại học Hampshire College- Anh Quốc.
Đầu tháng 5/2014 Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HYSY-981) vào vùng biển có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Sự kiện đó làm dấy lên nhiều tranh luận về động lực của Bắc Kinh. Theo quan điểm của nhiều nhà phân tích phương Tây, động thái nói trên nhằm chứng tỏ Trung Quốc muốn áp đặt quyền kiểm soát đối với khu vực này và làm nản lòng một số các quốc gia khác khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Philippines và Việt Nam.
Theo bà Erica Downs, chuyên gia về Trung Quốc thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution của Mỹ, việc đưa giàn khoan vào vùng biển có tranh chấp chủ quyền « nằm trong khuôn khổ một loạt các hành động của những năm gần đây để Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với các vùng biển đang có tranh chấp ». Chuyên gia này đặc biệt chú ý đến việc Trung Quốc chiếm bãi đã Scarborough, một mỏm đá không có người ở mà cả Bắc Kinh lẫn Manila cùng khẳng định chủ quyền, cũng như những hành vi sách nhiễu được lập đi lập lại nhắm vào các tàu tuần duyên của Việt Nam.
Đối với một số các chuyên gia khác thì việc đưa giàn khoan vào vùng biển có tranh chấp biểu thị đà vươn lên của Trung Quốc như một cường quốc khu vực. Trong quá khứ Trung Quốc không đủ khả năng bảo vệ các phần lãnh hải, nhưng giờ đây thì quốc gia này có đủ phương tiện để bảo vệ bờ cõi.
Đành rằng đằng sau vụ đưa giàn khoan vào vùng biển có tranh chấp còn có những yếu tố dân tộc chủ nghĩa và địa chính trị. Nhưng cũng đừng quên rằng, Trung Quốc có những tính toán hết sức thực dụng, bởi đó là một vùng giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu hỏa và khí đốt.
Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc không ngừng gia tăng. Bắc Kinh mệt mỏi khi phải chi ra một số tiền ngày càng lớn cho các nhà cung cấp không có mức độ tin cậy cao như các đối tác ở châu Phi hay Trung Đông. Trong bối cảnh đó Trung Quốc hướng về các nguồn dự trữ ở sát ngay bên cạnh, kể cả tính tới việc khai thác dầu khí ngoài khơi Biển Đông và Hoa Đông. Trung Quốc hy vọng độc quyền kiểm soát các hoạt động khai thác dầu khí đó.
Bắc Kinh – Đài Bắc cùng tần số
Cho tới nay việc thăm dò ở các vùng biển nước sâu hãy còn giới hạn. Thực chất về trữ lượng dầu khí ở các vùng đại dương còn chưa được thẩm định một cách chính xác. Theo báo cáo (được công bố hồi tháng 2/2014) của Cơ qua Thông tin về Năng lượng (Energy Information Administration -EIA), trực thuộc bộ năng lượng của Hoa Kỳ, Biển Hoa Đông, có tiềm năng ẩn chứa khoảng từ 60 đến 100 triệu thùng dầu và khoảng từ 28 đến 56 tỷ mét khối khí đốt. Nhìn từ phía các chuyên gia Trung Quốc thì trữ lượng đó còn lớn hơn rất nhiều so với các con số được cơ quan Mỹ EIA đưa ra.
Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào công tác khai thác dầu ở các vùng biển nước sâu để giảm bớt mức độ lệ thuộc vào các nguồn cung cấp nước ngoài. Tập đoàn dầu khí CNOOC đã chi ra 6 tỷ nhân dân tệ – hơn 830 triệu euro để xây dựng giàn khoan Hải Dương -HYSY 981. Đây là giàn khoan nửa chìm nửa nổi đầu tiên của Trung Quốc.
Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với 90 % diện tích ở vùng Biển Đông, căn cứ trên bản đồ 9 đoạn. Bốn quốc gia khác trong khu vực, gồm Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines cùng khẳng định chủ quyền đối với các vùng đặc quyền kinh tế trong vùng biển này. Đài Loan có cùng quan điểm với Trung Quốc. Đài Bắc cũng căn cứ trên bản đồ 9 đoạn để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.
Tại vùng Biển Hoa Đông đến nay Trung Quốc và Nhật Bản tương đối tôn trọng lằn ranh phân chia hải phận giữa hai nước. Vấn đề đặt ra là gần đây, nhiều tàu thăm dò của Trung Quốc vẫn đến thăm dò và khai thác khí đốt ở sát đường biên giới trên biển đó. Hoạt động khai thác có khi lấn qua cả sang lãnh hải Nhật Bản.
Cuộc đọ sức Nhật- Trung trên Biển Hoa Đông phản ánh một cuộc chạy đua để cùng tìm kiếm dầu hỏa và khí đốt. Nhất là vào thời điểm mà Cơ quan năng lượng EIA của Hoa Kỳ dự phóng, dự trữ về dầu khí trên thế giới có nguy cơ giảm đi đến 2/3 từ năm 2011 đến 2035. Nhưng để bù lại thì thế giới đã phát hiện ra những nguồn dự trữ mới còn trinh nguyên. Bắc Cực và các vùng biển nước sâu là những địa điểm có nhiều tiềm năng về dầu khí.
Tranh chấp chỉ xảy ra trong trường hợp các vùng lãnh thổ hay lãnh hải có nhiều tiềm năng về dầu khí không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia. Tranh chấp thường nổ ra tại các vùng biển khá khép kín, như tại khu vực Biển Caribê, Caspi hay Địa Trung Hải. Ranh giới trên biển cũng không dễ phân định.
Về mặt pháp lý, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, ra đời từ năm 1982 rất phức tạp và thường được diễn giải theo những cách khác nhau. Tranh chấp ở vùng Biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc rơi vào trường hợp này. Nhưng bên cạnh đó Liên Hiệp Quốc đã thành lập một tòa án đặc biệt, – Tòa án Quốc tế về Luật Biển- để giải quyết tranh chấp. Vấn đề đặt ra là nhiều quốc gia không công nhận Tòa án đó. Do vậy các tranh chấp kéo dài có nguy cơ dẫn tới xung đột võ trang.
Năm 1982 xung đột đẫm máu đã xảy ra giữa Anh Quốc với Achentina ở khu vực quần đảo Malouines. Luân Đôn và Buenos Aires, sau đó đã tìm cách chung sống trong hòa bình, nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo này. Có điều, những khám phá gần đây cho thấy, Malouines là một vùng có nhiều tiềm năng về dầu hỏa và khí đốt. Và đó lại là mầm mống làm dấy lên căng thẳng giữa Anh Quốc với Achentina.
Cùng phát triển các vùng đang có tranh chấp
Tình hình còn nguy hiểm hơn tại các vùng phía đông Địa Trung Hải, nơi Israel, Liban, Syria, Chypre, Cộng hòa Chypre phương Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như chính quyền Palestine ở Gaza đều tuyên bố có chủ quyền đối với các dự trữ đầy hứa hẹn về dầu và khí đốt. Theo Văn phòng nghiên cứu địa chấn Hoa Kỳ (United States Geological Survey), vùng lòng chảo Liban – Irak, tương đương một phần tư diện tích vùng cực đông Địa Trung Hải, dường như có dự trữ khí đốt được đánh giá lên tới 3 400 tỷ mét khối, tức là gần bằng tổng dự trữ khí đốt được thẩm định của Irak. (Theo US Geological Survey, bài «Tiềm năng được thẩm định về khí đốt ở phía đông Địa Trung Hải » – USGS Newsroom, Washington DC, ngày 08/04/2010).
Vào thời điểm hiện nay, Israel là nhà nước duyên hải duy nhất khai thác một cách có hệ thống các dự trữ này. Việc sản xuất được bắt đầu hồi tháng 03/2013, ở mỏ khí tự nhiên Tamar và Tel Aviv dự tính khai thác khu khí đốt Léviathan, rộng lớn hơn. Dự án này gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Liban, nước tuyên bố có chủ quyền đối với một phần vùng biển này. Trong khi đó, Chypre lại cấp giấy phép cho tập đoàn Mỹ Noble Energy, tập đoàn Pháp Total, tập đoàn Ý Eni, lập các giàn khoan trên phần biển thuộc chủ quyền của mình và dự tính tiến hành sản xuất trong những năm tới. Trong vụ này, chính quyền Ankara, vốn ủng hộ nước Cộng hòa Chypre phương Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, đã lên án mạnh mẽ các quyết định của Chypre.
Những cuộc xung đột tương tự cũng đã nổ ra ở những vùng biển giàu tài nguyên, trong đó có Biển Caspi (nơi Iran chia sẻ đường biên giới trên biển đang gây tranh cãi với Azerbaidjan và Turkmenistan) và những vùng biển ở phía đông bắc bờ biển phía nam Châu Mỹ (nơi Guyana và Venezuela cùng tuyên bố có chủ quyền đối với một vùng khoan thăm dò có tiềm năng). Trong tất cả các cuộc tranh cãi này, chủ nghĩa dân tộc quá khích kết hợp với nhu cầu tìm kiếm vô hạn độ các nguồn năng lượng có thể dẫn tới quyết tâm giành chiếm các nguồn tài nguyên này một cách quyết liệt.
Thay vì xem xét các kiện tụng này như một vấn đề có tính hệ thống, đòi hỏi một chiến lược cụ thể để giải quyết, các cường quốc lớn đã có xu hướng đứng ra ủng hộ các nước liên minh của họ. Do vậy, chính quyền Mỹ của Tổng thống Barack Obama, mặc dù tuyên bố là trung lập trên vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ở Biển Hoa Đông, nhưng đã nhiều lần khẳng định là họ ủng hộ Nhật Bản, nước quản lý các đảo này và đồng thời lại cam kết hỗ trợ Nhật Bản trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Bắc Kinh đã tố cáo lập trường của Washington và coi đó là một sự đối đầu không thể chấp nhận được. Điều đó lại càng gây khó khăn cho việc thuyết phục các bên tranh chấp ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm một giải pháp thỏa hiệp và như vậy, tránh làm cho mọi việc trở nên xấu hơn.
Để tháo gỡ mối nguy hiểm nói trên, cần đưa ra nhiều sáng kiến như giải thích chính xác hơn các quyền của những quốc gia duyên hải đối với vùng đặc quyền kinh tế ở ngoài khơi, gạt bỏ những điểm không rõ ràng trong các điều khoản của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, quốc tế nỗ lực phối hợp để thiết lập các định chế trung lập có thể giúp tìm kiếm một giải pháp cho các tranh chấp, thông qua các cuộc đàm phán hòa bình.
Trong khi chờ đợi thực hiện các biện pháp như vậy, các bên liên quan trong các vụ đối đầu này cần phải dự tính đến việc cùng nhau phát triển các khu vực đang có tranh chấp. Đây là một chiến lược mà Malaysia và Thái Lan đã thực hiện tại vùng vịnh Thái Lan, cũng như Nigeria và Sao-Tomé và Principe tại vùng vịnh Guinéa. Do thiếu vắng những nỗ lực theo hướng này, các tranh chấp trên biển, vốn trở nên căng thẳng do vấn đề nguồn nhiên liệu có thể làm đảo lộn thế kỷ 21, giống như các cuộc xung đột biên giới trên đất liền đã gây ra trong các thế kỷ qua.