Có phải chăng Trung Cộng đã là một siêu cường quốc về mọi lãnh vực quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, v.v…?
Câu trả lời là không.
Như vậy tại sao Trung Cộng trở nên hung hăng với tham vọng bành trướng bá quyền trong thời gian gần đây?
Sau cuộc chiến tranh Trung-Việt năm 1979, Đặng Tiểu Bình thấy rõ Quân Đội Nhân Dân Giải Phóng của họ còn nhiều khiếm khuyết, từ tổ chức đơn vị (một đại đội lên tới 500 quân), chiến thuật hành quân không năng động (phối hợp giữ bộ binh với thiết giáp và không quân không đồng nhịp), quân trang, quân dụng, vũ khí, đạn dược lỗi thời không thể đáp ứng được nhu cầu chiến trường trước đà tiến hoá của thế giới.
Cuộc chiến Trung-Việt năm 1979, được Đặng Tiểu Bình gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học”, nhưng chính từ đó Trung Cộng nghiệm ra một bài học cho chính mình, là cần phải canh tân quân đội. Nhưng muốn thực hiện chương trình canh tân phải có tiền, Đặng Tiểu Bình quyết định từ bỏ tư duy cổ lổ, trói buộc bởi ý thức hệ Cộng Sản với câu phát biểu để đời trước đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc: “Không cần biết con mèo đen hay mèo trắng, miễn con mèo nào bắt được chuột”, để thuyết phục các đồng chí của mình chấp nhận bắt tay với Tư Bản Gộc Hoa Kỳ. Chính nhờ vậy, tư bản Hoa Kỳ nhảy vào đầu tư ào ạt vì nguồn nhân công rẽ mạt để thu nhiều lợi nhuận, ngược lại Trung Cộng có cơ hội tiếp xúc, học hỏi được kỹ thuật cao qua việc chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cho du sinh viên Trung Cộng đến học các trường Đại Học của Hoa Kỳ và nhờ vậy ngày nay Trung Cộng có một đội ngũ chuyên viên giỏi và nền kinh tế phát triển vượt bực, đã giúp cho chính quyền Trung Cộng có một ngân sách thặng dư, thừa sức thực hiện canh tân quân đội như ý muốn.
- I. Đảng Và Nhà Cầm Quyền Cộng Sản Việt Nam Đã Bỏ Qua Nhiều
Cơ Hội Đưa Đất Nước, Dân Tộc Đến Phồn Vinh Và Bảo Vệ Được Sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ, Lãnh Hải Của Tổ Quốc.
Sau khi cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam tháng 4 năm 1975, vì tự mãn với hào quang chiến thắng, thành phần lãnh đạo CSVN lúc bấy giờ đã bỏ lỡ cơ hội có thể tránh được cuộc chiến tranh với Trung Cộng năm 1979, có điều kiện xây dựng lại hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế và đã không có nạn đói trong thập niên 80. Bởi năm 1977, Hoa Kỳ đã tiếp xúc với CSVN đề nghị thiết lập bang giao, nhưng CSVN nhất quyết đòi Hoa Kỳ phải bồi thường chiến tranh, thay vì viện trợ tái thiết như Hoa Kỳ đề nghị (1), chuyện thảo luận dằng dai kéo dài cho nên việc bang giao chưa thực hiện được. Nhưng sau đó, CSVN nhìn rõ lợi thế khi bang giao với Hoa Kỳ, có thể hóa giải được áp lực của Trung Cộng, nên CSVN bỏ điều kiện tiên quyết đòi bồi thường chiến tranh, nhưng không xúc tiến thủ tục và ấn định ngày giờ ký kết bình thường hóa bang giao. Mãi sau khi Lê Duẫn và CSVN ký kết hiệp ước Liên Minh Quân Sự với Liên Sô ngày 3 tháng 11 năm 1978 tại Moscow, mới liên lạc với Hoa Kỳ để xúc tiến ký kết hiệp ước bang giao, nhưng Hoa Kỳ từ chối. Vì lúc bấy giờ Hoa Kỳ đã thuyết phục được Trung Cộng đứng về phía mình để chống Liên Sô. Ngoài ra Trung Cộng cũng là một thị trường tiêu thụ và đầu tư rộng lớn, béo bở cho các đại tư bản Hoa Kỳ. Trong khi CSVN đứng hẳn về phía đối thủ của Hoa Kỳ, qua hiệp ước Liên Minh Quân Sự vừa ký kết với Liên Sô.
Đây là lần thứ nhứt đảng và nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bỏ qua cơ hội xây dựng đất nước sau chiến tranh và cũng tránh được cuộc chiến Trung-Việt nếu bang giao với Hoa Kỳ để cân bằng thế lực và xây dựng kinh tế.
Sau cuộc chiến Việt-Trung những người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã không học được một bài học nào?! Chính nước đồng chí cật ruột có chung ý thức hệ Cộng Sản đã giáng lên đầu một đòn chí tử, với hơn 30 ngàn quân, dân, cán chính của dân tộc Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến đấu, chống quân thù xâm lược để bảo vệ tổ quốc. Do hậu quả, Đảng Cộng Sản và nhà cầm quyền Việt Nam từ chối lời mời liên minh quân sự với Trung Cộng, lại ký hiệp ước liên minh quân sự với Liên Sô, trong khi giữa Liên Sô và Trung Quốc đang dàn quân kình chống vì tranh chấp biên giới giữa hai nước đàn anh Cộng Sản này. Đó là nguyên nhân sâu xa chính, đưa đến cuộc chiến Việt-Trung vì Trung Cộng cảm thấy bị bao vây.
Nhưng khi Trung Cộng tấn công Cộng Sản Việt Nam, trong lúc VN là đồng minh của Liên Sô, vừa ký kết hiệp ước Liên Minh Quân Sự, mà không một quân nhân nào của Liên Sô có mặt trong cuộc chiến này, bỏ mặc cho Cộng Sản Việt Nam một mình chống đở. Tệ hại nhứt là khi Hải Quân Liên Sô đang đóng tại Quân Cảng Cam Ranh, năm 1984, Hải Quân Trung Cộng đánh chiếm đảo Gạc Ma và một số đảo khác của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa, Liên Sô bình chân như dại như không có chuyện gì xảy ra trong khi hiệp ước liên minh quân sự giữa Liên Sô và Việt Nam còn rõ mực chưa bị phủ bụi thời gian.
Đáng lý ra với thời gian dài như vậy để các nhà lãnh đạo CSVN suy ngẫm nhân tình thế thái về chủ nghĩa Cộng Sản, để tìm lối sinh tồn cho dân tộc, nhưng họ vẫn tiếp tục ngụp lặn trong vũng lầy bóng tối của chủ nghĩa này. Nhứt là sau khi chiếc nôi của chủ nghĩa Cộng Sản tại Liên Sô sụp đổ, dân tộc Liên Sô và Đông Âu ý thức được chủ nghĩa Cộng Sản không đem lại phúc lợi cho dân tộc nên đã dứt khoát từ bỏ và chấp nhận chế độ tự do dân chủ với nền kinh tế thị trường đã được các quốc gia Tây Phương và Hoa Kỳ giúp đở, nên nền kinh tế và hệ thống xã hội phát triển vững mạnh như chúng ta thấy ngày nay. Đáng lẽ thành phần lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải noi theo gương các quốc gia Đông Âu, mở hướng sinh lộ cho dân tộc, chấp nhận chế độ Tự Do Dân Chủ, đi với các quốc gia Tây Phương và Hoa Kỳ, tạo điều kiện đoàn kết quốc gia dân tộc, xây dựng đất nước, phát triển kinh tế trong nền kinh tế thị trường để đủ tài chánh xây dựng lại hạ tầng cơ sở xã hội, dân sinh và canh tân quân đội hầu đáp ứng nhu cầu bảo vệ đất nước trước tham vọng bành trướng của Trung Cộng.
Đảng và nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam lại bỏ lở cơ hội lần thứ hai, thay vì chọn sinh lộ cho dân tộc, thành phần lãnh đạo CSVN đã chọn con đường thần phục kẻ thù, trở lại quỳ lụy nối lại bang giao với Trung Cộng năm 1990, vì đã mất chỗ dựa sau khi Liên Sô sụp đổ, để bảo vệ quyền lực của đảng mà quên đi mối nguy mất nước.
Chính thái độ quỳ lụy và nhượng bộ các yêu sách của Trung Cộng qua các hiệp ước phân định lại biên giới vùng vịnh Bắc Việt, biên giới đất liền năm 1999 và 2000, làm mất hàng nghìn cây số vuông lãnh hải, hàng nghìn cây số vuông lảnh thổ, nhiều làng cư dân Việt Nam bị lọt qua bên kia biên giới Trung Cộng, phân nữa thác Bản Gióc cũng bị mất, v.v..
Trong năm 1993, tình báo Hoa Kỳ đã lấy được tài liệu luân lưu trong giới lãnh đạo chính trị cũng như quân đội Trung Cộng liệt kê các nước thù địch, ngăn cản bước tiến của họ cần phải triệt tiêu, kẻ thù số 1 là Hoa Kỳ và kẻ thù số 2 là Việt Nam, …. được đăng trên tờ New York Times và sau đó được đăng lại trong nhật báo Houston Chronicle.
CSVN phải biết đến tài liệu này, thế mà đảng và nhà cầm quyền CSVN vẫn nghĩ rằng họ tỏ thái độ thuần phục, trung thành sẽ được Trung Cộng buông tha qua tinh thần hữu hảo với biểu tượng “4 Tốt 16 Chử Vàng”
Với tham vọng bành trướng muôn đời của dân tộc Hán, cùng thái độ ươn hèn mại quốc cầu vinh của thành phần lãnh đạo CSVN là động cơ thúc đẩy Trung Cộng càng ngày càng lấn chiếm lãnh thổ, biển đảo Việt Nam.
- II. Tại Sao Trung Cộng Càng Ngày Càng Trở Nên Hung Hăng?
Có phải chăng sau hơn hai thập niên canh tân, với đội ngũ quân đội được trẻ trung hóa cùng số lượng vũ khí khổng lồ, quân nhu, quân dụng, phi cơ, tàu chiến tối tân, Trung Cộng đã tự tin mình đã trở thành siêu cường số một thế giới?
Nhân dân Trung Quốc có thể nghĩ như vậy, nhưng chắc chắn thành phần lãnh đạo chính trị và quân đội Trung Cộng hiểu rõ mình hơn ai hết. Họ có thể là một siêu cường đối với các quốc gia Đông Nam Á và các nước có cùng chung biên giới. Nhưng tại sao họ lại bộc lộ tham vọng quá sớm và trong những năm gần đây lại trở nên hung hăng, tỏ ra sẵn sàng thực hiện yêu sách biến Biển Đông thành ao nhà của họ bất kể luật quốc tế về biển mà họ đã ký kết “công ước quốc tế về biển năm 1982”?
- Giải Quyết Khủng Hoảng Nội Bộ
Chúng ta nhìn qua chính tình nội bộ Trung Cộng, nhứt là từ khi Tập Cận Bình và phe nhóm ông ta trước khi nắm quyền lực.
Sự chuẩn bị cho Tập Cận Bình lên thay thế đã vấp phải nhiều trở lực ngấm ngầm chống đối, lực lượng nặng ký nhứt là cánh Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang. Vì vậy sau khi nắm được quyền lực, cánh Tập Cận Bình cần phải củng cố thế lực, qua chiêu bài Bài Trừ Tham Nhũng để loại vây cánh Chu Vĩnh Khang, nạn nhân đầu tiên là Bạc Hy Lai và kế tiếp là các nhân vật cao cấp trong đảng thân cận với Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai, cuộc thanh trừng nội bộ này đã gây phẩn nộ, chia rẽ trầm trọng đảng Cộng Sản Trung Quốc và đã có nhiều tin đồn Đảo Chánh. Cộng thêm nhiều bất ổn an ninh với phong trào đòi quyền ly khai, tự trị của Vùng Tây Tạng, Tân Cương. Với sự phản đối tự thiêu của các sư sải Tây Tạng và nhứt là sắc dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị kỳ thị, phân biệt chủng tộc. Sự bất bình của người dân bản xứ Tân Cương gốc Duy Ngô Nhĩ càng dâng cao trước cuộc di dân ồ ạt của người gốc Hán vào Tân Cương sau khi chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách “Phát Triển Miền Tây” và xây dựng một loạt cơ sở hạ tầng cùng hệ thống đường rầy xe lửa tới Tân Cương và Tây Tạng. Thế nhưng người Duy Ngô Nhĩ bản xứ cho rằng chỉ có người Hán di cư được lợi từ các chính sách này, trong khi bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống của họ bị sói mòn. Vì vậy, sự phản đối của họ trở nên bạo trợn hơn, những vụ đâm chém, nổ bom giết hại người gốc Hán càng ngày càng gia tăng khắp nơi, cả ngay Công Trường Thiên An Môn cũng đã xảy ra vụ xe bom tự sát.
Ngoài ra với sự phát triển kinh tế ào ạt, làm mất quân bình xã hội, chỉ có một thiểu số vùng duyên hải, 200 triệu dân được hưởng lợi ích của công cuộc phát triển kinh tế này, còn hơn 1.1 tỷ người dân còn lại, sống trong nghèo khốn lạc hậu, bậc thang giàu nghèo càng ngày càng cách xa, sự bất mãn của mọi tầng lớp dân chúng trước vấn nạn tham nhũng của thành phần cán bộ đảng viên Cộng Sản Trung Quốc càng lớn dần.
Cộng thêm phong trào đòi Nhân Quyền, Dân Chủ, lan tràn trong mọi tầng lớp trung lưu, trí thức là một đe dọa rất lớn đến quyền lực của đảng và nhà cầm quyền Cộng Sản Trung Quốc hiện nay. Chính vì vậy, Tập Cận Bình và thành phần lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc phải khơi động lòng yêu nước của toàn dân để họ quên đi thực trạng và chỉ chú tâm đến công cuộc bảo vệ chủ quyền Biển Đảo truyền thống của tổ tiên để lại (đó là sự tuyên truyền nhồi sọ của đảng và nhà cầm quyền Trung Cộng trong mấy chục năm nay). Cho nên đảng và nhà cầm quyền Trung Cộng muốn hướng dư luận quần chúng quên thực trạng, chú ý đến biến động dồn dập bên ngoài để tạm thời ổn định tình thế chính trị nội bộ.
- Trung Cộng Chơi Trò Chơi Con Dao Hai Lưỡi.
Trung Cộng hiểu mình hơn ai hết, cho nên bề ngoài tỏ ra hung hăng, cứng rắn nhưng luôn theo chính sách “Mềm Nắm Rắn Buông”. Vì vậy, trước đây khi thấy Phi Luật Tân quá yếu nên đã gây hấn, lấn chiếm biển đảo, nhưng Phi Luật Tân dù quân sự yếu kém, nhưng trong chế độ Tự Do Dân Chủ, chính quyền Phi Luật Tân không thể ươn hèn, tương nhượng mà phải phản ứng cứng rắn vì đó là ý nguyện của toàn dân. Cùng sự lên tiếng của Hoa Kỳ cho biết Hiệp Ước Liên Minh Quân Sự giữa Hoa Kỳ và Phi Luật Tân dù sau 59 năm vẫn còn giá trị, thì Trung Cộng giảm nhiệt ý đồ tranh chấp, gây hấn, họ quay sang hâm nóng lại cuộc tranh chấp đảo không người ở, Senkaku/Điếu Ngư với Nhựt Bổn, đưa ra vùng nhận dạng Biển Hoa Đông và cho tàu thuyền, chiến đấu cơ thỉnh thoảng xâm phạm hải và không phận Nhựt Bổn.
Chuyến công du của Thổng Thống Hoa Kỳ Obama đến 4 nước: Nam Hàn, Nhựt Bổn, Nam Dương và Phi Luật Tân đã đưa ra tuyên bố cứng rắn và cho biết đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong sự bảo vệ của Hiệp Ước Liên Minh Quân Sự giữa Nhựt và Hoa Kỳ. Cũng như tại Phi Luật Tân, Tổng Thống Obama tuyên bố cam kết bảo vệ đồng minh Phi Luật Tân trước vấn nạn bị xâm lăng, sau khi Hoa Kỳ và Phi Luật Tân ký kết hiệp ước Quân Sự, dành quyền cho Hoa Kỳ được xử dụng các căn cứ quân sự, phi trường, hải cảng để luân chuyển quân trong 10 năm.
Với tình thế khó khăn đó và trước thái độ quyết liệt của Hoa kỳ, nhà cầm quyền Trung Cộng không thể lấn áp Phi Luật Tân, nên hướng sự chú ý của quần chúng đến sự tranh chấp mới với Nam Dương qua việc in vào hộ chiếu hình biển đảo của Nam Dương trong đường chín khúc lưởi bò. Tiếp theo, TC di chuyển giàn khoan HD-981 vào vùng lãnh hải của Việt Nam đã tạo được một biến cố quan trọng trong dư luận quần chúng nhân dân Trung Cộng, một biến cố làm cho họ có thể quên đi thực trạng của nội tình chính trị Trung Quốc. Nhưng đồng thời trên chính trường ngoại giao thế giới, Trung Cộng bị dư luận lên án mạnh mẽ hành động hung hăng và vô nhân đạo khi họ đụng chìm tàu của ngư dân Việt Nam trong vùng tranh chấp.
Nếu Trung Cộng hung hăng đến mức độ nguy hiểm cho lộ trình hàng hải trong vùng Biển Đông, có thể Hoa Kỳ và Âu Châu sẽ cấm vận ngưng giao hoán thương mại, hậu quả sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của Trung Cộng. Vì thị trường tiêu thụ hàng hóa của Trung Cộng lệ thuộc hoàn toàn về xuất cảng trong khi thị trường nội địa quá eo hẹp vì đa số nhân dân Trung Quốc còn quá nghèo. Nếu như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng hệ thống sản xuất sẽ bi tê liệt, nạn thất nghiệp sẽ lên hai, ba trăm triệu người, bất mãn bạo loạn sẽ xảy ra, chắc chắc quân đội và công an Trung Cộng không thể ngăn chặn được.
- III. Kết Luận
Trung Cộng không bao giờ ngừng âm mưu lấn chiếm biển đảo Việt Nam, nhưng trước đây Trung Cộng áp dụng chính sách mềm dẻo xâm thực theo kiểu tầm ăn dâu, cố ve vuốt Cộng Sản Việt Nam qua chiêu bài hai nước anh em cùng chung ý thức hệ, nên đặt “Đại Cục” lên trên tranh chấp và thiết lập đường dây “Điện Thoại Đỏ” để giải quyết cấp tốc những hiểu lầm, cố để Cộng Sản Việt Nam không thoát khỏi vòng ảnh hưởng của TC.
Đây cũng là lý do tại sao trong diễn văn khai mạc “Ban Chấp Hành Trung Ương kỳ 9” của đảng Cộng Sản Việt Nam, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo cao nhứt trong hệ thống chính trị CSVN, không hề đề cập đến việc Trung Cộng xâm lăng lãnh hải Việt Nam, dù Nguyễn Phú Trọng đã dùng đường dây Điện Thoại Đỏ gọi Tập Cận Bình để giải quyết bất đồng, nhưng không được tiếp.
Trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp đảng CSVN, chỉ có Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng dám mạnh dạn lên án hành động xâm lăng của Trung Cộng tại Hội Nghị Thương Đỉnh khối ASEAN tại Miến Điện và mới đây tại Diễn Đàn Kinh Tế Đông Á tại Phi Luật Tân, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng công khai tuyên bố Trung Cộng là mối đe dọa an ninh khu vực và thế giới..
Điều này cho chúng ta thấy vì cùng chung ý thức hệ Cộng Sản, đã trói buộc đảng CSVN luôn luôn lệ thuộc vào Trung Cộng trong đường lối ngoại giao, bởi truyền thống trong hệ thống Cộng Sản Quốc Tế mà đảng CSVN bị thấm nhuần hơn nửa thế kỷ qua. Con đường quỳ lụy, tương nhượng của thành phần lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam bấy lâu nay không còn hiệu lực.
Trong khi Trung Cộng hung hăng bộc lộ rõ tham vọng bá quyền, phá vỡ cam kết giữa hai lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam, Trung Cộng vẫn còn miệng lưỡi ru ngủ thành phần lãnh đạo CSVN qua việc Thường Vạn Toàn, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Cộng còn nhắc nhở Phùng Quang Thanh, Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam phải đặt Đại Cuộc lên trên. Và sau cuộc biểu tình bạo loạn tại Bình Dương và Hà Tĩnh, Bộ Trưởng Công An Trung Quốc gọi Bộ Trưởng Công An Việt Nam khuyên nên trấn áp biểu tình để giữ sự ổn định và CSVN đã thi hành.
Trước nguy cơ mất biển đảo dưới tham vọng bành trướng của Trung Cộng, trong khi Việt Nam còn quá yếu so với sức mạnh quân sự của Trung Cộng, Việt Nam hơn lúc nào hết, cần quy động tinh thần yêu nước, sức mạnh toàn dân để bảo vệ Tổ Quốc trước hiễm hoạ xâm lăng.
Và thành phần lãnh đạo CSVN, phải hiểu rõ chỉ có Tây Phương và Hoa Kỳ mới có thể giúp Việt Nam ngăn chận được tham vọng bành trướng của Trung Cộng qua một hiệp ước Liên Minh Quân Sự và chấp nhận bán võ khí tối tân. Nhưng hiện nay, mức độ tin cậy của Hoa Kỳ đối với CSVN còn quá thấp bởi hai hệ thống chính trị khác biệt Tự Do và Độc Tài Cộng Sản, vì e ngại kỹ thuật của võ khí tối tân của Hoa Kỳ có thể lọt vào tay Trung Cộng nếu Việt Nam còn lệ thuộc ý thức hệ Cộng Sản với Trung Cộng.
Đây là cơ hội cuối cùng mà thành lãnh đạo CSVN phải bắt lấy để bảo vệ tổ quốc, với quyết tâm tạo độ tin cậy đối với Hoa Kỳ là phải từ bỏ chế độ độc tài Cộng Sản, chấp nhận Tự Do Dân Chủ, để đánh đổi sự trợ giúp của Hoa Kỳ với hiệp ước Liên Minh Quân Sự. Bởi, cho dù Hành Pháp Hoa Kỳ có nhu cầu ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi chiến lược quân sự và kinh tế của mình tại Biển Đông, ký kết hiệp ước anh ninh với CSVN, nhưng chắc chắn khó thông qua Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ vì CSVN còn trong chế độ độc tài Cộng Sản, vi phạm nhân quyền.
Nếu thành phần lãnh đạo CSVN còn e dè thực tâm của Hoa Kỳ, thì hãy lựa chọn giữa cái xấu ít nhứt là đi với Hoa Kỳ vì không biết hậu quả về lâu về dài ra sao? Và cái xấu nhứt là không đủ thực lực bảo vệ tổ quốc trước họa xâm lăng của Trung Cộng.
Và hãy nhớ rằng từ ngày lập quốc cho tới nay, Hoa Kỳ chưa từng xâm chiếm lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, chỉ có lý tưởng truyền bá Tư Tưởng Dân Chủ, Tự Do cho các dân tộc còn trầm luân trong các chế độ độc tài, được hưởng quyền sống đúng ý nghĩa con người mà Thượng Đến ban cho.
Houston, ngày 30 tháng 5 năm 2014
Lê Phát Minh
Nguyên Chủ Tịch UBCHTƯ/Liên Minh Dân Chu Việt Nam
Chú thích
(1)Năm 1977, khi Jimmy Carter nhậm chức Tổng Thống, ông đã nỗ lực đẩy mạnh việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Tháng 3 năm 1977, Carter gửi một phái đoàn sang Hà Nội để bàn về việc nối lại bang giao. Ngày 17 tháng 3 năm 1977, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh đã tiếp ông Leonard Woodcock đặc phái viên của Tổng thống Mỹ. Ngày 4 tháng 5 năm 1977, chính quyền Carter đồng ý để Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc.
Ngày 3 tháng 5 năm 1977, phiên đàm phán đầu tiên giữa hai phái đoàn Việt Nam – Hoa Kỳ đã diễn ra tại Paris. Phía Việt Nam khăng khăng đòi Mỹ phải chi 3,25 tỷ đô-la bồi thường chiến tranh [1]. Phía Hoa Kỳ đề nghị bình thường hóa trước, viện trợ sau. Trưởng đoàn đàm phán Phan Hiền báo cáo với ông Nguyễn Cơ Thạch, ông Thạch thuyết phục Bộ Chính trị nhưng không được.