Và Tại Sao Tổng Thống Obama Ban Hành Sắc Lệnh Hành Chánh Về Di Dân Vừa Qua?
Lê Phát Minh
Trong sáu năm cầm quyền, Tổng Thống Obama với sự hỗ trợ của các vị dân cử lưỡng viện quốc hội, đảng Dân Chủ gần như tuyệt đối trên mọi lãnh vực, nhưng các chính sách này đã đưa ra một số đề án gây thiệt hại cho quyền lợi lâu dài của đất nước Hoa Kỳ về đối ngoại, quốc phòng, kinh tế, di dân. Đặc biệt là về chính sách thuế khóa, y tế, an sinh xã hội với khuynh hướng thiên về chủ nghĩa Xã Hội như Âu Châu đã làm cho đời sống kinh tế giới trung lưu gặp nhiều khó khăn hơn.
Về khiếm ngạch ngân sách dưới thời Tổng Thống George W Bush trong 8 năm cầm quyền tạo khiếm ngạch tăng từ 6.6 tỷ lên 10.3 ngàn tỷ, do hậu quả hai cuộc chiến tranh Afganistan và Iraq đã bị đảng Dân Chủ và Tổng Thống Obama chỉ trích trong thời kỳ tranh cử năm 2008 và hứa sẽ quân bình ngân sách nếu ông đắc cử. Nhưng sau 6 năm Tổng Thống Obama cầm quyền, khiếm ngạch ngân sách tăng từ 10.3 ngàn tỷ lên 16.757 ngàn tỷ. Trong khi khiếm ngạch ngân sách vượt quá mức nợ nần, Tổng Thống Obama vẫn tiếp tục chi quá tầm tay như trường hợp tài trợ cho chương trình Obama Care, di dân bất hợp pháp và nhiều chương trình không tối cần thiết trong khi tình trạng nền kinh tế đang suy trầm, làm cho công nợ quốc gia càng gia tăng, tạo gánh nặng lên vai cho thế hệ mai sau.
Mặc dù trong hai năm gần đây tỷ lệ thất nghiệp có xuống thấp, nhưng mức thu thập đem về cho ngân sách gia đình bị suy giảm rất nhiều so với trước đây vì ngạch thuế, chi phí bảo hiểm y tế gia tăng bởi luật thuế khóa và y tế do Tổng Thống Obama và lưỡng viện Quốc Hội do đảng Dân Chủ nắm đa số đưa ra và ban hành …..
Về xã hội, các giới lãnh đạo đảng Dân Chủ quá phóng khoáng về mặt đạo đức, chấp nhận hợp thức hóa kết hôn đồng tính luyến ái, phá thai, v.v…. là một gương xấu, khuyến khích tư tưởng băng hoại xã hội đất nước Hoa Kỳ giống như hậu quả của phong trào trụy lạc hippie của thập niên 60, 70 ở Bắc Mỹ và Tây Âu đã một thời làm đảo lộn, di hại xã hội Hoa Kỳ và Âu Châu trong một thời gian dài (sau này khi trưởng thành, nhiều thành viên của phong tào Hippie đã hối hận vì lầm lỡ đã hoang phí tương lai của họ).
Ngoài ra với những phán quyết của toà án đã ngăn chặn các đạo luật của chính quyền Tiểu Bang: ngăn cấm hôn nhân đồng tính luyến ái, phá thai, làm đảo ngược giá trị đạo đức xã hội …. Đứng trước những vấn nạn vừa nêu trên, đa số người dân Hoa Kỳ chợt giựt mình cho viễn ảnh một xã hội nhiều bất ổn mà con em của họ sẽ lãnh hậu quả bất cập ở tương lai. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua là dịp để cho cử tri thể hiện sự bất mãn đối với 6 năm cầm quyền của Tổng Thống Obama và đảng Dân Chủ, và các chánh án quá phóng khoáng đối với đạo đức xã hội, đó là nguyên nhân đã đưa đến điểm thắng lớn cho đảng Cộng Hòa, mặc dù mức tín nhiệm của dân chúng đối với cơ quan Lập Pháp rất thấp so với trong quá khứ.
Giá Trị Đạo Đức Ảnh Hưởng Một Phần Trong Cuộc Bầu Cử Vừa Qua?
Thông thường mọi người đều quan tâm đến kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội Tiểu Bang, Liên Bang, Thống Đốc hay Tổng Thống, ít khi quan tâm đến kết quả bầu cử hệ thống Tư Pháp. Tuy nhiên nếu chúng ta để ý đến kết quả cuộc bầu cử vừa qua, riêng về lãnh vực tư pháp gần như các chánh án thuộc đảng Cộng Hòa thắng đại đa số, chỉ một số nhỏ thuộc đảng Dân Chủ, có thể qúy vị này mặc dù là đảng Dân Chủ nhưng là cánh bảo thủ của đảng Dân Chủ. Riêng tại Texas hầu như chỉ một vài vị chánh án thuộc đảng Dân Chủ đắc cử.
Tại tiểu bang West Virginia, cô Saira Blair ứng viên của đảng Cộng Hòa, mới được tròn 18 tuổi vào tháng 7 năm nay (2014), là sinh viên năm thứ nhứt, thành tích chính trị ít người biết đến, trong khi đối thủ của cô là bà Layne Diehl một nữ luật sư nổi tiếng của đảng Dân Chủ. Nhưng cô Saira Blair lại đắc cử Dân Biểu Tiểu Bang vẻ vang với số phiếu thắng áp đảo 63%. Bởi trong cuộc tranh cử cô tỏ rõ lập trường bảo thủ, bảo vệ tu chính án số 2 (“Một đội dân quân được nghiêm chỉnh là rất cần thiết đối với an ninh của một quốc gia tự do, quyền của người dân được giữ súng, không được vi phạm.”) và chủ trương bảo vệ sự sống của thai nhi (pro-life), cô cổ võ phục hồi giá trị đạo đức nếp sống xã hội, cô kêu gọi thành phần trẻ hãy cùng nhau giữ vững niềm tin vào giá trị đạo đức trong cuộc sống để cùng nhau xây dựng lại xã hội lành mạnh hơn cho chúng ta và thế hệ mai sau. Cô đặt câu hỏi, nếu để cho những chủ trương quá phóng khoáng của đảng Dân Chủ tiếp tục ngự trị trên chính trường trong ngành Tư Pháp, Lập Pháp và Hành Pháp thì tương lai xã hội Hoa Kỳ đi về đâu? Cô Saira Blair là Dân Biểu Tiểu Bang trẻ nhứt của lịch sử Hoa Kỳ.
Còn cuộc tranh cử Dân Biểu Liên Bang tại khu vực 21 của tiểu bang New York, khu vực này trong 21 năm qua đảng Cộng Hòa không chen chân được, nhưng cuộc bầu cử vừa qua cô Elise Stefanik đảng Cộng Hòa thuộc thành phần trẻ, bảo thủ, chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính luyến ái, chủ trương bảo vệ giá trị đạo đức, đã thắng ông Aron Woolf ứng viên đảng Dân Chủ với tỷ lệ 55%.
Cô Elise Stefanik, 30 tuổi trở thành nữ Dân Biểu trẻ nhứt trong lịch sử Hoa Kỳ. Năm 1973 bà Dân Biểu Elizabeth Holtzman đảng Dân Chủ (New York) đắc cử năm 31 tuổi.
Trong cuộc tranh cử vừa qua, mặc dù Tổng Thống Obama muốn đến vận động cho các ứng viên đảng Dân Chủ nhưng hầu như các ứng viên này đều không muốn ông đến và cố xa lánh vì sợ bị ảnh hưởng xấu cho cuộc tranh cử của họ. Hai ngày trước ngày bầu cử, Tổng Thống Obama đến vận động tại Pennsylvania kêu gọi cử tri toàn quốc hãy đi bầu cho đông và nhớ dồn phiếu cho đảng Dân Chủ. Ông cho rằng nếu đảng Cộng Hòa thắng thì dự luật Di Trú sẽ gặp khó khăn? Chính lời kêu gọi này bị phản ứng ngược, vì các cuộc thăm dò cho thấy tại nhiều tiểu bang, ứng cử viên Thượng Nghị Sĩ và Thống Đốc của đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đang ngang ngửa, nhưng khi kết quả bầu cử, ứng viên đảng Cộng Hòa thắng từ 1 phần trăm đến 6 phần trăm như ở Georgia, North Carolina, Kentucky. Đặc biệt tại 3 tiểu bang được coi như là lãnh địa của đảng Dân Chủ, kết quả các Thống Đốc lại lọt vào tay ứng viên đảng Cộng Hòa như Illinois, Massachusetts, Maryland. Đó là hậu quả của Tổng Thống Obama và đảng Dân Chủ đã xem thường đối lập, vượt quá quyền hạn khi nắm được trọn vẹn cán cân quyền lực, Hành Pháp và Lập Pháp (Đa số lưỡng viện quốc hội) muốn lèo lái hệ tư tưởng truyền thống đã xây dựng xã hội đưa đất nước Hoa Kỳ trở thành đại siêu cường số một của thế giới, theo khuynh hướng Xã Hội theo kiểu Âu Châu, thì tương lai vị thế Hoa Kỳ sẽ đi về đâu?
Tổng Thống Obama
Nhìn vào quá trình con đường vào Tòa Bạch Ốc của Tổng Thống Barack Obama quả là huy hoàng và thuận lợi hơn bất cứ Tổng Thống Hoa Kỳ nào hơn nửa thế kỷ qua. Đại Hội đảng Dân Chủ được tổ chức tại Denver, tiểu bang Colorado để hợp thức hóa việc đề cử ông Barack Hussein Obama đại diện đảng ra tranh cử Tổng Thống năm 2008, được tổ chức rầm rộ quy tụ hàng mấy chục ngàn người tham dự tại Vận Động Trường Invesco Field ngày 28 tháng 8 năm 2008 để nghe ông Barack Hussein Obama chấp nhận sự đề cử, mà trong lịch sử đảng Dân Chủ cũng như Cộng Hoà chưa bao giờ xảy ra. Việc thắng lợi của ông Barack Obama trong cuộc đua, nội bộ đảng Dân Chủ đã đem lại mọi bất ngờ không những trong dư luận quần chúng Hoa Kỳ mà còn có thể nói là toàn thế giới, bởi bà Hillary Rodham Clinton cũng rất sáng giá và nổi tiếng trên chính trường Hoa Kỳ, cũng như quốc tế.
Vì lúc bấy giờ ông Barack Hussein Obama, một nhân vật ít người biết đến, sau khi tốt nghiệp đại học Harvard, không làm luật sư trong các văn phòng luật lớn nào cho xứng danh Harvard, mà đi làm phụ giảng luật Hiến Pháp tại Đại Học Chicago, và tổ chức cộng đồng, tức là có trách nhiệm lo chuyện điện nước, đèn đường, sửa đường cho một khu phố, xin trợ cấp, giúp người già, trẻ em,…
Con đường chính trị của ông đi từ may mắn này đến may mắn khác, ông chưa từng điều hành bất cứ cơ quan công quyền nào, dù là một đơn vị hành chánh nhỏ như Thị Trưởng hay điều hành một công ty có tầm vóc bậc trung? Nhưng khi ra tranh cử nghị sĩ tiểu bang Illinois, thì may mắn gặp đối thủ bị dính xì-căng-đan rút lui giờ chót nên ông đắc cử. Trong 3 nhiệm kỳ từ năm 1996 đến 2004 với nhiệm kỳ đầu 2 năm và nhiệm kỳ thứ nhì 4 năm và nhiệm kỳ thứ 3 chỉ được 2 năm thì từ chức sau khi đắc cử Thượng Nghị Sĩ Liên Bang năm 2004. Chỉ một lần thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng Dân Chủ khi ra tranh cử Dân Biểu liên bang với ông Bobby Crus trong năm 2000. Nhưng khi ra tranh cử thượng nghị sĩ liên bang, lại gặp đối thủ là ông Jack Ryan, ứng viên của đảng Cộng Hòa phải rút lui giờ chót, nên đương nhiên đắc cử và tuyên thệ ngày 4 tháng 1 năm 2005. Ông là Thượng Nghị Sĩ da đen thứ 5 trong lịch sử Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ. Nhiệm kỳ thượng nghị sĩ liên bang là 6 năm, ông làm được 2 năm, qua năm thứ ba là bắt đầu tranh cử tổng thống ngay.
Trong vai trò Thượng Nghị Sĩ, 3 năm trong Thượng Nghị Viện ông không có một vai trò nào, hay đưa ra một đề án của dự luật nào, mà chỉ ghi nhận là ông rất trung thành với đường lối đảng Dân Chủ qua các việc bỏ phiếu và đồng bảo trợ các dự luật quá phóng khoáng như tài giảm quân số, cải tổ di trú, cải tổ luật vận động tài chánh tranh cử, dù các dự luật này được thông qua nhưng đều bị Tổng Thống George W Bush phủ quyết. Nhưng tại sao Thượng Nghị Sĩ Obama lại có can đảm dám có ý nghĩ ra tranh cử Tổng Thống? Trong khi ông không có một thành tích gì trên chính trường đất nước Hoa Kỳ và ngay trong sinh hoạt của Thượng Nghị Viện? Vậy tại sao ông được đảng Dân Chủ đề cử ra tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ?
Bởi đa số thành phần lãnh đạo đảng Dân Chủ bất mãn Tổng Thống Clinton vì thành quả đạo đức của ông trong hai nhiệm kỳ đã làm cho đảng Dân Chủ bị thất bại trong các cuộc bầu cử lưỡng viện Quốc Hội. Và Phó Tổng Thống Algore thất bại trong cuộc tranh cử với Tổng Thống George W Bush; nên không muốn bà Thượng Nghị Sĩ Hillary Clinton đại diện đảng ra tranh cử Tổng Thống. Nếu bà Hillary Clinton thắng trong cuộc đua nội bộ đảng Dân Chủ có thể coi như bà đương nhiên tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba (vì đảng Dân Chủ thấy rõ bà Hillary Clinton đứng bên trong hậu trường lèo lái mọi quyết định của Tổng Thống Clinton). Trong đó có gia đình Kennedy, Thượng Nghị Sĩ Edward M Kennedy, một người có nhiều uy tín trong đảng Dân Chủ tích cực khuyến khích và ủng hộ Thượng Nghị Sĩ Barack Hussein Obama ra tranh cử. Và thành phần lãnh đạo đảng Dân Chủ thuộc cánh liên minh Kenny cũng như cử tri đảng Dân Chủ nghĩ rằng nếu Thượng Nghị Sĩ Obama đắc cử có thể hóa giải được sự thù nghịch của các nước Hồi Giáo Trung Đông với Hoa Kỳ!? Nhưng sự suy nghĩ và tính toán của họ đến bây giờ, chắc Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy dưới suối vàng cũng tràn đầy hối hận vì ông đã tính toán sai. Ngoài ra Tổng Thống Obama còn đi ngược lại lý tưởng và chính sách của ông về vấn đề di dân bất hợp pháp. Cố Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy là người có đường lối rất cứng rắn đối với di dân bất hợp pháp, ông đã đưa ra các luật cứng rắn nhầm ngăn chặn di dân nhập lậu vào Hoa Kỳ, ông từng chống đối luật ân xá di dân bất hợp pháp dưới thời Tổng Thống George W Bush trong cuộc tranh cải tại Thượng Viện trước khi biểu quyết luật ân xá năm 2004.
Trong những ngày gần đây, dư luận giới truyền thông và các lãnh tụ đảng Cộng Hòa đưa ra nhiều chỉ trích việc Tổng Thống Obama ban hành Sắc Lệnh Hành Chánh về di trú, trong đó có đài CNN, Fox News và Thượng Nghị Sĩ McConnell, người sẽ trở thành lãnh trụ khối đa số Thượng Viện vào đầu năm 2015 nói: “Hành động mà ông Obama đề xuất sẽ phớt lờ luật pháp, bác bỏ tiếng nói của cử tri và áp đặt sự bất công mới lên những người nhập cư tuân thủ pháp luật, mà không hề giải quyết được vấn đề”.
Qua việc này làm cho chúng ta nghĩ đến chính sách mỵ dân của các chính khách Âu Châu, nhứt tại Pháp nhằm lôi kéo cử tri để thắng cử như đối với vấn đề an sinh xã hội, di dân… càng ngày càng làm cho xã hội cằn cỗi bế tắt, thiếu năng động và óc sáng tạo vì chính sách đặt gánh nặng lên vai giới trung lưu và những người chịu làm việc, dung túng kẻ lười biếng, di dân bất hợp pháp. Nước Pháp từng là một đại siêu cường thế giới của những thế kỷ về trước, ngày nay vị thế trên chính trường quốc tế ra sao? Trong khi nền an ninh bị đe dọa bởi khủng bố mấy chục năm nay bởi thành phần di dân bất hợp pháp, hằng năm có các cuộc lễ lộc hay tranh chấp cục bộ tại địa phương lại trở thành những cuộc biểu tình bạo động đốt phá…Vấn nạn này cho đến nay chưa giải quyết được.
Việc Tổng Thống Obama ký ban hành Sắc Lệnh Hành Chánh về di trú nhằm bảo vệ 5 triệu di dân sống bất hợp pháp tại Hoa Kỳ trong thời qua khỏi phải bị trục xuất tại thành phố Las Vegas, tiểu bang Neveda, nơi có cư dân Hoa Kỳ gốc Tây Ban Nha đa số. Có phải chăng đây là chính sách mỵ dân nhằm xây dựng khối cử tri trung thành cho đảng Dân Chủ cho những cuộc bầu cử trong tương lai qua việc dễ dãi ân xá di dân bất hợp pháp, sẽ đưa xã hội Hoa Kỳ đi về đâu?! Bởi việc này tại sao Tổng Thống Obama không thực hiện khi cuối nhiệm kỳ đầu như khi ông hứa trong cuộc vận động tranh cử? Tại sao ông không thực hiện trước ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua? Có phải chăng ông và đảng Dân Chủ cũng biết là sẽ thiệt hại cho quyền lợi đất nước và đại đa số dân chúng Hoa Kỳ chống đối nên không dám làm lúc bấy giờ vì sợ thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Bây giờ thì cũng đã thất bại rồi và cũng nghĩ rằng trong cuộc bầu cử Tổng Thống và Quốc Hội năm 2016 sẽ không thành công, nên chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm 2020, ít nhứt thời điểm đó sẽ có thêm vài triệu cử tri mới dồn phiếu cho đảng Dân Chủ?
Hoa Kỳ là quốc gia Hiệp Chủng Quốc, chính sách đón nhận di dân trong quá khứ không quá khe khắc nhưng trong tiến trình vừa uyển chuyển hợp pháp của luật lệ vừa bảo vệ được tính Nhân Đạo (tị nạn chính trị, chiến tranh) vừa thu hút được Tinh Hoa của nhân loại (ưu đãi nhân tài các quốc gia khác muốn đến sinh sống tại Hoa Kỳ). Đó là nguyên nhân sâu xa đưa Hoa Kỳ trở thành siêu cường số một thế giới ngày nay, với chính sách mỵ dân của một số chính khách đảng Dân Chủ (trong đó không có cố Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy và những vị lãnh đạo khác). Vì Sắc Lệnh Hành Chánh về di trú của Tổng Thống Obama sẽ khuyến khích thành phần di dân bất hợp pháp bạo dạn hơn tìm cách xâm nhập vào Hoa Kỳ, mà thành phần này đa số về khả năng cũng như đạo đức không mấy gì khá. Nếu dòng chảy này tiếp tục rót vào, tương lai Hoa Kỳ có còn an ninh, ổn định hay giống như nước Pháp? Hoa Kỳ trong tương lai có còn giữ được vị thế cường quốc số một hay không? Hay giống như Mexico hay các quốc gia Nam Mỹ? Như vậy tương lai con cháu chúng ta sẽ ra sao? Đây có phải là một lo âu quá bi quan hay không? Nhưng quả là một điều đáng cho chúng ta suy nghĩ, ngõ hầu đóng góp phần nào cho quê hương thứ hai đã có ơn cưu mang chúng ta và con cháu chúng ta được hưởng hay cưu mang gánh nặng trong tương lai, là do quyết định của thế hệ của chúng ta và nhân dân Hoa Kỳ trong hiện tại.
Houston, ngày 28 tháng 11 năm 2014
Lê Phát Minh