Tin Thế Giới
1.
Số tàu cá Trung Quốc gia tăng khắp thế giới — Bà Aung San Suu Kyi thăm TQ lần đầu tiên
Số tàu cá Trung Quốc đang gia tăng một cách nhanh chóng trong lúc nước này áp dụng những chính sách để tăng cường nguồn cung ứng lương thực. Nhưng trong lúc tàu cá Trung Quốc đổ ra hoạt động ở khắp nơi trên trái đất, họ bị chỉ trích về việc đánh bắt quá độ và thường xuyên đối đầu với tàu bè nước khác tại những khu vực có tranh chấp như Biển Đông. Từ Hồng Kông, thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới với khoảng phân nửa sản lượng tôm cá bán sang các nước phát triển. Họ cũng là nước tiêu thụ hải sản nhiều nhất thế giới.
Ông Duncan Ledbetter, giám đốc công ty tư vấn ngư nghiệp Fish Matter, cho biết cuộc chạy đua để tranh giành những tài nguyên mỗi ngày một ít đi đang thúc đẩy Trung Quốc tìm kiếm nguồn cá trên khắp thế giới, giữa lúc ngư trường gần bờ biển của họ bị cạn kiệt vì ô nhiễm và đánh bắt quá độ.
“Có hai chuyện đang xảy ra. Một là đánh bắt quá độ. Chuyện thứ nhì là một chuyện có thể nói là lan rộng ở cả miền bắc lẫn miền nam và từ khu vực cận duyên cho tới mép của thềm lục địa, nhất là ở ven bờ, họ có vô số các vấn đề về ô nhiễm và nơi sinh cư của tôm cá bị mất đi.”
Đội tàu cá viễn dương của Trung Quốc đã gia tăng một cách nhanh chóng để trở thành đội tàu lớn nhất thế giới với hơn 2.000 chiếc. Theo ước tính của một cuộc nghiên cứu của Nghị viện Âu Châu, từ năm 2000 đến năm 2011 ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt 4 triệu 600.000 tấn cá mỗi năm, hầu hết là tại các vùng biển ở Phi Châu, kế tiếp là ở Á Châu, và những số lượng nhỏ hơn ở Trung Mỹ, Nam Mỹ và Nam Cực.
Một số các nhà quan sát, như ông Peter Jennings, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Australia, nói rằng ngư trường được nới rộng của Trung Quốc mang lại cho họ một cơ hội để thiết lập một sự hiện diện đáng kể tại những khu vực có tầm quan trọng chiến lược về lâu về dài.
“Tôi nghĩ rằng đây chính là loại hình tiếp cận trung dung không chỉ đối với tài nguyên biển ở Nam Cực mà còn giúp cho Trung Quốc trong tương lai lâu dài có thể khai thác tài nguyên của chính lục địa Nam Cực.”
Tháng trước, một công ty Trung Quốc loan báo họ sẽ khuyếch trương hoạt động ở Nam Cực để bắt thêm tôm cá, nghêu sò. Loan báo đó được đưa ra sau khi Trung Quốc khánh thành một trạm nghiên cứu thứ tư ở Nam Cực và đầu tư vào các dự án để chế tạo hai chiếc tàu phá băng cùng với những loại phi cơ và trực thăng có khả năng hoạt động trong vùng băng tuyết ở Nam Cực.
Những mối căng thẳng với các nước khác vì sự hiện diện trên biển ngày càng lớn của Trung Quốc đã gia tăng trong thời gian gần đây. Tháng trước, Indonesia đã đặt chất nổ để phá tung một chiếc tàu của Trung Quốc mà họ đã bắt cách nay 6 năm vì đánh cá trái phép trong vùng biển của Indonesia. Theo chính phủ Nam Triều Tiên, số tàu cá Trung Quốc trong vùng biển của Nam Triều Tiên mỗi ngày một nhiều. Hơn 1.000 tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Nam Triều Tiên trong năm 2014.
Tổ chức Hoà bình Xanh cho biết tàu cá Trung Quốc cũng đánh bắt bất hợp pháp với những số lượng khổng lồ trong vùng biển phía tây Phi Châu. Ông Rashid Kang, một viên chức của văn phòng Hoà bình Xanh ở Bắc Kinh, cho biết với những chiếc tàu cũ kỹ, loại đánh giã cào, những hoạt động ngư nghiệp đang được nới rộng của Trung Quốc làm cho các hệ thống sinh thái của những vùng biển nước ngoài bị đe dọa, vì luật pháp Trung Quốc cấm sử dụng những chiếc tàu cũ không áp dụng cho tàu bè hoạt động ở nước ngoài.
“Họ vừa ban hành luật mới này để cấm đánh bắt sát đáy biển trong hải phận Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng việc này đã không được bàn tới đối với những chiếc tàu của Trung Quốc hoạt động ở những nước khác. Do đó tôi cho rằng có vấn đề tiêu chuẩn đôi ở đây.”
Một toán chuyên gia quốc tế hồi gần đây đã tìm cách ước tính số lượng hải sản mà đội tàu viễn dương Trung Quốc đánh bắt từ năm 2000 đến năm 2011. Các nhà khoa học này đã hô hào cho sự minh bạch trong một bài viết đang trên tạp chí Cá và Ngư nghiệp. Họ nói rằng lượng cá mà tàu Trung Quốc đánh bắt hầu như hoàn toàn không được báo cáo và không được ghi chép vào hồ sơ.
Theo cuộc nghiên cứu này, lượng cá Trung Quốc đánh bắt mỗi năm là hơn 4 triệu 600 ngàn tấn, cao hơn rất nhiều so với con số 368.000 tấn mà Trung Quốc chính thức báo cáo cho Liên Hiệp Quốc. – VOA
***
Lãnh tụ đối lập Myanmar bắt đầu chuyến đi thăm Trung Quốc hôm nay, thứ Tư 10/6, nhằm thúc đẩy cho các mối quan hệ ngoại giao đã được trắc nghiệm như là kết quả của những cải cách dân chủ của Myanmar.
Ðảng Cộng sản Trung Quốc, một đồng minh chính của chính quyền quân nhân Miến Ðiện trước đây, tiếp đón biểu tượng dân chủ Miến Ðiện cùng với đoàn đại biểu của Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ, gọi tắt là NLD.
Các giới chức NLD dự liệu bà Suu kyi sẽ gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc, trong đó có chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong chuyến đi thăm Bắc Kinh 5 ngày mang tính dấu mốc của bà.
Người phát ngôn Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuần này xác nhận rằng khôi nguyên giải Nobel Hòa bình sẽ gặp gỡ “các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước.”
Ông Hồng nói: “Trung Quốc luôn duy trì quan hệ lâu bền với các chính đảng liên quan ở Myanmar. Chúng tôi tin rằng chuyến thăm này có thể thúc đẩy cho sự thông hiểu và tin tưởng giữa hai đảng, đồng thời tăng cường tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Myanmar.”
Quan hệ giữa Myanmar và Trung Quốc đã gặp phải thách thức kể từ khi quân đội của quốc gia Ðông Nam Á này giao quyền hành lại cho một chính phủ dân sự trên danh nghĩa hồi năm 2010 để bắt đầu cải cách.
Kể từ đó Myanmar bắt đầu phát triển các mối quan hệ làm ăn thân cận hơn với phương Tây sau khi Hoa Kỳ và các nước Châu Âu nới lỏng các lệnh cấm vận đã được áp dụng suốt mấy thập niên trước đó.
Quan hệ của Myanmar với Trung Quốc cũng được trắc nghiệm bởi những thể hiện công khai tinh thần bài Trung Quốc. Trong một số trường hợp, điều này đã tác động đến những dự án kinh tế béo bỡ được Bắc Kinh hậu thuẫn.
Một trong những dự án lớn nhất được Trung Quốc hậu thuẫn đã bị trì hoãn là Đập nước Myitsone. Công trình xây dựng dự án này đã bị ngưng lại hồi năm 2011 sau những lo ngại về môi trường.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho là sẽ tìm cách tranh thủ sự bảo đảm của bà Aung San Suu Kyi rằng dự án đập nước này và những dự án tương tự sẽ được tiếp tục thực hiện.
Một bài xã luận trên tờ Hoàn cầu Thời báo của Ðảng Cộng sản Trung Quốc tuần này ca ngợi “quan điểm thực tế” của bà Aung San Suu Kyi, và nói bà là một “người bạn tốt” của Trung Quốc, nhưng cũng nói rằng những cải cách của Myanmar làm cho vấn đề “phức tạp.”
Bài xã luận cảnh báo rằng “Chính phủ đang nhanh chóng mất đi sự kiểm soát xã hội.”
Liên minh Dân chủ Toàn quốc theo trông đợi sẽ giành được thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay. Nhưng chưa rõ bà Aung San Suu Kyi có thể tiến lên được đến đâu, bởi vì hiến pháp Myanmar hiện nay không cho phép bà trở thành tổng thống.
Tuy nhiên, chuyến thăm Bắc Kinh của bà được xem như là một nỗ lực đánh bóng cho khả năng ngoại giao của bà và để phát triển cho những mối quan hệ chắt chẽ hơn với nước láng giềng quan trọng nhất của Myanmar. – VOA
***
Bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ phong trào đối lập Miến Điện đã đến Bắc Kinh hôm nay 10/06/2015 trong một chuyến thăm chính thức kéo dài 5 ngày, theo lời mời của đảng Cộng sản Trung Quốc. Bắc Kinh không ngần ngại nghênh đón người trước đây bị chính họ tẩy chay vì là đối thủ của đồng minh của Trung Quốc là tập đoàn quân sự Miến Điện. Theo chương trình dự kiến, Bà Aung San Suu Kyi sẽ được cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẫn Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp kiến.
Delphine Sureau Thông tín viên RFI tại Trung Quốc nêu bật lý do thúc đẩy Bắc Kinh trải thảm đỏ đón lãnh tụ đối lập Miến Điện:
“Chuyến thăm đầu tiên có tính lịch sử này minh họa cho sự xấu đi trong quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Miến Điện. Trong nhiều năm trước đây, Bắc Kinh là hẫu thuẫn chính cho tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện. Nước này đã rơi vào tình trạng phải lệ thuộc rất nhiều vào đầu tư của Trung Quốc khi Hoa Kỳ và Châu Âu áp đặt trừng phạt kinh tế trên Miến Điện, chính là để phản đối việc tập đoàn quân sự giam giữ bà Aung San Suu Kyi.
Thế nhưng, kể từ khi tập đoàn quân sự Miến Điện tự giải thể, quyền lợi của Trung Quốc tại nước này đã bị lay động. Công trình xây dựng một con đập khổng lồ mà người dân Miến Điện căm ghét đã bị chính quyền dừng lại, cũng như hoạt động một mỏ đồng.
Thêm vào đó, chiến sự lại bùng lên ở vùng biên giới Trung Quốc-Miến Điện, giữa quân chính phủ Miến Điện và lực lượng du kích Kokang. Hàng ngàn thường dân đã chạy qua lánh nạn tại Trung Quốc, trong lúc có 4 nông dân Trung Quốc thiệt mạng vì một quả bom do máy bay Miến Điện thả xuống.
Khi nghênh tiếp Aung San Suu Kyi, Trung Quốc muốn bảo tồn quyền lợi của mình, vì Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà rất có thể sẽ chiến thắng nhân cuộc bầu cử Quốc hội ở Miến Điện vào tháng 11 tới đây.
Khi tiếp đón lãnh tụ đối lập Miến Điện, Trung Quốc cũng muốn chống lại chiến dịch chiêu dụ Miến Điện của Hoa Kỳ, qua đó bảo vệ vùng ảnh hưởng của minh.”
Về phần bà Aung San Suu Kyi, giới quan sát đang từ hỏi là trong tư cách là người đoạt giải Nobel Hòa bình, liệu bà có lên tiếng can thiệp cho một Giải Nobel khác người Trung Quốc là ông Lưu Hiểu Ba , đã bị Bắc Kinh cầm tù từ năm 2009 đến nay?
Giới hoạt động nhân quyền đã từng thúc đẩy Miến Điện nêu bật trường hợp Lưu Hiểu Ba trong các cuộc họp với hai lãnh đạo Trung Quốc là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Liệu bà Aung San Suu Kyi có dám làm hay không.
Dẫu sao thì điều đó sẽ rất khó biết, vì lẽ dù trải thảm đỏ đón Aung San Suu Kyi, nhưng Trung Quốc đã không mời báo chí ngoại quốc theo dõi các sự kiện quan trọng của chuyến thăm. – RFI
***
Biên tập viên BBC tiếng Trung nhận định chuyến thăm này của bà Suu Kyi là ngoài sức tưởng tượng cách đây 5 năm xét về thực tế bà được xem là người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền cũng như là người được trao giải Nobel Hòa bình.
Phóng viên Ngô Ngọc Văn nói giải thưởng này bị Trung Quốc xem là do “các nước phương Tây thù nghịch” bày đặt ra sau khi nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu ba được trao giải này vào năm 2011.
“Một số báo chí bằng tiếng Trung tại hải ngoại đưa tin có sự chia rẽ trong giới lãnh đạo Trung Quốc về việc liệu có nên để chuyến thăm này diễn ra hay không và ai là người nên mời bà Suu Kyi thăm Bắc Kinh.
“Rốt cùng thì lời mời đến từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, thể hiện việc giao lưu giữa hai đảng, và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tiếp đón bà Suu Kyi mà không có khúc mắc gì về mặt thủ tục lễ tân,” bà Ngô Ngọc Văn cho biết.
Là lãnh đạo NLD, bà Suu Kyi được trông đợi đóng môt vai trò chủ đạo trong kỳ bầu cử tổng thống tại Myanmar vào tháng 11 năm nay, mặc dù nhiều khả năng bà sẽ không thể ra tranh cử ghế tổng thống.
Bà đang tranh đấu nhằm thay đổi một điều khoản trong hiến pháp theo đó ngăn cản bà ra tranh với tư cách một ứng viên.
Mời bà Suu Kyi tới Bắc Kinh là việc Trung Quốc công nhận rằng sau kỳ tổng tuyển cử tại Miến Điện, bà sẽ là một nhân vật chính trị mà Trung Quốc không thể không để tâm tới, phóng viên BBC Jonah Fisher tại Yangon nhận xét. – BBC
2.
Chỉ huy phiến quân hứa ‘giải phóng’ thêm các khu vực ở miền đông Ukraine — Tổng thống Nga công du Ý để tìm ủng hộ
Tại Ukraine, ngày càng có nhiều lo ngại là cuộc ngưng bắn giữa các lực lượng chính phủ và phiến quân do Nga hậu thuẫn có thể bị đổ vỡ. Các giám sát viên quốc tế đã nhận thấy có sự tăng cường lực lượng của cả đôi bên và một viên chỉ huy phiến quân nói với đài VOA rằng bằng cách này hay cách khác họ sẽ chiếm thêm những phần đất ở miền đông. Thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA tường thuật từ Donetsk.
Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu (OSCE) cho biết đôi bên đang tăng cường các lực lượng xe tăng, những tuyến khai hoả và di chuyển vũ khí trái với hiệp định ngưng bắn ký kết hồi tháng hai.
Phiến quân do Nga hậu thuẫn nói rằng các lực lượng Ukraine là kẻ xâm lăng và đang định thực hiện thêm những vụ tấn công. Chính phủ ở Kiev cũng có tố cáo in hệt như vậy đối với phe nổi dậy.
Đại tá Alexander Kurinkov, chỉ huy trưởng lữ đoàn pháo cơ động của phe nổi dậy, nói rằng phe ông không hề tăng cường lực lượng.
“Nếu họ nghĩ rằng việc này xảy ra ở Donetsk thì hãy để họ tới nơi để xem. Nếu họ tìm thấy thì hãy để họ tìm thấy. Nhưng không hề có sự tăng cường lực lượng ở đó.”
Ông Kurinkov cũng lập lại những tuyên bố trước đây của Điện Kremlin là không có binh sĩ hay vũ khí Nga dính líu trong vụ này, ngoại trừ những người tình nguyện, bất chấp những bằng chứng mỗi lúc một nhiều về sự can dự của Nga.
Mặc dầu vậy, ông Kurinkov thừa nhận phe nổi dậy dự định chiếm thêm đất đai thông qua điều đình hoặc sức mạnh quân sự.
“Làm sao chúng tôi có thể dừng lại các đường biên giới mà chúng tôi đang có trong lúc các chiến sĩ chiến đấu cho quốc gia mới của họ, gia đình của họ, gốc rễ của họ vẫn còn ở trên những phần đất bị chiếm đóng.”
Các lực lượng Ukraine cho biết họ đã đẩy lui một vụ tấn công mà phiến quân định thực hiện gần thành phố Marinka. Phe nổi dậy nói rằng Kiev khơi mào cho vụ giao tranh đó.
Bà Olga Tseselskaya của tổ chức cứu trợ Pomozhem cho biết những vụ đụng độ đã gây trì hoãn cho việc phân phát hàng cứu trợ tại những phần đất do Ukraine kiểm soát. Bà cũng nói rằng hàng cứu trợ không đủ để thỏa mãn nhu cầu.
“Lý do thứ nhất là không có đủ sự trợ giúp tài chánh, như tiền hưu trí và trợ cấp xã hội cho những người cần được giúp đỡ nhất. Và thứ nhì là giá cả đắt đỏ và thiếu thốn thuốc men, lương thực.”
Bà Tseselskaya cho biết những người tình nguyện sẽ tiếp tục giúp đỡ cho dân chúng địa phương cho tới khi nào họ còn có thể làm được.
“Ngay lúc này tình hình bất ổn tới độ không ai có thể nói được là tình hình sẽ kéo dài bao lâu hay hay sự trợ giúp của chúng tôi sẽ còn cần tới trong bao lâu nữa.”
Bà Tseselskaya nói thêm rằng nếu chiến cuộc leo thang, công tác cứu trợ sẽ còn gặp nhiều trở ngại hơn nữa. – VOA
***
Hôm nay 10/06/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến công du Ý, nhân “Ngày nước Nga” tại Triển lãm toàn cầu Milano. Chuyến công du một nước Phương Tây của nguyên thủ Nga diễn ra chỉ chưa đầy 48 giờ sau khi hội nghị G7 kết thúc, với việc bảy cường quốc Phương Tây đe dọa gia tăng trừng phạt Moscow, trong bối cảnh nguy cơ xung đột gia tăng tại miền đông Ukraine. Ông Putin thăm Triển lãm Milano cùng với Thủ tướng Ý Matteo Renzi. Chiều nay, Tổng thống Nga có cuộc gặp Giáo hoàng tại Rome.
Ý có quan hệ kinh tế mật thiết với Nga, nhưng đồng thời là một trong bảy quốc gia G7 vừa nhất trí sẵn sàng có các biện pháp mới trừng phạt Nga. Cuộc hội kiến với các lãnh đạo Ý cho Tổng thống Nga một cơ hội cải thiện hình ảnh của mình trước quốc tế. Về cuộc gặp chiều nay với Giáo hoàng Phanxicô, theo một số nhà quan sát, ông Putin rất ít có khả năng nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Vatican trong vấn đề Ukraine.
Thông tín viên Muriel Pompone tường trình từ Moscow,
“Đối với Vladimir Putin, đây là dịp để chứng tỏ Tổng thống Nga không phải là một người bị ruồng bỏ tại Phương Tây. Lần cuối cùng, ông Putin gặp Giáo hoàng Phanxicô là vào cuối năm 2013. Vào thời điểm đó, Tổng thống Nga – vừa giúp cho chính quyền Syria không bị Phương Tây tấn công – xuất hiện như một con người của hòa bình. Và người đứng đầu đạo Công giáo đã đón tiếp nguyên thủ Nga với tư cách này. Khả năng Giáo hoàng công du Moscow đã từng được nêu ra vào thời điểm này, bất chấp những bất đồng với Giáo hội Chính thống giáo Nga.
Nhưng hiện nay, Tổng thống Nga không còn mang hình ảnh của một người kiến tạo hòa bình nữa. Dù sao, ông Putin cũng muốn thuyết phục Giáo hoàng sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Giáo hội Công giáo Phương Đông ở Ukraine. Đây là Giáo hội có lập trường hoàn toàn đối lập với chính sách của điện Kremlin tại Ukraine.
Rất ít khả năng là nguyên thủ Nga thuyết phục được Giáo hoàng Phanxicô, bởi vì người đứng đầu Vatican có quan hệ rất tốt với Giáo hội Công giáo Phương Đông Ukraine. Do chiến tranh, quan hệ giữa các cộng đồng Công giáo và Chính thống giáo xấu đi. Viễn cảnh một chuyến công du của Giáo hoàng Phanxicô đến Moscow trở nên xa vời.
Trong trường hợp không đạt được một thỏa thuận về Ukraine, hai nhà lãnh đạo có thể nêu ra vấn đề người Thiên chúa giáo Phương Đông – nạn nhân của tình trạng bạo lực hiện nay tại khu vực Trung Cận Đông, và tìm ra một số từ ngữ mà cả hai bên cùng chấp nhận được. Tổng thống Nga chắc chắn sẽ ca ngợi tuyên bố chung đạt được với Vatican trước công luận nước mình”.
Về vấn đề này, ông Boris Falikov, giáo sư thuộc Trung tâm nghiên cứu về tôn giáo tại Moscow, bình luận: “Tổng thống Nga Putin muốn nhân chuyến thăm Giáo hoàng, cải thiện hình ảnh trước cộng đồng quốc tế… Theo ý tôi, ông Putin sẽ không nêu ra tình hình Ukraine… Giáo hoàng hiểu rõ tình trạng hiện nay, và chính quyền Nga rất khó để Vatican chấp nhận quan điểm của Moscow về Ukraine. Như vậy, theo tôi, ông ấy sẽ phải tìm một mảnh đất có thể có tiếng nói chung với Giáo hoàng, để tiếp tục đối thoại. Chủ đề đó là tình trạng của người Thiên chúa giáo Phương Đông ở Cận Đông”.
Một ngày trước cuộc hội kiến Tổng thống Nga-Giáo hoàng Phanxicô, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Phương Đông Ukraine (UNIATE) – Đức ông Sviatoslav Chevtchuk – từ Varsava, bày tỏ hy vọng Giáo hoàng “sẽ là tiếng nói của những người bị áp bức”. UNITAT muốn Vatican lên án trực tiếp chính sách của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, đối với Tòa Thánh, điều đặc biệt quan trọng là cuộc đối thoại hòa giải giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống giáo Nga, nhánh lớn nhất của Chính thống giáo. Xung đột Ukraine bùng phát năm 2014 đã làm gián đoạn kế hoạch công du Moscow của Giáo hoàng, từng có được sau rất nhiều nỗ lực của hai Giáo hội. – RFI
3.
Vatican lập tòa xử các giáo sỹ ấu dâm
Đức Giáo hoàng đã phê chuẩn việc thành lập tòa xét xử những giáo sỹ bị cáo buộc che đậy các vụ lạm dụng tình dục trẻ em.
Bước đi chưa từng xảy ra được thực hiện sau khi có khuyến nghị từ một ủy ban do Giáo hoàng vừa lập ra để giải quyết nạn giáo sỹ lạm dụng tình dục.
Các nhóm nạn nhân lâu nay đã kêu gọi Vatican phải có hành động thêm nữa để buộc các giám mục chịu trách nhiệm về các vụ xảy ra trong phạm vi cai quản của mình.
Hồi năm ngoái, Liên Hiệp Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ Vatican không chặn được nạn lạm dụng tình dục và để xảy ra tình trạng che giấu tội phạm.
Tuyên bố từ Vatican nói cơ quan mới sẽ chịu sự giám sát của Bộ Giáo lý Đức tin.
Mục đích của tòa này là “phán xét các giám mục có dính dáng tới tội lạm dụng liên quan tới trẻ em”, tuyên bố nói thêm.
Ủy ban của Vatican, nơi đưa ra khuyến cáo thành lập cơ quan xét xử, là bộ phận được ra đời nhằm giúp cho các giáo phận cải thiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng lạm dụng tình dục và nhằm giúp đỡ các nạn nhân. – BBC
Tin Việt Nam
4.
Nhà thầu TQ ‘kém nhưng không bỏ được’
Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam nói công nghệ đường sắt đô thị của Trung Quốc “rất phát triển” sau khi Bộ trưởng phân trần về việc mua tàu Trung Quốc.
Hôm 9/6, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng nói việc mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông là theo điều kiện sử dụng vốn ODA.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc, ký năm 2008.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Vì mua đoàn tàu của Trung Quốc mà tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn, đe dọa có, khuyên giải cũng có mà đề nghị cũng có.”
“Thâm chí có người còn bảo: ông Thăng ơi, ông đừng mua các đoàn tàu của Trung Quốc. Tại sao lại mua, ông có vấn đề gì với với Trung Quốc không.”
Ông Thăng phân trần do Hiệp định đã ký, nên không thể muốn thay đổi là có thể thay đổi được.
Các dự án sử dụng vốn ODA đều đặt điều kiện các nhà thầu tư vấn, thi công, cung cấp vật liệu thiết bị chủ yếu phải là từ các nước tài trợ vốn.
Bộ trưởng Thăng nói thêm rằng nhà thầu Trung Quốc trong dự án đường sắt “rất kém” nhưng không thể thay.
“Ngay cả việc nhà thầu Trung Quốc rất yếu kém, tôi đã nhiều lần muốn thay nhà thầu nhưng cũng không thể thay được, bởi đó là điều kiện trong Hiệp định ký kết.”
Ngày 10/6, Bộ Giao thông Vân tải có thông báo về việc mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc.
Thông báo cho biết các đoàn tàu Việt Nam chọn mua là loại tàu B1 tuân thủ theo quy phạm thiết kế Metro của Trung Quốc đã và đang khai thác ở Trung Quốc.
Ngoài ra, “để phù hợp với điều kiện Việt Nam, Tổng thầu EPC cũng đề xuất đưa ra 5 mẫu hình dáng đoàn tàu với cách thiết kế khoang hành khách đầu máy khác nhau để xin ý kiến phía Việt Nam”.
Bộ Giao thông nói “đã xem xét và đang cho làm đoàn tàu mẫu để xin ý kiến đóng góp của chuyên gia và nhân dân cả nước”.
Thông báo này nói “công nghệ tàu của Trung Quốc cũng đang rất phát triển, dần bắt kịp với công nghệ tàu của các nước phát triển”. – BBC
5.
Nợ công VN chạm ngưỡng 60% GDP
Nợ công của Việt Nam tăng lên hơn 2,36 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2014, theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố.
Mức này tương ứng với 59,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và cao hơn 5,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Hiện trần nợ công của Việt Nam được đặt ở mức 65%.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo con số này có thể sẽ sớm vượt ngưỡng an toàn vì chính phủ không có khả năng giảm nợ công xuống trong năm nay.
Báo điện tử VietnamNet hôm 10/6 dẫn báo cáo từ Bộ Tài chính trong đó nhận định rằng nợ công trong 4 năm qua “vẫn tăng nhanh chóng mặt,” và phần tăng lên chủ yếu là nguồn vay trong nước.
‘Nguy cơ có thật’
Trả lời BBC ngày 10/6, kinh tế gia Nguyễn Trần Bạt cho rằng Việt Nam đang đối mặt với khó khăn từ nhiều mặt.
“Khi nào kinh tế khu vực không có cải thiện đáng kể thì chính phủ vẫn phải tiếp tục sử dụng đầu tư để bù đắp suy thoái kinh tế”, ông nói.
“Nợ công là một con ngựa khó cưỡi, nhưng lại có thể chở người Việt ra khỏi tình trạng suy thoái mấy năm vừa rồi.”
“Tôi nghĩ rất khó để chính phủ có thể giảm nợ công xuống, nếu kinh tế thế giới không có cải thiện đáng kể.”
Ông Bạt cho rằng việc Việt Nam không còn được hưởng các khoản vay ưu đãi của quốc tế và phải tiếp cận vốn vay thương mại nước ngoài nhiều hơn trong thời gian tới là một bất lợi lớn.
“Các chi phí dành cho các khoản vay nợ để đầu tư sẽ lớn hơn. Đi kiếm tiền ra để trả lãi sẽ là một gánh nặng thực sự”, ông nói
“Tôi không biết là chính phủ sẽ dựa vào đâu để có thể đi qua gánh nặng hiện nay.”
Ông cũng cảnh báo về việc tăng thu chỉ đủ để trả lãi nếu không giảm được nợ công.
“Đó là một nguy cơ có thật. Không có cách giải quyết khác. Nếu không làm ra tiền để trả nợ thì phải vay tiếp và càng ngày tỷ trọng đi vay để trả lãi sẽ càng lớn lên.”
Hãng tin Bloomberg hôm 10/6 dẫn lời ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng nợ công đang tăng lên “quá nhanh”.
Ông Kiên cho biết nợ công có thể tăng lên mức 64% vào cuối năm 2015.
“Nợ công đang tăng ở tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay, trong thời điểm mà nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
“Chúng tôi cần phải thận trọng hơn trong việc chi tiêu”. – BBC
6.
‘Quốc tế sẽ đánh giá hành động, không phải lời nói của TQ’
Giữa lúc Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông trong phạm vi ‘đường lưỡi bò’ do chính họ vạch ra, căng thẳng tiếp tục lên cao trong khu vực, gây lo ngại cho các nước láng giềng trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia. Trước tình huống này, chính phủ Hoa Kỳ mạnh mẽ bênh vực và khẳng định quyền tự do hàng hải trong khu vực. Tổng Thống Barack Obama gần đây công khai cảnh giác Trung Quốc, chớ nên “ỷ lớn hiếp bé”. Hoài Hương của VOA Việt ngữ tiếp xúc với một nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề Đông Nam Á và chính sách của Hoa Kỳ với các nước trong khu vực, sau đây là nội dung cuộc trao đổi giữa Hoài Hương với cô Phương Nguyễn, nhà nghiên cứu làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS).
VOA: Trung Quốc đã từng khẳng định họ có quyền tuyên bố một khu nhận dạng phòng không trên Biển Đông, tương tự như đã làm tại biển Hoa Đông, đây là một diễn biến rất đáng lo ngại. Trước tình hình này, liệu Việt Nam có thay đổi lập trường trước đây, là sẽ không bao giờ cho một nước ngoài sử dụng Cảng Cam Ranh? Liệu vấn đề này có được mang ra thảo luận trong vòng riêng tư giữa các giới chức Mỹ và Việt Nam?
Phương Nguyễn: “Vấn đề Vịnh Cam Ranh luôn luôn là một lá bài có thể được mang ra, mỗi khi các giới chức quốc phòng Mỹ và Việt Nam gặp nhau, nhưng ngay trong lúc này, tình hình đang rất căng, tôi không tin là các giới chức Việt Nam sẽ đưa vấn đề này ra bàn cãi. Nhưng đây là một vấn đề sẽ được đề cập tới trong tương lai.”
VOA: Vậy phản ứng Hà Nội ra sao về vai trò an ninh lớn hơn của Mỹ trong khu vực, liệu ý kiến đó có được đón nhận thuận lợi hay bị chống đối?
Phương Nguyễn: “Sau khi có tin tiết lộ kế hoạch của Mỹ để thực hiện thêm các cuộc tuần tra ở Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ đóng một vai trò xây dựng trong Biển Đông, nhưng như tôi đã nói trước đây rằng tuy rằng Việt Nam và các nước trong khu vực hoan nghênh Mỹ đóng vai trò lớn hơn trong khu vực, nhưng họ không muốn thấy vấn đề này trở thành một nguy cơ xung đột tiềm tang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bởi vì nếu Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau trên Biển Đông, thì có nghĩa là sẽ có ít sự lựa chọn hơn cho các nước nhỏ hơn, kể cả Việt Nam. Thế cho nên, theo tôi, Việt Nam sẽ theo dõi rất sát, một mặt hoan nghênh vai trò của Mỹ, nhưng không hoàn toàn gạt bỏ khía cạnh tiêu cực của nó.”
VOA: Nhưng trong tất cả các nước liên quan, ngoài Philippines, Việt Nam là nước sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất nếu Trung Quốc chiếm toàn bộ Biển Đông trong phạm vi cái gọi là đường lưỡi bò, không biết nói như thế có hoàn toàn đúng hay không, nhưng trong tình huống này, liệu Việt Nam có nên đóng vai trò chủ động hơn, quyết liệt hơn, thay vì coi Biển Đông như là một vấn đề đã được quốc tế hoá, và Hà nội chỉ cần đứng ngoài làm ‘ngư ông hưởng lợi’?
Phương Nguyễn: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã làm khá tốt công tác tự bảo vệ mình trong cuộc tranh chấp Biển Đông. Không có một giải pháp dễ dàng cho cuộc tranh chấp, nhưng Việt Nam đã thực hiện được hai điều. Thứ nhất là quốc tế hoá vấn đề, điều mà Việt Nam vẫn muốn làm, và là điều mà Trung Quốc cực lực chống đối. Về phương diện ấy, Biển Đông đã trở thành một vấn đề hàng đầu trong nghị trình làm việc trên các diễn đàn khu vực, thì chúng ta có thể nói là Việt Nam đã thành công ở một mức độ nhất định. Điều thứ hai mà Việt Nam đã làm được là tăng cường phần nào khả năng của hải quân và không lực Việt Nam. Mục tiêu của nỗ lực này là tăng cao cái giá mà Bắc Kinh phải trả, nếu Trung Quốc dùng biện pháp quân sự chống Việt Nam. Cho nên quốc tế hoá vấn đề Biển Đông và tăng cái giá mà Trung Quốc phải trả là hai điều mà Việt Nam đã thành công ở một mức độ nào đó. Có những người muốn Hà nội đóng một vai trò chủ động hơn, thì vấn đề là làm thế nào Việt Nam có thể làm được điều ấy? Bởi vì suy cho cùng, Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam, và Việt Nam không có một hiệp định quốc phòng, hay liên minh với một nước lớn nào.”
VOA: Giờ hội nghị an ninh khu vực Shangri-La đã kết thúc, chúng ta có nên lạc quan về vai trò của ASEAN trong nỗ lực tìm ra một giải pháp cho cuộc tranh chấp Biển Đông?
Phương Nguyễn: “Rõ rệt là ở hội nghị Shangri-La, vấn đề Biển Đông và các vấn đề khu vực khác đã nêu lên một khía cạnh rất quan trọng, đó là hợp tác khu vực. Biển Đông không phải là vấn đề duy nhất mà Mỹ và khu vực ASEAN tập trung chú ý. Ngoài ra, còn có nỗ lực thực hiện Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh nhu cầu các nước cần phải làm việc với nhau để thành lập Ngân Hàng Đầu tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á, tức AIIB. Mỹ thừa nhận rằng có sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng hai nước cần làm việc với nhau để giảm thiểu căng thẳng, thay vì leo thang căng thẳng. Về mặt này, tôi nghĩ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lên tiếng hộ các nước Đông Nam Á khác. Tôi nghĩ các nước này hoan nghênh vai trò của Hoa Kỳ, nhưng họ nhấn mạnh là cùng lúc, cần đánh đi thông điệp rằng đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc là điều bất lợi cho Đông Nam Á. Trong bài diễn văn của ông Carter tại hội nghị Shangri-La ông đã phác hoạ bước kế tiếp trong chính sách tái cân bằng lực lượng, xoay trục sang Châu Á của Mỹ, ông nêu bật một hướng tiếp cận có tính cách khu vực đối với vấn đề an ninh biển, và nhu cầu phải tăng cường khả năng quân sự của các nước đồng minh ở Châu Á, kể cả Việt Nam và Ấn Độ, và ngay cả Malaysia. Theo tôi, điều này rất quan trọng”.
VOA: Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng sắp sửa công du Hoa Kỳ, trong tình hình này, chuyến đi của ông Trọng có thể khoác lên một ý nghĩa khác. Xét ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật thân Bắc Kinh, liệu ông có phải là nhân vật nên sang Washington trong lúc này?
Phương Nguyễn: “Tôi nghĩ ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật quan trọng để mời sang Mỹ, bởi vì khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013 và đang cân nhắc những từ ngữ nên dùng trong văn bản chính thức, điểm được nêu lên là hai nước sẽ hợp tác với nhau trong khi tôn trọng chế độ chính trị của nhau, thì trong hệ thống chính trị Việt Nam, nhân vật quyền lực cao nhất trong hệ thống đó là Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng chưa từng gặp Tổng Thống Obama, không như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việt Nam cho rằng nếu Hoa Kỳ thực sự nghiêm túc về quan hệ với Việt Nam, thì họ phải làm việc với Đảng Cộng sản Việt Nam, như chúng ta biết Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ngần ngại về việc củng cố quan hệ song phương. Cho nên, dù cho ông Trọng có là đúng nhân vật nên đi thăm Washington hay không, ông vẫn là một nhân vật quan trọng nên được mời sang Mỹ, đặc biệt là trong một năm khi mà Hoa Kỳ và Việt Nam đánh dấu kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ bang giao với nhau.”
VOA: Câu hỏi cuối, rõ ràng là Trung Quốc không có ý định lùi bước trong ý đồ độc chiếm Biển Đông, trước những lời chỉ trích của các nước về các công trình xây đảo nhân tạo ráo riết của họ, Bắc Kinh nói xây dựng các hòn đảo trong Biển Đông sẽ giúp Trung Quốc thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ quốc tế của họ, cô nghĩ gì về lập luận đó?
Phương Nguyễn: “Tôi nghĩ rằng chính quyền Trung Quốc muốn nói gì thì nói, nhưng các nước trong khu vực và Hoa Kỳ sẽ nhìn vào những hành động của họ để phán xét ý định của họ ở Biển Đông. Bắc Kinh có thể nói các hoạt động xây đảo là để giúp họ đóng một vai trò tốt hơn trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo chẳng hạn, nhưng cùng lúc, họ xây các cơ sở quân sự và đã bắt đầu bố trí các hệ thống vũ khí trên các đảo mới, và cung cách mà họ đối xử với ngư dân các nước khác gợi lên một hình ảnh khác, thế cho nên theo tôi, lời nói và hành động của Trung Quốc thường không đi đôi với nhau.” – VOA