Hà Nội đang sôi động. Ngày 20/3 đã có hơn 300 người Hà Nội tự động xuống đường để bảo vệ cây xanh của thành phố, chống lại cuộc “tàn sát cây cổ thụ” được chính quyền chủ trương một cách kiên quyết, không hỏi ý kiến dân.
Sáng ngày 22/3 lại có thêm 400 người Hà Nội xuống đường để bảo vệ cây xanh. Một blogger của thủ đô đưa tin là đã có đến 500 người Hà Nội từng lúc xuống đường trong dịp này. Quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm, trước vườn Bách thảo, dọc đường Hùng Vương, trên đường Hoàng Hoa Thám… khu phố nào cũng có những cuộc xuống đường tự phát. Đông nhất là trước công viên Thống nhất, rồi quanh hồ Thuyền Quang. Có những bức ảnh đáng được lưu giữ. Những cây cổ thụ vạm vỡ hồng hào nằm dài như rên xiết, những gốc cây cụt đầu như vừa bị hành hình oan uổng, bên cạnh hình một em nhỏ mang dòng chữ “Em là cây xanh”; một em bé khác chụp hình bên gốc cây xà cừ mang dòng chữ “Tôi khỏe mạnh, đừng giết tôi!”. Bà con kể lại ở Lò Đúc có 2 cô gái thủ đô khi thấy xe cưa gỗ đến đã trèo lên cây rất cao, công an gọi không xuống, được bà con ta cổ võ, thế là xe cưa gỗ cuối cùng phải chuồn. Có nơi các em tổ chức nhảy múa, ca hát, chơi đàn dưới bóng cây xanh mát với những biểu ngữ “Cây xanh là nguồn sống”, “Hãy chấm dứt cuộc tàn sát cây xanh!”, “Chặt cây là hủy hoại môi trường sống”.
Ca sỹ Ái Vân lên tiếng, nhà thơ Trần Mạnh Hảo làm thơ khóc cây xanh bị tàn sát, nhà toán học Ngô Bảo Châu chia sẻ nỗi niễm phẫn uất…
Cuối cùng chính quyền phải lùi. Chiến dịch tàn sát cây xanh, dự định cắt cổ 6.700 cây vừa khởi đầu phải đình lại. Nhân dân thủ đô, công luận, cuộc đấu tranh chính đáng bảo về cây xanh thắng lợi. Dư luận được huy động để phát huy đà thắng. Đã có yêu cầu phải xử lý kỷ luật những người đã tàn sát cây xanh quý giá không qua cân nhắc và hỏi ý kiến nhân dân. Khẩu hiệu đảng CS đề ra “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để đâu?
Đây cũng là trường hợp rất hiếm người công dân thủ đô gửi thư chất vấn Chủ tịch thành phố được trà lời gần như lập tức bằng văn bản hẳn hoi. Xin nhớ trước đây hàng ngàn lá thư của cả các vị đảng viên công thần kỳ cựu họ còn không thèm trả lời nữa là. Phải chăng Xuân này, gió đã bắt đầu đổi chiều?
Đầu xuân đã có một cán bộ quân đội cấp cao, Thiếu tướng Lê Mã Lương, đăng đàn kể lại sự kiện một đại tướng từng nhân danh Bộ trưởng Quốc phòng đã ra lệnh cho lực lượng hải quân ở tuyến đầu không được nổ súng cả khi bị tiến công, gây nên cái chết oan uổng của 64 quân nhân ở đảo Gạc Ma năm 1988. Ngay sau đó, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh lên tiếng xác nhận chuyện trên, còn công khai lên án Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên là Bộ trưởng Quốc phòng rồi Chủ tịch nước, hiện còn sống, là phạm tội “phản quốc”, cần phải được xem xét, kết luận và xét xử công minh.
Cũng chưa bao giờ cái ghế có tay vịn hai đầu rồng mạ vàng chóe theo kiểu ngai vua của ông Nông Đức Mạnh cũng như trống đồng, tượng đồng của ông Lê Khả Phiêu, ngôi nhà ở vàng son của 2 ông nguyên Tổng bí thư CS được công luận bàn tán và phân tích sôi nổi, đặt ra nhiều câu hỏi về nguồn gốc các tài sản ấy, cũng như về tài năng, đức độ của các ông vua tập thể ấy.
Trong các cơ quan chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhắc đi nhắc lại chính kiến của mình là «làm gì có cái định hướng XHCN trong thực tiễn cuộc sống mà mất công đi tìm». Thứ trưỏng Nguyễn Chí Dũng cũng của Bộ Kế hoạch Đầu tư có chung nhận định: «Không biết xây dựng XHCN ra sao, như thế nào, bao giờ thì xong mà cứ nói lấy được». Rõ ràng là đã có những cán bộ CS then chốt công khai phủ định đường lối kinh tế của đảng CS, phủ định thẳng thừng Cương lĩnh cốt tử được coi là thiêng liêng của đảng.
Điều này cũng không có gì là lạ. Trước đó, ngay trong Quốc hội, đại biểu Sài Gòn Trần Trọng Nghĩa đã phát biểu chỉ rõ những yếu kém trong lãnh đạo kinh tế – tài chính, và công khai lên án thái độ phụ thuộc Bắc Kinh cực kỳ nguy hiểm, để hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường, con buôn Trung Quốc lũng đoạn khắp nơi, đôg đảo công nhân TQ cắm chốt trên các địa bàn chiến lược. Trước đây, chưa có một đại biểu nào nói rõ, gọn, với nhiều dẫn chứng như thế.
Về phần mình, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về hoạt động làm luật năm nay, có ý kiến hoãn lại việc làm Luật về biểu tình và về Lập hội, một số đại biểu lập tức lên tiếng phản bác, cho rằng đó là 2 Luật cấp bách nhất trong cuộc sống, không thể trì hoãn mãi.
Đầu Xuân năm nay Hội Cựu tù nhân lương tâm mở Đại hội lần thứ nhất, nhân kỷ niệm 1 năm hoạt động, củng cố tổ chức, mở rộng lực lượng với một chương trình hoạt động mới thiết thực.
Để chuẩn bị cho Đại hội Liên minh Nghị viện Quốc tế (IPU) gồm 150 nước, với 2.000 đại biểu sẽ họp phiên thứ 132 tại Hà Nội từ ngày 28/3 này, các lực lượng Dân chủ và Nhân quyền nước ta đã chuẩn bị các văn kiện, báo cáo, tham luận để cho thế giới hiểu bản chất Quốc hội VN là của đảng CS, Hiến pháp VN là phản ánh Cương lĩnh của đảng CS VN. Đồng thời, để yêu cầu các văn kiện sẽ được thảo luận và thông qua phản ánh đúng tôn chỉ của Liên minh là phổ cập quyền con người theo đúng Hiến chương của Liên Hiệp Quốc, một văn kiện lịch sử chủ trương phổ cập Dân chủ, Tự do, Nhân quyền ra toàn thế giới, trong đó phải kể đến Việt Nam, một đất nước khao khát tự do và nhân quyền.
Những ngày đầu Xuân này, nhân dân Việt Nam đang thức tỉnh, đang hội nhập với thế giới văn minh, đang nhận ra sức mạnh tập thể chính nghĩa của mình.
Bùi Tín, VOAs Blog
Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.