Chuyến tàu vượt biển tác giả Châu Đình An có dấu X đứng giữa tàu. Hình chụp từ Tàu của Tây Đức Melbourn Express chụp trước khi vớt lên giữa biển khơi. Hình được tàu Tây Đức tặng cho các thuyền nhân chuyến tàu mang tên 992, tàu đi từ cầu Xóm Bóng Nha Trang ngày 16 tháng 5 năm 1980, khoang ghe đầy người, đàn bà, trẻ con, đầu ghe bị nứt phải dùng thanh gỗ nẹp lại cầm giữ không cho sóng biển đánh vỡ. Hầu hết những thuyền nhân trên chuyến tàu hiện nay định cư ở Tây Đức.
Nén Nhang tháng Tư
bài viết của Nhạc Sĩ Châu Đình An (19/5/2013)
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”
Anh vợ tôi, linh mục Mathew Nguyễn Khắc Hy nói như thế trong điện thoại, ngay sau khi tôi vừa về lại Florida. Đó là nói về đêm nhạc Châu Đình An được tổ chức tại hội trường Lê Đình Điểu của nhật báo Người Việt, thủ phủ người Việt tị nạn ở Westminster, California Hoa Kỳ.
Một vài giáo dân điện thư cho anh tôi, báo cho biết là “chưa có nhạc sĩ hay nghệ sĩ nào được nhật báo Người Việt đề cập nhiều như tôi trong suốt một tuần lễ liên tiếp”. Trước ngày tôi đến Cali, đã có tin buổi trò chuyện trên mạng Online trực tuyến sẽ diễn ra ngày 11 tháng 4, 2013, sau đó là buổi văn nghệ tối Chủ Nhật 15 tháng 4, 2013, chưa hết Người Việt còn chạy ¼ trang quảng cáo màu cho buổi văn nghệ của tôi trước buổi trình diễn 2 ngày.
Thực ra, chuyến đi Cali lần này không phải là lần đầu từ khi tôi rời quận Cam cách đây 21 năm, nhiều năm trước, trận bão Katrina đã tàn phá Louisiana, tôi cũng có dịp làm buổi nhạc Châu Đình An ở quận Cam Cali, lấy tiền giúp cho đồng bào bị nạn thiên tai. Số tiền gần 12 ngàn mỹ kim giao tận tay Giám Mục Mai Thanh Lương để chuyển đến bà con, món quà của người nghệ sĩ.
Nhưng lần này về Cali không định trước là có buổi văn nghệ, mà là sự tình cờ. Khi tôi điện thăm nhà báo Kỳ Phát, chủ nhiệm tạp chí “Trẻ Magazine”, thì anh bảo là: Sẵn dịp trực tuyến online trên Báo Người Việt, làm một buổi văn nghệ luôn cho vui vẻ cả nhà.
Thực lòng, tôi không có ý định đó, tính vốn cẩn trọng và cần có thì giờ chuẩn bị chu đáo. Là người kinh doanh và học ngành âm thanh ra, biết chắc một show nhạc thành công cần có thời gian quảng cáo đến khán giả, và cần có âm thanh ánh sáng, ban nhạc và người trình diễn…
Nhưng, anh Kỳ Phát bảo làm chơi với anh em văn nghệ sĩ hát cho nhau nghe là đủ rồi, mình đâu cần bán vé. Nói xong anh đưa máy cho tôi tiếp chuyện với nhà báo Nguyễn Hùng của nhật báo Người Việt. Chưa gặp anh Hùng, nhưng qua giọng nói vui vẻ, sôi nổi, không hiểu sao tôi nhận lời. Sau khi OK thì trong lòng bỗng có chút lo âu là, hát cái gì, và ai hát, chẳng nhẽ mình thôi sao. Nhưng đã bảo hát cho anh em nghe thì có gì đâu mà phải suy tính cho mệt.
Thực sự, gần đây chúng tôi lao vào thương trường với dự án mới, vợ chồng tôi tháng nào cũng đi đến các tiểu bang có các thành phố lớn, chưa kể hằng tháng phải đến Chicago để hoàn tất chương trình “nhượng quyền thương mại” tiếng Anh gọi là “Franchise”. Như thế chuyến đi Cali cũng nằm trong chương trình thương mại, xem ngó thị trường và chuẩn bị cho thương hiệu MC Spa và MC Nailbar của chúng tôi sẽ bán nhượng quyền trong 6 tháng tới. Vì là nhượng quyền ghi danh tại 50 tiểu bang, do vậy phải qua nhiều tiến trình đúng luật pháp đòi hỏi của từng luật tiểu bang khác nhau. Đây là một chương trình nhượng quyền tích luỹ hơn 25 năm trong nghề của chúng tôi. Đã đi đến một kết quả với một mô hình thương mại mới, rất hay và thực tế nhằm cải thiện giúp ích cho những doanh nghiệp trong ngành Nails, Spa, ngành thẩm mỹ đi vào dòng chính không phải kinh doanh theo dạng “mom and pop” là dạng tính cách gia đình theo cách làm ăn của người Á Châu nói chung và Việt mình nói riêng.
Sẽ có dịp tôi viết về vấn đề này, bây giờ trở lại câu chuyện chính, đấy là đêm nhạc Châu Đình An bất ngờ nhiều thứ. Ai cũng lo là sẽ rất ít khán giả đến tham dự vì họ không biết, hoặc chương trình của tôi không đủ sức thu hút khán giả… Nhưng tôi có một cái tính từ lâu là, chuyện gì đến, sẽ đến, nói như thế có nghĩa là mình phó thác và trông chờ, không, tôi cũng nỗ lực lắm chứ, cũng như vượt biên phải tìm ghe, gánh dầu mới ra khơi được, hoặc lấy vợ thì phải đi tìm, ngồi một chỗ ma nào biết, trâu đi tìm cọc, nào cọc tìm trâu?. Vì thế buổi nhạc này, tôi cũng trông chờ và không lo lắng gì vì là hát cho nhau nghe theo lời anh Kỳ Phát, ngay cả tôi cũng ngại không dám mời ai quen biết trong giới văn nghệ, vì tôi e là gấp gáp, và có thể cuối tuần ai cũng có “mục” riêng của họ. Nhưng tôi tin tưởng vào phương tiện truyền thông nhật báo Người Việt, tờ nhật báo online được hàng chục, hàng trăm ngàn người Việt trong và ngoài nước nhấp chuột xem mỗi ngày. Điều này quả thực ngạc nhiên khi tôi đến toà soạn để làm buổi nói chuyện với độc giả online, tôi đã được truyền hình Người Việt quay một cuộc phỏng vấn và chiếu lên trang báo điện tử của họ, hơn nữa phóng qua YouTube, buổi trò chuyện và truyền hình đã có kết quả hữu hiệu hết sức, đó là thu hút những khán giả ở xa như San Diego, Santa Barbara cũng lái xe đến Bolsa tham dự.
Đêm nhạc của tôi đầy phòng, bắt đầu từ 6 chiều đã thấy những mái đầu bạc, đầu xanh bước vào phòng tìm ghế ngồi. Những cụ già tóc trắng, những thanh niên tóc đen nhánh, những thanh niên thiếu nữ mà theo ngòi bút Thiên An của Người Việt cho rằng, số tuổi còn nhỏ hơn các ca khúc tôi viết, đã đến tham dự bằng tất cả trái tim chân tình của họ.
Trước đó, tôi đã soạn lại 10 bài hát, từ giòng nhạc lúc còn kẹt lại quê hương như bài ‘Tình khúc cho loài sâu”.
“Phố khuya tôi về, bóng người in xuống, có con sâu nằm, ngủ giấc mồ côi, vầng trăng chợt lên, mây mù che kín, thoáng tiếng hò ơi, nhặt khoan mấy hồi..”
Thế rồi những năm tháng lao đao trong đời hiện về với những câu:
“người bỏ ra đi quê xa mịt mù, một ngày tháng tư quê hương ngục tù, để lại non sông cơn đau hận thù, nỗi đoạ đày tôi chịu đựng đây”.
Bài hát nhan đề “Với em suốt một con đường” chấm dứt chương trình. Tôi chọn bài này vì có những lời sau:
“đời như chuyến xe, ngược xuôi đó đây cũng sẽ về bến đậu. Tình tôi có khi, là con nước dâng, cũng sẽ về biển rộng…”
Nhiều ca khúc tôi nghĩ đến biển, vì biển đã đưa tôi đi, cho tôi đến bến bờ tự do, cho tôi nếm trải đau thương của cuộc vượt biển. Và tôi nghĩ rồi người Việt Nam cũng sẽ về lại với Việt Nam, đi đâu như chuyến xe cũng phải về bến đỗ.
Khán giả còn nấn ná chưa ra về, các cụ gìa, một số anh chị đến bắt tay, chụp hình kỷ niệm với tôi. Những câu nói ấm áp chân tình. Một câu nói của một người trạc tuổi tôi cho biết là chuyến vượt biển, ghe nát trên biển động, vợ con anh đều chết hết, chỉ một mình anh sống sót, mỗi khi nghe bài “Đêm chôn dầu vượt biển” anh khóc hết nước mắt luôn, vì nỗi lòng đau đớn đứt lìa như thế.
Một vị khán giả đứng tuổi sau khi chia sẻ tâm tình
đã cùng tác giả CDA ôm nhau trên sân khấu. Kế bên là thi sĩ Viên Linh
Một khán giả khác cho biết rất tâm tình là cả nhả đều khóc, khi cháu bé gái 8 tuổi hỏi sao bố khóc thì anh giảng giải cho cháu biết, rồi cháu nghe và xem lại bài hát, thế là cháu hiểu ra,… khóc luôn.
Nước mắt Việt Nam lưu vong đã khóc ra, chảy xuống thành giòng biển cả. Nơi mà đã có hằng trăm ngàn thuyền nhân không may bỏ mạng giữa biển sâu trên đường vượt thoát tìm tự do.
Buổi nhạc vừa qua, là nén hương lòng tưởng niệm những người quá cố, những người thà chết chứ không chịu sống nô lệ trong một thể chế độc tài, đảng trị tại quê hương mình.
Buổi nhạc vừa qua là nén nhang tưởng niệm, đốt cháy trong tháng tư. Tháng của đau khổ, nhưng cũng là tháng tư đã cho người ta hiểu rõ thực chất cộng sản là gì? Trên hết, tháng tư là khởi điểm của hành trình tìm tự do, và trong cuộc hành trình đầy máu và nước mắt về cơn biến động của quê hương nhỏ bé, đã cho chúng ta bắt đầu thực sự yêu quý tự do, yêu quý dân chủ, yêu quý giá trị những gì mà cha ông chúng ta đã đổ xương máu từ bao đời qua.
Châu Đình An