Những Điểm Nóng Cuối Năm 1014 SBTN-Dallas

Nam Giao,TL

VQTG_2014

LTS: Bài này được soạn cho chương trình “Vòng Quanh Thế Giới” của đài SBTN – Texas, do ba ông Hà Thúc Thanh, Trương Sĩ Lương & Minh Huy đảm trách phần bình luận thời sự. Xin kính chúc quý khán thính giả, độc giả một năm mới 2015 vạn sự như ý.

1) Bang giao Cuba -Mỹ

2) Hãng Phim Sony & tin tặc Bắc Hàn

3) TT Obama & TT Putin

4) Quà Noel cho CĐNVTD:
“Đạo luật “Hành trình tìm Tự do” S-219 của Canada.

http://www.thegioimoionline.com/
Những ngày cuối năm 2014, những điểm nóng mang tính lịch sử, chưa từng có trước đây trên chính trường thế giới, đã làm dư luận quan tâm. Đó là sự kiện Hoa Kỳ và Cuba nối lại bang giao; chuyện Bắc Hàn bị cáo buộc trong vụ tấn công hãng phim Sony, bằng tin tặc (hacker).
Trước khi đi nghỉ lễ Giáng Sinh và đón mừng năm mới 2015 với gia đình tại tiểu bang Hawaii, TT Obama đã có cuộc họp báo và hứa sẽ đặt nền móng ngoại giao với Cuba, cho dù có thể gặp ít nhiều khó khăn từ lưỡng viện Quốc Hội. Và ông cũng hứa là sẽ có biện pháp trả đũa Bắc Hàn trong vụ tin tặc phá hãng phim Sony làm cho chính giới lo ngại bọn “Cyberwarrior” này sẽ đi xa hơn và sẽ phá hoại an ninh mạng của Hoa Kỳ và thế giới.
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, đó là thế đối đầu với TT Putin, con gấu Bắc Cực đang bị thương vì trúng đòn độc “giá dầu thô” tuột dốc không phanh, làm cho Liên bang Nga có thể phá sản.
Cuối cùng, một đề tài khác cũng không kém hấp dẫn đó là Đạo luật “Hành trình tìm Tự do” S-219 của người Việt tại Canada, do TNS gốc Việt Ngô Thanh Hải bảo trợ, đã được Thượng Viện Canada thông qua.
1) Bang giao Cuba -Mỹ:
Mặc dù được chờ đợi từ hơn nửa thế kỷ qua, nhưng dư luận Mỹ vẫn bất ngờ và hoan nghênh thông báo ngày 17-12-2014 của Tổng thống Obama v/v sẽ bình thường hóa quan hệ với Cuba, thiết lập Đại sứ quán tại Havana; đồng thời hối thúc Quốc hội Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận, phong tỏa quốc đảo này hơn nửa thế kỷ quả.

cuban+flag+american+flag
TT Obama khẳng định “trong một thay đổi có ý nghĩa nhất về chính sách hơn 50 năm qua, chúng ta sẽ chấm dứt cách tiếp cận lỗi thời đã không thúc đẩy được lợi ích của Hoa Kỳ để thay vào đó sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba”.
Các giới chức Bạch Ốc cho biết, trước khi thông báo quyết định này, Tổng thống Obama đã có cuộc đàm thoại kéo dài gần một giờ với Chủ tịch Raul Castro, của Cuba. Sự việc quan trọng này được đưa ra ngay sau khi Cuba trả tự do cho công dân (Mỹ) ông Alan Gross, người bị giam giữ tại Cuba 5 năm qua và một điệp viên người Cuba làm việc cho chính phủ Mỹ bị bắt giữ từ cách đây 20 năm. Đổi lại, Mỹ cũng đã phóng thích ba sĩ quan tình báo của Cuba bị giam giữ ở Mỹ.
Kết quả thăm dò mới nhất cho biết ở thời điểm năm 2014, có 60% người Mỹ gốc Cuba ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ Mỹ – Cuba, trong đó riêng giới trẻ có tới 90% ủng hộ, và tổng số 71% cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba trong hơn nửa thế kỷ qua, không mang lại hiệu quả gì hoặc chỉ mang lại chút ít mà thôi.
Tỷ lệ ủng hộ bình thường hóa quan hệ ngoại giao và bãi bỏ cấm vận chống Cuba ở thời điểm hiện nay trong cộng đồng người Cuba ở My, đã có sự thay đổi hẳn so với năm 1981.Thời đó có tới 87% người Mỹ gốc Cuba ủng hộ các biện pháp bao vây, phong tỏa.
Tại Miami, bình luận gia kỳ cựu của truyền hình và đài phát thanh của người Mỹ gốc Cuba, ông Max Lesnik, hoan nghênh và mô tả sự thay đổi chính sách, bãi bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ Mỹ – Cuba là “diễn biến có ý nghĩa nhất giữa Mỹ và Cuba”.
Ba nhà lập pháp Mỹ gồm TNS Patrick Leahy, TNS Jeff Flake và Dân biểu Chris Van Hollen, những vị này trở về thủ đô Washington sáng 17-12 trên cùng chuyến bay với ông Alan Gross, ra tuyên bố chung là hoan nghênh việc Cuba phóng thích Alan Gross; rằng TT Obama đã khôn ngoan khi vạch ra một tiến trình mới về Cuba, phục vụ cho lợi ích của Mỹ ở Tây bán cầu cũng như trên toàn thế giới.
TNS Richard Durbin, thành viên cao cấp của đảng Dân Chủ tại Thượng viện, hoan nghênh nỗ lực hơn một năm qua của chính quyền Obama với Tòa thánh Vatican, dẫn tới việc phóng thích Alan Gross và cho biết “tôi đã nói chuyện nhiều lần với Tổng thống trong những năm qua và được biết mục tiêu của Tổng thống là thay đổi chính sách của Mỹ với Cuba”. Ngay cả ông Ramon Saul Sanchez, một người chuyên hoạt động về nhân quyền ở Miami, tiểu bang Florida, cũng chưa bao giờ ủng hộ lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba.
Tuy nhiên, một số nghị sỹ Mỹ đã ngay lập tức chỉ trích quyết định của chính quyền Barack Obama. Đó là TNS (Dân chủ) Robert Menendez, cho rằng chính quyền Obama đã phạm sai lầm khi trao đổi các công dân Mỹ “không có tội” với những người phạm tội hoạt động tình báo chống lợi ích của Mỹ.
TNS (Cộng Hòa) tiểu bang Florida, Marco Rubio, chỉ trích sự thay đổi chính sách của chính quyền Obama, đồng thời tuyên bố sẽ bằng mọi cách ngăn chặn sự thay đổi mà ông cho là “nguy hiểm” này của TT Obama. Chủ tịch Hạ viện, Dân biểu (Cộng hòa) John Boehner cũng ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ chủ trương của chính quyền Obama.
Được biết, Đức Giáo Hoàng Francis hôm 17-12 đã lên tiếng chúc mừng quyết định lịch sử nhằm hướng tới bình thường hóa quan hệ của Mỹ và Cuba. Bản tuyên bố của Vatican viết: “Giáo hoàng muốn gởi lời chúc mừng nồng ấm đối với quyết định lịch sử của chính quyền Mỹ và Cuba nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao vì lợi ích của công dân hai nước, để vượt qua những khó khăn vướng mắc trong thời gian qua”.
Tờ New York Daily News loan tin giới chức Mỹ cho biết, Giáo Hoàng Francis giữ vai trò quan trọng trong việc hàn gắn quan hệ giữa Cuba và Mỹ sau hơn 50 năm băng giá. Theo đó, Giáo Hoàng đã gửi thư cho cả Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba, Raul Castro, để hối thúc khôi phục quan hệ ngoại giao. Các cuộc gặp mặt bí mật cũng đã được tổ chức ở Vatican và Canada.
Trong khi đó, TT Venezuela, Nicolas Maduro, gọi hành động của TT Obama là dũng cảm và cần thiết. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cũng khẳng định: “Đây là thái độ tích cực. Đã đến lúc Cuba và Mỹ bình thường hoá quan hệ song phương trên mọi mặt. Tôi thật tâm hoan nghênh tiến trình tốt đẹp này của hai nước”.
Quyết định của TT Obama về việc bình thường hoá quan hệ với Cuba sau hơn nửa thế kỷ đang nhận được phản ứng lẫn lộn. Nhiều người đồng ý với TT Obama rằng xa lánh Cuba là một đường lối lỗi thời. Một vấn đề thấy rõ là cộng đồng Mỹ gốc Cuba ở Miami xôn xao, sau khi TT Obama loan báo những thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Cuba: “Qua những thay đổi này, chúng ta có ý định tạo dựng nhiều cơ hội hơn cho dân chúng Mỹ và Cuba, và bắt đầu một chương mới giữa các quốc gia ở châu Mỹ.”
Một số người đã bỏ trốn khỏi chế độ cộng sản Cuba để sang Hoa Kỳ lâu nay vẫn ủng hộ một chính sách cô lập chế độ này qua các biện pháp chế tài và các lệnh cấm du lịch. Một người Mỹ gốc Cuba nói: “Đây là một sự phản bội hơn 50 ngàn người đã chết trong chế độ Cuba. Nó là một sự phản bội đối với người dân Cuba. Nhưng chúng tôi không lo ngại về Cuba nữa, chúng tôi chỉ lo ngại về Hoa Kỳ.”
Trong khi một trong những lời tán đồng chân thành nhất từ phía nhân viên cứu trợ Hoa Kỳ, là ông Alan Gross, người được trả tự do sau khi bị tù 5 năm ở Cuba. Ông Gross nói người dân Cuba không đáng bị ghét bỏ: “Đối với tôi, người Cuba, đa số, hết sức tử tế, hào phóng và tài giỏi. Tôi đau lòng khi nhìn thấy họ bị đối xử không công bằng chỉ vì hậu quả các chính sách hiếu chiến giữa hai chính phủ với nhau.”
Tại La Habana, một số cư dân hoan nghênh việc phóng thích 3 người Cuba bị kết tội làm gián điệp ở Hoa Kỳ. “Tôi nghĩ thực là một điều tốt đẹp khi ba người anh hùng đã bị bắt làm tù binh tại đất “đế quốc Mỹ” và nay họ đã được trở về Cuba.” Lời phát biểu này vẫn sặc mùi “chống Mỹ cứu nước” của những người bị chế độ cộng sản Cuba tẩy não.
Nhưng những lời khen ngợi bắt đầu tràn ra thế giới, ngay sau khi có thông báo, nổi bật nhất là từ Venezuela và Toà thánh Vatican. Kể từ khi Tổng thống Obama phục hồi việc đi lại hạn chế đến Cuba vào năm 2011, hàng trăm ngàn người Mỹ đã đi thăm đảo quốc này. Theo các biện pháp mới, Hoa Kỳ dự định mở lại đại sứ quán ở La Habana và nới lỏng các hạn chế về du lịch và thương mại.
Mặc dù một số người Cuba lưu vong biểu tình phản đối ở Miami, nhưng người dân Cuba trên quốc đảo này hy vọng kinh tế, đời sống rồi sẽ được nâng cao. Một tài xế taxi trong thủ đô Havana nói: “Chúng tôi sẽ lái xe mới. Tôi tin mọi thứ rồi sẽ thay đổi – chắc vậy!”

cuban_people
Trong khi Chủ tịch Cuba, Raul Castro, nói rằng việc nối lại quan hệ giữa Washington và Havana không báo hiệu sự cáo chung chế độ cộng sản ở Cuba: “Cũng vậy thôi, chúng ta không bao giờ đòi hỏi Hoa Kỳ thay đổi hệ thống chính trị của họ, chúng ta cũng sẽ yêu cầu họ tôn trọng hệ thống của chúng ta.”
Những lời tuyên bố như vậy càng khẳng định nỗi lo ngại tệ hại nhất của những người chỉ trích TT Obama, như TNS (CH) Marco Rubio. Ông nói trong chương trình “This Week”của đài truyền hình ABC: “Sự giao tiếp tự nó không bảo đảm hay dẫn đến các quyền tự do chính trị. Chính phủ Cuba kiểm soát mọi khía cạnh kinh tế. Họ dự định theo mô hình của Việt Nam và Trung Cộng, theo đó họ có thể mở rộng kinh tế, nhưng không mở rộng tự do chính trị. Trên thực tế, họ đàn áp người dân kinh khiếp.”
Điều mà TT Obama đã biết là ông sẽ gặp muôn vàn khó khăn trước lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ vì quyền phủ quyết đang nằm trong tay đảng Cộng Hòa vào những ngày đầu tháng giêng năm 2015. Được biết cuộc vận động giao giao Mỹ – Cuba này. “Tôi không trông đợi trong một sớm một chiều sẽ có thay đổi ở Cuba, nhưng điều tôi biết rất rõ là nếu bạn làm một điều gì trong suốt 50 năm và không có gì thay đổi, vậy thì bạn nên thử cách khác nếu muốn có kết quả khác.”
Lời bàn:
Hai mươi lăm năm (25) trước, vào năm 1995, Hoa Kỳ bỏ cấm vận và lập quan hệ ngoại giao với CSVN. Da thịt người dân thật sự có khá ra vì hàng tỷ tiền của đồng bào hải ngoại được tuồn về trong nước, cứu khổ bà con, nhưng mặt khác cũng đã nuôi cán bộ của chế độ mập béo. Bên cạnh đó, ngân sách tài chánh thế giới đổ vào trợ giúp, đầu tư tiền tỷ, nhưng cũng đều lọt vào ổ tham nhũng kinh hoàng của các cấp cán bộ của chế độ cộng sản. Suốt 25 năm qua, chế độ ấy vẫn chưa thay đổi tí nào về việc tôn trọng tự do, dân chủ, nhân quyền. Trái lại CSVN ngày càng độc ác, độc tài tinh vi hơn. Bằng chứng là việc đàn áp, trấn lột, giam cầm, hành hạ… người dân đã và đang đứng dậy đòi quyền sống và chống đảng cộng sản VN bán nước cho Tàu Cộng. Người dân Cuba nên nghiên cứu bài học Việt Nam để tránh đại họa cho sự chia rẽ cộng đồng Cuba lưu vong nói riêng và dân tộc Cuba nói chung, nếu không sớm đứng dậy loại bỏ chế độ độc tài sắt máu cộng sản này.
2) HÃNG PHIM SONY & TIN TẶC BẮC HÀN

SONY_PHIM
Các tin tặc (hackers), được cho là của Bắc Hàn, tuần trước đã xâm nhập vào mạng lưới computer của hãng phim Sony và đã đánh cắp hàng ngàn tài liệu. Nhóm hackers này tự xưng là “Những người bảo vệ Hòa bình” đã gởi đi hàng loạt tin cảnh cáo, hăm dọa hãng phim Sony phải hủy bỏ dự định cho chiếu cuốn phim “The Interview”, vào ngày Giáng Sinh 25-12; đồng thời hăm dọa bất cứ ai đi xem bộ phim này sẽ phải chịu một “giá kinh hoàng.”
Nội dung của cuốn phim – do hai ngôi sao điện ảnh Seth Rogen và James Franco thủ vai trong một âm mưu ám sát Kim Jong Un – chế nhạo nhà cai trị Bắc Hàn, nó chỉ là một cuốn phim hài, giả tưởng. Nhưng Bắc Hàn cho rằng nhạo báng lãnh tụ của họ là không thể chấp nhận được. Bắc Hàn đã ca ngợi vụ tấn công computer là “một hành động đúng đắn,” nhưng cho rằng họ có thể chứng minh là không dính líu đến vụ tấn công đó và đã đề nghị thực hiện một cuộc điều tra chung với Mỹ về vụ tấn công mạng này. Thế nhưng, một phát ngôn viên không rõ danh tánh của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn cảnh báo rằng Washington sẽ đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng”, nếu bác bỏ đề nghị điều tra chung.
Chủ tịch Hãng phim Sony, ông Michael Lynton, tuần qua nói với các phóng viên là Sony không có sự lựa chọn nào khác là huỷ bỏ việc công bố bộ phim vì các rạp hát tại Mỹ không muốn chiếu phim này. Tuy nhiên ông nói với những người phỏng vấn là Sony không “bỏ cuộc” hay đầu hàng bọn tin tặc, và đang nỗ lực tìm một số hình thức để mọi người có thể xem phim này, bằng dịch vụ video hay trên mạng Internet.
Phát biểu hôm thứ Sáu tại Tòa Bạch Ốc, TT Obama nói hãng Sony “đã sai lầm” khi quyết định không phát hành bộ phim: “Chúng ta không thể có một xã hội mà trong đó một kẻ độc tài ở đâu đó có thể áp đặt kiểm duyệt chúng ta.”
TT Obama cho biết Washington đang xem xét lại việc đưa Bắc Hàn vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố, sau vụ tấn công mạng nhắm vào hãng phim Sony. Ông nói rằng ông không xem vụ tin tặc đó là một hành vi chiến tranh, nhưng là một hành động phá hoại trên mạng, gây ra rất nhiều thiệt hại.
Washington báo động về việc Hoa Kỳ dễ bị nguy cơ đánh cắp và tấn công trên mạng. Các mối quan ngại giờ đây tăng cao sau khi các giới chức liên bang kết luận rằng Bắc Hàn đứng sau vụ xâm phạm ồ ạt dữ liệu của Hãng Sony. TT Obama nói: “Đầu tiên trong công việc của chúng ta là bảo đảm phải làm mọi cách để củng cố các trang mạng và ngăn chặn không để xảy ra các vụ tấn công kiểu này. Chúng ta sẽ đáp trả Bắc Hàn ở một nơi, một thời điểm và cách thức mà chúng ta chọn.”
TT Obama không nêu rõ chi tiết về biện pháp mà Hoa Kỳ có thể thực hiện, nhưng gợi ý rằng Bắc Hàn có thể bị đưa trở lại vào danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố “sau một cuộc duyệt xét kỹ càng về các sự kiện.” Bình Nhưỡng đã được gạt tên ra khỏi danh sách này dưới thời Chính quyền TT Bush năm 2008.
Cũng trong chương trình truyền hình này, Chủ tịch sắp tới của Uỷ ban Quân vụ Thượng viện, TNS John McCain nhấn mạnh rằng vụ tin tặc này có tác dụng nhiều hơn là phá hoại, và là “một hình thức chiến tranh mới … mà chúng ta cần phải có phản ứng quyết liệt, kể cả việc tái áp đặt các biện pháp chế tài.”
Trong chương trình Tin tức Chủ nhật của đài truyền hình Fox, dân biểu Mike Rogers, chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện nói, đã đến lúc phải tăng cường các biện pháp chế tài. “Một quốc gia đang đe doạ dùng bạo lực. Họ đi vào một công ty và sử dụng cái gọi là một virut xoá dữ liệu. Họ xoá hết các dữ liệu. Đây là một quốc gia tấn công một công ty và rồi đe doạ dùng bạo lực nhắm vào những người định đi xem phim. Đó là một vấn đề lớn. Bắc Hàn là một nước đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới trong năm ngoái.” Dân biểu Rogers nói Hoa Kỳ có khả năng mở một cuộc tấn công mạng trả đũa.
Trong chương trình “Meet the Press” của đài truyền hình NBC, luật sư của hãng Sony, ông David Boies bênh vực quyết định của hãng sản xuất phim ở Hollywood rút cuốn phim ước tính tốn kém 40 triệu đô trước khi phim ra mắt khán giả. “Các rạp hát đã bị đe doạ bạo lực vật chất nhắm vào khách hàng, và điều rất dễ hiểu là một số lớn, đa số các rạp hát đã quyết định không chiếu cuốn phim như đã lên lịch trình.”
Ông Boies gọi vụ tin tặc là “một cuộc tấn công hình sự được nhà nước Bắc Hàn bảo trợ nhắm vào một công ty lớn của Mỹ và nhân viên của họ.”
“Tôi nghĩ điều chúng ta cần phải làm là vận dụng việc tổng thống thừa nhận tầm quan trọng của vấn đề này như một lời hiệu triệu tất cả người Mỹ có thể đoàn kết chống lại điều thực sự đe doạ tới an ninh quốc gia của chúng ta.” Và ông hứa rằng cuốn phim The Interview sẽ được phát hành ở một thời điểm nào đó, mặc dầu ông từ chối không cho biết chi tiết.
Nhiều ngôi sao Hollywood đã lên Twitter phản đối quyết định của Sony hủy công chiếu bộ phim. Người dẫn chương trình hài, Jimmy Kimmel, gọi hành động này là “hèn nhát thiếu bản chất Mỹ giúp hợp thức hóa hành động của những tên khủng bố và đặt ra một tiền lệ đáng sợ.”
Nam diễn viên Rob Lowe tuyên bố sự việc này là “chiến thắng hoàn toàn và trọn vẹn” cho tin tặc. Còn diễn viên Steve Carell, có phim đặt bối cảnh ở Bắc Hàn, nhưng đã bị hủy bỏ, nói rằng đây là một “ngày buồn cho sự thể hiện sáng tạo.”
Thế nhưng vào giờ chót khi TGM lên khuôn, một nguồn tin cho biết toàn bộ hệ thống internet của Bắc Hàn đã bị đánh sập suốt 9 tiếng đồng hồ mới có lại. Ai đánh sập hệ thống mạng của bắc Hàn thì chưa rõ, nhưng người ta cũng có thể hiểu được.
Một tin hấp dẫn tiếp theo sau là Hãng Sony đã quyết định chiếu, thay vì sợ lời hăm dọa của Bắc Hàn. Ngay tức khắc, hàng trăm rạp xi-nê độc lập trên tòan quốc Hoa Kỳ đã bán sạch vé vào ngày thứ Năm 25-12, vì nhiều người rủ nhau xem phim The Interview.
Đồng thời, Sony cũng cho chiếu phim này trên các trang mạng YouTube, Google Play và Microsoft Xbox.
TT Obama đang nghỉ lễ X-Mas và chào mừng năm 2015 cũng đã gởi lời chào mừng tới người dân Hoa Kỳ và ca ngơi hành động dũng cảm của hãng phim Sony là quyết định cho chiếu cuốn phim “The Interview”.
Quý độc giả có thể vào link sau đây để xem phim, có phụ đề Việt ngữ:

http://phimvipvn.net/xem-phim/cuoc-phong-van-the-interview.61252/

Lời Bàn:
Nhiều kỹ sư điện toán nhà nghề cho rằng, vụ Hackers tấn công hãng phim Sony không phải do Bắc Hàn ra tay như người ta tưởng, mà chắc chắn có là chú “Ba đỏ”ở đằng sau giấu mặt hỗ trợ, bởi Bắc Hàn chưa đủ trình độ kỹ thuật, nhất là trên lãnh vực tin học, để có thể xuống núi phá tới Hoa Kỳ.
3) TT OBAMA & TT PUTIN

PUTIN
TT Obama nói rằng những khó khăn kinh tế của Nga cho thấy Tổng thống Putin đã không điều hành đất nước hay hơn ông. Trong cuộc phỏng vấn được truyền hình hôm Chủ nhật ở Hoa Kỳ, TT Obama bác bỏ ý niệm cho rằng ông Putin là một “kiện tướng cờ vua”, đã tỏ ra là tay cừ chiến thuật hơn Hoa Kỳ và các nước đồng minh Tây phương trong vụ giằng co về lãnh thổ ở Ukraine.
TT Obama nói rằng, ông Putin đang đứng trước tình trạng “một cuộc khủng hoảng tài chánh nghiêm trọng, và tình trạng suy giảm kinh tế tụt hậu.” Đồng tiền Nga lâm vào khủng hoảng sau một loạt biện pháp trừng phạt do Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu (EU) áp dụng đối với Nga vì hành động sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ Nga hồi đầu năm nay.
Trong một cuộc họp báo cuối năm 2014, Tổng thống Putin vẫn tỏ ra thách thức, bất kể nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế do dầu rớt giá và giá trị đồng rúp đã giảm 50%. Tuần qua, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng tăng, ông Putin thúc giúc dân Nga chuẩn bị “chịu đựng một số khó khăn” trong những ngày tháng sắp tới. Ông nói rằng Nga sẽ không chùn bước trong việc “hỗ trợ cho đồng bào” ở bán đảo Crimea của Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga hứa sẽ trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Chính phủ Ukraine, khối EU và Hoa Kỳ tố cáo Nga tiếp tay châm ngòi bạo động ở Ukraine và võ trang cho thành phần ly khai gần biên giới Nga mưu tìm quy chế tự trị. Moscow phủ nhận võ trang cho phiến quân và một mực cho rằng việc sáp nhập Crimea hồi tháng 3 chỉ sau khi cuộc trưng cầu dân ý cho thấy phần lớn người dân ở Crimea muốn trở thành một phần của nước Nga.
Nguyên nhân của việc đồng rúp mất giá, theo TT Putin là do “tác động của giới đầu cơ và chính sách của phương Tây”. Giá dầu thế giới giảm và tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow, khiến đồng rúp mất giá đến 50% từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, tình trạng hoảng loạn hay bất ổn ở Nga vẫn chưa hề xảy ra, theo Reuters. Khác với cuộc khủng hoảng năm 1998, Moscow không hề có cảnh chen lấn đổi ngoại tệ và tranh giành mua bán thực phẩm trên đường phố.
Ông Lev Gudkov, người đứng đầu Trung tâm Thăm dò Dư luận hoạt động độc lập Levada nói rằng khả năng dự trữ của Nga ít nhất còn trụ được từ nửa năm đến hai năm nữa. Ông Gudkov cho rằng “những dấu hiệu bất mãn” sẽ chỉ xuất hiện sau mùa xuân năm tới. Khoảng thời gian như vậy đủ để ông Putin và chính quyền thay đổi tình hình, truyền thông phương Tây nhận định.
Như vậy, phương Tây đã nhìn thấy điểm yếu của kinh tế Nga: Một nền công nghiệp hụt hơi và quá phụ thuộc vào ngành năng lượng (dầu thô). Khi các lệnh cấm vận của phương Tây chưa thể khuất phục được TT Putin trong vấn đề khủng hoảng Ukraine, Mỹ và đồng minh Saudi Arabia đã quyết định gây hại cho nền kinh tế Nga bằng cách đẩy giá dầu đi xuống, dù cả hai biết rằng họ cũng sẽ chịu tác động xấu bởi giá cả.
Ngoại trưởng (Mỹ) John Kerry tuyên bố Moscow có thể “cải thiện” cuộc khủng hoảng hiện tại nếu Tổng thống Putin “có những giải pháp tích cực giúp ổn định tình hình Ukraine”. Nhưng Moscow vẫn luôn bác bỏ các cáo buộc cho rằng Nga hỗ trợ cho phe ly khai ở Ukraine.
Nga hiện không còn nhiều lối thoát đối với thị trường tiền tệ. Với mức lãi suất lên tới mức đỉnh, Nga chỉ còn hai lựa chọn: Để đồng ruble thả nổi, tự tìm đến một điểm cân bằng mới hoặc kiểm soát thị trường vốn. Đó đều là những lựa chọn không mong muốn mà Mosvow vẫn phải nghĩ tới, nếu đồng rúp vẫn tiếp tục đà lao dốc.
COI CHỪNG PUTIN, CON GẤU BỊ THƯƠNG
Cách đây tám tháng, chính phủ Mỹ từng nói, các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Putin chỉ làm tổn thương Nga đôi chút, nhưng đến hiện tại, giá dầu rơi tự do, đồng rúp sụp đổ và quốc gia Nga đối đầu với một cuộc suy thoái, thậm chí trầm trọng, đã làm cho cả thế giới hiểu rõ tại sao có trận chiến dầu hỏa.
Đây có lẽ đúng với khuyến cáo của chính phủ Mỹ và các nhà đầu tư. Ông Putin giống hệt như một nhà độc tài thuộc thế giới thứ ba, chứ không phải là một chính khách của một nước có tự do dân chủ, văn minh khác. Ông đã thực thi quyền lực của mình bằng mật vụ, củng cố quyền lực với vòng tay của những người ủng hộ siêu giàu có, và ông đã nhốt đối thủ chính trị đối lập một cách ngang nhiên.
Ông Putin có quyết tâm sắt đá, với một quân đội hùng mạnh, trang bị bom nguyên tử. Nhưng rõ ràng và đáng sợ theo như hồ sơ theo dõi của Putin, chính quyền Obama và thậm chí cả các nhà đầu tư vẫn chưa chuẩn bị các mức độ thiệt hại cho những nước láng giềng… Không có gì nguy hiểm hơn khi một con thú bị thương. Vladimir Putin đã bị thương và không hề biết kềm chế.
Toàn bộ cuộc phiêu lưu của ông tại Ukraine năm nay là có thể nghiệm ra về cách phá hoại và không thể đoán trước được Putin muốn làm gì. Nhưng tất cả đã xảy ra khi giá dầu giao dịch ở mức trên 100 USD/thùng. Vì vậy, ông có thể làm gì bây giờ? “Một liều ba bảy cũng liều”. Có người cho rằng, Ông Putin có thể trả đũa bằng cách tấn công các trang mạng của EU và Hoa Kỳ; quốc hữu hóa các công ty đầu tư ngoại quốc; cắt đứt các phần năng lượng còn lại của Âu châu; tấn công vào Ukraine và các nước láng giềng, có thể chơi luôn vài quả nguyên tử (nhỏ) nếu con gấu ấy điên hơn hiện tại.
Lời bàn: Thế giới đang hồi hộp, nhiều lo lắng vì con gấu bắc cực đã và đang biến thành con chó sói đói mồi sau trận thư hùng với Hoa Kỳ và EU trong gần một năm qua.
4) Quà Noel cho CĐNVTD:
“Đạo luật “Hành trình tìm Tự do” S-219 của Canada.

OTT0126-throne
Đạo luật S-219 do Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải bảo trợ, đã được Thượng viện Canada thông qua, bất chấp sự phản đối của Đại sứ CSVN Tô Anh Dũng.
Mới đây phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (CSVN), đã gửi thư tới Chính phủ Canada bày tỏ sự lo ngại về dự luật, có thể gây trở ngại cho vấn đề ngoại giao giữa hai nước Canada và VN.
Dĩ nhiên bọn CSVN lo ngại cũng đúng, vì qua đạo luật này, người Việt Nam trong nước, sinh sau 1975 và cộng đồng quốc tế, sẽ hiểu rõ hơn tại sao hơn 2 triệu người VN đã phải bỏ nước ra đi tìm tự do sau ngày 30-4-75 khi bọn Cộng Sản Bắc Việt vi phạm hiệp định Paris, cưỡng chiếm miền Nam VN.
Bọn chúng càng la làng thì người ta càng nói đến đạo luật trên. Từ sau 1975, CĐNVTD Hải ngoại chỉ đứng trong thế bị động, chỉ phản ứng khi bọn CSVN tung ra nghị quyết 36 để đánh phá, gây chi rẽ người Việt hải ngoại. Do đó, có thể nói, đây là lần đầu tiên, CĐNVTD ở thế chủ động và bọn VC bị trúng đòn chí tử qua ĐL S-219. Được biết dự luật S-219 sẽ được Hạ Viện Canada mang ra biểu quyết vào đầu năm 2015.
Cũng thật là vinh dự và đáng để cho chúng ta tự hào là cộng đồng Việt hôm nay tại Canada có đựơc một dự luật cho Ngày Quốc Hận 30 tháng 4 mà không có một cộng đồng người Việt nào hiện sống tại các Quốc Gia khác có được. Có thể xem đây là một sự kiện lịch sử, để ghi nhớ ngày mà Quê Hương chúng ta bị Việt cộng cưỡng chiếm bằng bạo lực, buộc chúng ta phải bỏ Nước ra đi. Thành quả nầy là do sự đóng góp của cộng đồng Việt chúng ta tại Canada và quan trọng hơn cả là nhờ sự can thiệp của TNS Hải. Không có ông có lẽ là chúng ta chưa có được dự luật nầy.
Tiếp xúc với báo giới Việt ngữ, TNS NT Hải nói: “Tôi dự định đưa Dự luật S-219 này ra biểu quyết vào tháng 10 năm 2013. Nhưng sau khi bàn thảo với một số chiến hữu, tôi quyết định giữ lại để xin biểu quyết cuối năm 2014 và đầu năm 2015 chuyển qua Hạ Viện. Nếu được Hạ Viện chấp thuận, thì đây cũng là dịp chúng ta tưởng niệm 40 năm Quốc Hận, ngày lìa bỏ quê hương ra đi tìm tự do, tức là đúng thời điểm 40 năm.”
Dự luật này là “để tưởng nhớ làn sóng hai triệu người Việt đã ra đi tim tự do; tưởng niệm 250.000 người chết trên biển cả; để cám ơn Canada nhận 300.000 người tỵ nạn và để cám ơn chính phủ, nhân dân Canada đã mở rộng vòng tay đón tiếp chúng ta…” . Tuy nhiên trong cái “preambule” lời nói đầu của tôi thì tôi để là đa số người Việt Canada đều coi ngày 30 tháng 4 năm 75 là “Black April Day”, Ngày của Tháng Tư Đen. Một số người thì cứ khăng khăng nói rằng ngày 30 tháng 4 là ngày quốc hận. Cộng đồng mình muốn dùng chữ 30 tháng 4 hay gì cũng được hết, khi đã được công nhận rồi thì mình có thể nói Ngày 30 tháng Tư Đen hoặc Ngày Quốc Hận cũng được như thường (Thượng Nghị Sĩ trả lời cô Thanh Trúc, Đài Á Châu Tự Do).
Xin cám ơn Thượng viện Canada, nhất là TNS Ngô Thanh Hải, đã tặng cho tất cả người VN trong cũng như ngoài nước, một món quà Giáng Sinh và năm mới 2015 thật quý giá.
Nam Giao,TL,
– Tổng hợp và nhuận sắc báo đài Việt và Anh ngữ thế giới.