Nhân Ngày Giỗ Lần Thứ Hai Mươi Bốn (2014)
Lê Phát Minh
Tác giả và GS Nguyễn Ngọc Huy tại Florida tháng 6 năm 1990
Hai mươi bốn năm trôi qua kể từ ngày 28 tháng 7 năm 1990 tại Paris Pháp Quốc, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đành khuất phục trước luật tạo hóa lìa bỏ các con, đồng chí, chiến hữu Liên Minh Dân Chủ Việt Nam cật ruột về bên kia miền miên viễn, trong khi con đường tranh đấu cho lý tưởng Tự Do Dân Chủ cho dân tộc Việt Nam còn dang dở, mà suốt cuộc đời của ông cố gắng không ngừng đóng góp cho sinh tồn và tự do dân tộc Việt Nam.
Ngày nay mỗi lần nghĩ đến Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, toàn thể anh chị em cán bộ và đoàn viên Liên Minh Dân Chủ khắp nơi hải ngoại và quốc nội đều bùi ngùi thương tiếc. Và mỗi khi nghĩ tới cố Giáo Sư hầu hết anh chị em, kể cả cá nhân người viết dù ngoại cảnh khó khăn đôi khi muốn chùn bước, nhưng tự nhủ với lòng không thể nản lòng thối chí. Bởi hình ảnh người thầy, dù thân xác bị hành hạ do bệnh nan y, nhưng ông vẫn không chịu ngừng nghỉ và gần như ông chạy đua với tử thần, vì sợ không còn thời gian để hoàn thành chương trình, kế sách, hầu đặt nền móng căn bản cho sự thành công trong công cuộc tranh đấu cho Tự Do Dân Chủ và bảo toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo Việt Nam. Vì ông tin tưởng rằng những chiến hữu của mình còn lại sẽ tiếp tục hoàn thành lý tưởng mà ông và chiến hữu của ông theo đuổi bấy lâu nay. Sự kỳ vọng và tin tưởng này đã thể hiện qua những lần đến sinh hoạt với các cơ sở, khi anh em nhắc lại lời của Dân Biểu David Kilgour, Phó Chủ Tịch Quốc Hội Canada đã gọi Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là Gandhi của Việt Nam, ông cười và nói: Tôi được diễm phúc hơn, vì ông Gandhi không có truyền nhân, còn tôi thì có tất cả mấy chú, mấy thiếm đây!”.
Tinh thần yêu nước nồng nàn, suốt cuộc đời hy sinh, ý chí kiên trì hiến dâng cuộc sống riêng tư cho quốc gia dân tộc của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là ngọn đuốc, là tấm gương sáng đáng cho chúng ta và thế hệ mai sau noi theo. Thật vậy, ngay những năm tháng cuối cuộc đời, dù sức khỏe càng ngày càng suy sụp, ăn uống không còn tự nhiên (1), nhưng Giáo Sư không màng đến bản thân, tiếp tục bôn ba khắp nơi trên thế giới, từ Âu sang Á, từ Mỹ sang Úc vận động các chính khách những quốc gia tự do, mưu cầu đưa đất nước, dân tộc thoát khỏi chế độ độc tài Cộng Sản, hầu bảo vệ tổ quốc và đem lại hạnh phúc ấm no cho dân tộc. Ngay 15 phút trước khi lìa đời, ông vẫn còn bàn bạc, thảo luận với các chiến hữu của ông về chương trình cho Đại Hội Thế Giới Kỳ I Liên Minh Dân Chủ Việt Nam dự trù tổ chức tại Hòa Lan ngày 1 tháng 8 năm 1990. Ý chí của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy như con đường của ông đã vạch ra trong hai câu thơ trong bài thơ Quyết Sống, tập thơ Hồn Việt với bút hiệu Đằng Phương:
“Lúc Hết Hơi Mới Biết Đến Mạng Trời. Và Nhắm Mắt Lại Mới Đành Thôi Hoạt Động” (2).
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy quả là chí sĩ yêu nước, chính nhân quân tử, dù ông hấp thụ nền Tây học (3). Lý tưởng sống của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy theo đúng câu trong sách Đại Học ghi: “Cư thiên hạ, cư quang cư, hành thiên hạ chi đại đạo, lập thiên hạ chi chính vị, phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy quả là người “Tri Hành Hợp Nhứt” đúng theo lý tưởng sống trong tập thơ Hồn Việt của ông với bút hiệu Đằng Phương:
Những người sống là những người biết sống;
Là những người không chịu đứng khoanh tay
Phó đời mình cho cuộc thế vần xoay;
Là những người không để ngày mình trống,
Không để thân mình dạt theo làn sóng
Trôi chập chờn như những bóng trong đêm,
Không can tâm nhắm mắt chẳng trông tìm
Để mãn kiếp đóng vai tuồng thụ động. (4)
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy sinh ngày 2 tháng 11 năm 1924, tại bệnh viện Chợ Rẩy, Chợ Lớn, nhưng quê quán tại Quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa. Lúc thiếu thời theo học bậc Tiểu Học Quận Tân Uyên, sau lên Sàigòn học trường Trung Học Petrus Ký. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo, sau khi học hết Trung Học Đệ Nhứt Cấp, sau này vừa đi làm vừa tự học, thi đổ lấy bằng Tú Tài, ông làm thư ký cho Tòa Hành Chánh Tỉnh Cần Thơ. Cùng khoảng thời gian này, đầu năm 1945 Giáo Sư gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐVQDĐ), hợp tác trong Mặt Trận Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, nhưng thường được gọi là Mặt Trận Việt Minh, đến năm 1946, sau thời gian dài hoạt động chung trong Mặt Trận, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy nhận chân được dã tâm của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản thao túng, do đó ông rời bỏ chiến khu trở về Sàigòn và xin làm việc tại Thư Viện Quốc Gia, trong thời gian này Giáo Sư nghiên cứu và viết các tài liệu chính trị tuyên huấn cho đoàn thể, năm 1948 ông là Ủy Viên Trung Ương Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Đại Việt.
Năm 1955, sau khi ông Ngô Đình Diệm về nước cầm quyền với em là Ngô Đình Như làm cố vấn, có chính sách giành độc quyền lãnh đạo, nên chủ trương đàn áp các đảng phái quốc gia đã từng hợp tác với ông Ngô Đình Nhu trước đó. Vì vậy các cấp lãnh đại Đại Việt phải lánh nạn lưu vong tại các quốc gia lân cận: Lào, Cambodia, Thái Lan, riêng Giáo Sư lưu vong tại Pháp, trong thời gian này ông tiếp tục học Trường Đại Học Paris, Khoa Chính Trị Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế. Năm 1958 ông tốt nghiệp về Bang Giao Quốc Tế, năm 1959 tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa, năm 1960 tốt nghiệp Cao Học Luật Khoa, năm 1963 tốt nghiệp ưu hạng bằng Tiến Sĩ Chính Trị của Đại Học Sorbonne, viện Đại Học Paris với luận án “Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chính Trị Trung Quốc Cổ Thời” và cũng trong năm 1963, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Giáo Sư liền trở về nước hoạt động.
Năm 1964 Đại Việt chống lại chính phủ Nguyễn Khánh, vì chủ trương tái thiết lập chế độ độc tài với Hiến Chương Vũng Tàu. Tác giả lúc đó đang là sinh viên Luật Khoa tham gia biểu tình chống Hiến Chương Vũng Tàu. Lúc đầu ông Nguyễn Xuân Oánh, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng ra tiếp xúc với sinh viên hứa sẻ hủy bỏ Hiến Chương Vũng Tàu, nhưng đoàn biểu tình không đồng ý vì không tin tưởng, cho tới khi Thủ Tướng Nguyễn Khánh ra tiếp xúc đoàn sinh viên biểu tình và ông leo lên carbo xe jeep tuyên bố xé bỏ Hiến Chương Vũng Tàu, hai tay ông nắm xé các trang giấy và la to “đả đảo độc tài Nguyễn Khánh” mà trước đó vài phút đoàn biểu tình còn hô to khẩu hiệu: “Đả Đảo Độc Tài Quân Phiệt Nguyễn Khánh”. Nhưng sau khi ông Nguyễn Khánh xé bỏ các trang giấy và hô to đả đảo độc tài Nguyễn Khánh, thì đoàn biểu tình vỗ tay hoan hô ông, chấm dứt trong vòng trật tự và vui nhộn. Xin mở dấu ngoặc nơi nay, tác giả xin bái phục tinh thần phục thiện và thức thời của cố Đại Tướng Nguyễn Khánh, nhờ vậy mà tình hình chính trị an ninh được ổn định, mặc dù lúc bấy giờ một số tờ báo tại Sàigòn phê phán ông làm trò hề.
Nhưng sau đó Thủ Tướng Nguyễn Khánh buộc Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn lưu vong. Sau 3 tháng lưu vong tại Nhựt, rồi Hongkong, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy tìm cách trở lại Việt Nam hoạt động sau khi chính quyền Nguyễn Khánh sụp đỗ. Còn Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn tiếp tục lưu vong tại Pháp và sau 1975 lưu vong tại Hoa Kỳ cho đến khi từ trần tại California.
Vì một số cán bộ cao cấp Đại Việt thiếu tinh thần tập thể (5) đã đưa đến hệ quả: Nguyễn Khánh bắt buộc BS Nguyễn Tôn Hoàn, lúc đó là Phó Thủ Tướng Đặc Trách Bình Định; Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, Đổng Lý Văn Phòng Phó Thủ Tướng phải lưu vong, đã tạo nên khủng hoảng nội bộ Đại Việt Quốc Dân Đảng. Để tránh nạn tranh chấp làm mất tiềm năng tranh đấu vì bất đồng quan điểm về lề lối làm việc. Sau khi Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy trở về nước, Xứ Bộ Miền Nam cùng với các đảng viên có tinh thần cấp tiến chấp nhận sinh hoạt dân chủ (6) đứng ra thành lập Đảng Tân Đại Việt theo lề lối sinh hoạt dân chủ và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy được tín nhiệm vào chức vụ Tổng Thư Ký có trách nhiệm điều hành mọi sinh hoạt của đảng, chức Chủ Tịch Đảng vẫn để Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn đãm nhiệm, mặc dù ông vẫn sống lưu vong tại Pháp không trở về nước.
Song song trong việc phát triển và xây dựng hàng ngũ đảng Tân Đại Việt, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy còn cố gắng truyền bá tư tưởng trong việc xây dựng nền tảng Dân Chủ cho dân tộc Việt Nam. Ông cộng tác với các trường Đại Học và Cao Đẳng để giảng dạy về môn Chính Trị và Luật Hiến Pháp như: Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội Viện Đại Học Cần Thơ, Đại Học Sư Phạm Sàigòn, Đại Học Luật Khoa Viện Đại Học Huế, Đại Học Vạn Hạnh, Đại Học Minh Đức, Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp.
Trước tình hình biến chuyển của chíến trường và chính trị đất nước, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy nhận thấy môi trường sinh hoạt đảng cách mạng không thu hút và quy tụ được quần chúng, nhứt là giới khoa bảng. Hơn nữa trước nhu cầu đấu tranh chính trị với Cộng Sản, cần có một tổ chức chính trị có tầm vóc quy tụ được đa số quần chúng. Chính vì vậy Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và Giáo Sư Nguyễn Văn Bông sau thời gian nghiên cứu, thảo luận, tiếp xúc vận động giới chuyên viên trí thức, chính giới cách mạng và giới dân cử đứng ra thành lập và ra mắt Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến vào cuối tháng 10 năm 1968, một đoàn thể chính trị công khai và hợp pháp tại Miền Nam Việt Nam.
Qua Đại Hội Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến toàn quốc, Giáo Sư Nguyễn Văn Bông được tín nhiệm vào chức Chủ Tịch Chủ Tịch Đoàn, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy được tín nhiệm vào chức vụ Tổng Thư Ký (Giống như Chủ Tịch UBCHTƯ). Đường lối và chủ trương của Phong Trào là áp lực chính quyền thực thi dân chủ, chấm dứt nạn bè phái, tham nhũng, đồng thời giúp chính quyền trong công cuộc đối phó với Cộng Sản. Với tinh thần hy sinh và óc tổ chức cùng cương lĩnh đấu tranh đã được đại đa số quần chúng thuộc mọi thành phần tán đồng và hưởng ứng, vì vậy chỉ trong vòng hai năm cơ sở Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến được thành lập khắp nơi trên toàn cõi Miền Nam Việt Nam, đặc biệt là vùng 3 và vùng 4 chiến thuật có cơ sở Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến xuống tận xã ấp. Đó cũng lý do tại sao khi hay tin Giáo Sư Nguyễn Văn Bông sắp đứng ra thành lập chính phủ, CSVN sát hại ông lúc 11 giời 50 trưa ngày 10 tháng 11 năm 1971 tại ngã tư Cao Thắng và Phan Thanh Giản, Thủ Đô Sàigòn. (7)
Với lòng yêu nước chân chính, muốn xây dựng một nền tảng dân chủ thật sự cho dân tộc, cho nên trong vai trò đối lập, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, Giáo sư Nguyễn Văn Bông và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, hành xử đúng nguyên tắc của đối lập nhứt là trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Sẳn sàng chống đối và chỉ trích những gì chính quyền làm sai, và hổ trợ những chính sách, chương trình ích nước lợi dân, nhứt là kế sách bảo vệ đất nước trước hiểm họa xâm lăng của Cộng Sản. Chính vì vậy mà một số người có tầm nhìn về sinh hoạt dân chủ quá hạn hẹp, nghĩ rằng đối lập là lúc nào cũng phải chống đối và đả phá. Cho nên thành phần này phê phán Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến là “đối lập cuội”. Vì thành phần này, quan niệm đối lập là tranh quyền lực bất cứ hình thức nào, do đó chính quyền làm đúng cũng chống, làm sai cũng chống, không màng đến quyền lợi quốc gia dân tộc. Điều này thể hiện qua những cuộc biểu tình chống đối chính phủ của một số người và tổ chức chính trị, làm cho hậu phương thêm rối loạn, trong khi ngoài chiến trường sôi bỏng của những tháng ngày cận kề 30 tháng 4 năm 1975. Ngoài ra một số dân biểu thiếu ý thức chính trị, cố gắng vận động Quốc Hội Hoa Kỳ cúp viện trợ chính phủ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, trong khi sự sống còn của Miền Nam Việt Nam như chỉ mành treo chuông, trước sự tấn công của Cộng Sản Bắc Việt được Liên Sô viện trợ vũ khí đạn dược ồ ạt. Những người đó quên rằng Cộng Sản thắng, không phải chỉ chính phủ Nguyễn Văn Thiệu thua mà toàn thể nhân dân Miền Nam và có thể nói toàn dân Việt Nam thua, và kết quả 30 tháng 4 năm 1975, một bài học quá đắt cho dân tộc Việt Nam và sự di hại đó mãi tới ngày nay.
Bài học đắng cay đó vẫn chưa đủ để cho chúng ta suy nghiệm hay sao? Nhứt là Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại vẫn còn những phần tử vẫn mang cái bịnh đó không thể chấp nhận được! Vì quyền lợi cá nhân, phe nhóm hay đố kỵ vẫn còn tiếp tục làm vẩn đục sinh hoạt Cộng Đồng, làm nản lòng giới trẻ muốn dấn thân. Khi các con em chúng ta làm đúng thì không có một lời khen khuyến khích, nhưng khi có sai sót một thì nói mười, xuyên tạc. Khi làm thì có đúng có sai… chỉ có không làm thì hẳn nhiên làm sao có sai, nhưng cái không sai đó có ích lợi gì cho nhân quần xã hội mà Cộng Đồng chúng ta đang sống? Trong khi công cuộc tranh đấu cho Tự Do Dân chủ và bảo vệ tổ quốc cần sự dấn thân của giới trẻ trong và ngoài nước. Xin bậc cha anh hãy mở rộng lòng đón nhận, khuyến khích, hổ trợ cho con em chúng ta tiếp tục dấn thân trên con đường mà chúng ta chưa hoàn tất vì sức lực, vì tuổi già không còn cho phép chúng ta tích cực như xưa?!
Tôi còn nhớ cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy lúc còn sanh tiền thường khuyên anh em chúng tôi trong cung cách cư xử với đoàn thể bạn: “Nếu không là đồng chí, chiếu hữu, cũng là bạn đồng hành, vì vậy không nên chống phá nhau. Nếu phù hợp với đường lối của đoàn thể thì chúng ta hợp tác hay hỗ trợ, nếu không đồng ý nhau thì để cho đoàn thể bạn làm và hãy nhớ kẻ thù duy nhứt của chúng ta là chế độ độc tài CSVN”. Hoặc đối với tha nhân: “ Nếu muốn làm việc Nước, thì chúng ta phải là sông là biển, chấp nhận mọi thành phần, mọi xu hướng, nếu muốn thuần nhứt, tinh khiết thì chỉ là ly nước, bồn nước chứ không thể là sông là biển được”. Và tôi không nhớ đọc ở đâu đó có một câu nói về lòng khoan dung sẽ đem đến hạnh phúc cho chính ta: “Bạn không phải là người hoàn hảo, nên bạn cũng có những sai lầm. Nếu bạn khoan dung những sai lầm của người khác đối với bạn, bạn cũng sẽ được những người khác tha thứ những sai lầm của bạn.”
Nhân ngày giỗ thứ 24 của cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, tôi ghi lại những suy tư và cảm nghĩ để tưởng nhớ đến một người anh, một người thầy khả kính, một nhà mô phạm trong sáng – chuẩn mực, một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng chân chính, suốt cuộc đời tận tụy hy sinh, mưu tìm sinh lộ hướng đi đưa đến phúc lợi miên trường cho dân tộc Việt Nam, mà cố chí sĩ Trần Văn Ân lúc còn sanh tiền khi hay tin Giáo Sư Nguyễn Ngọc qua đời cụ đã cảm khái đề tặng:
Vì Nước Vì Dân Đời Tận Tụy
Không Danh Không Lợi Chí Thanh Cao
Tinh thần dấn thân của cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đúng như hai câu thơ cảm tác của cụ Trần Văn Ân, và với ý chi kiên trì tranh đấu cho đến hơi thở cuối cùng như câu thơ trong bài thơ Quyết Sống của cố Giáo Sư: “Lúc Hết Hơi Mới Biết Đến Mạng Trời. Và Nhắm Mắt Mới Đành Thôi Hoạt Động” của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là ngọn đuốc cho chúng ta và thế hệ mai sau noi theo trên bước đường tranh đấu cho lý tưởng tự do dân chủ và bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ biển đảo của Tổ Quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Kính cẩn tưởng nhớ đến cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy
Houston, ngày 28 tháng 7 năm 2014
Lê Phát Minh
Chú thích:
- Giáo sự bị ung thư cổ họng, ăn uống khó khăn, cho nên những năm về sau đi đâu ông cũng đem theo một cái kéo nhỏ để cắt thức ăn cho dễ nuốt, về sau anh em phải mua một máy xay sinh tố nhỏ chạy bằng bin (battery) để xay nhỏ cho tiện dụng, nhưng những tháng cuối cùng anh em ép nước cốt thịt bò khuấy nước sôi cho Giáo Sư uống.
- Hai câu chót của đoạn 4 trong bài Quyết Sống của tập thơ Hồn Việt, trang 32
- Tốt nghiệp Tiến Sĩ Chính Trị Học Đại Học Sorbonne, Viện Đại Học Paris năm 1963.
- Bài Quyết Sống của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy dưới bút hiệu Đằng Phương trong tập thơ Hồn Việt trang 30 đến trang 33 gồm 7 đoạn 8 câu và đoạn kết 4 câu.
- Cụ Hà Thúc Ký Ủy Viên Trung Ương Đại Việt Quốc Dân Đảng, Bộ Trưởng Nội Vu trong nội các chính phủ Nguyễn Khánh, hợp tác với Tướng Dương Văn Đức âm mưu đảo chánh vì bất đồng với Tướng Nguyễn Khánh trong việc thả một nhân vật kinh tài của Việt Cộng đang bị giam tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia (Đại Tá Trần Thanh Bền Đảng viên cao cấp Đại Việt, là Tổng Giám Đốc Tổng Nha Cảnh Sát, không đồng ý với Bộ Trưởng Nội Vụ thả người này vì có bằng chứng xác quyết người này là kinh tài cho Việt Cộng). Trong phiên họp Nội Các Thủ Tướng Nguyễn Khánh chấp vấn Bộ Trưởng Nội Vụ về vấn đề này, đó là nguyên nhân của sự bất đồng đưa đến đảo chánh.
- Đại Việt Quốc Dân Đảng kể từ khi Đảng Trưởng Trương Tử Anh thành lập cho tới năm 1964, vẫn chủ trương lãnh tụ chế. Cho nên khi cụ Hà Thúc Ký tách ra thành lập Đại Việt Cách Mạnh vẫn theo mô thức lãnh tụ chế.
- Theo bài viết của tên đặc công Việt Cộng Vũ Quang Hùng với tựa đề :”Tôi Ám Sát Người Sắp Làm Thủ Tướng Sàigòn” đăng trên báo Đứng Dậy của LM Chân Tín năm 1976 và đăng lại trong báo Thanh Niên trong dịp CSVN tổ chức mừng chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 2000. Trích một đoạn trong bài viết này:”Trung tuần tháng 10 năm 1971, ngay sau khi nhận lệnh của cấp trên về mục tiêu cần diệt là Giáo sư Nguyễn Văn Bông, việc đầu tiên là tôi điểm lại tất cả anh chị em trong đội do tôi (Vũ Quang Hùng, bí danh Ba Điệp) làm đội trưởng. Đội trinh sát võ trang mang bí số S1 hoạt động nội thành Sài Gòn-Chợ Lớn thành lập chưa đầy một năm, gồm 11 người (kể cả tôi).Tôi nhớ dặn dò của đồng chí Tám Nam – Phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Định): “Để bảo đảm bí mật, chúng ta sẽ đặt cho mục tiêu bí số G.33. Cần giữ bí mật đến phút chót và theo tin tức tình báo, G.33 đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”