Các Ẩn Số Chính Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung


LỜI MỞ ĐẦU

Dân tộc Trung Hoa là một dân lộc có biệt tài kể chuyện. Lịch sử văn học của họ đã trải qua mấy ngàn năm liên tục nên có thể được xem là lâu dài và bền vững nhất thề giới. Nhiều tác phẩm của họ đã được các dân lộc khác nhất là dân tộc Việt Nam, biết rõ và thưởng thức. Trong số các tác phẩm nảy, có những bộ truyện chẳng những bao gồm những tình tiết gay cấy, những dữ kiện và tư tưởng tân kỳ mà còn chứa đựng một ý nghĩa thâm thúy. Do đó, nó chẳng những hấp dẫn được người bình dân mà còn tạo ra được nhiều đề tài suy nghiệm cho những người có một trình độ học vấn cao.
Trước đây, các bộ truyện PHONG THẦN, TÂY DU, ĐÔNG CHÂU LIỆT QUỐC, TÂY HÁN CHÍ VÀ TAM QUỐC CHÍ đã đồng thời được người bình dân say mê, và người trí thức nghiền ngẫm một cách thích thú để tìm hiểu các ý nghĩa triết lý hoặc các bài học chính trị tiềm ẩn bên trong tác phẩm. Thời hiện đại, cũng có nhiều tác giả Trung Hoa nổi tiếng.
Nhưng có lẽ ngày nay tác giả được biết nhiều nhất là Kim Dung. Theo một bài đăng trong tuần báo FAR EASTERN ECONOMIC REVIES ngày 8 tháng 8 năm 1985 thì từ khi ông bắt đầu cho đăng các tác phẩm của ông trên các NHẬT báo ở Hongkong năm 1955, Kim Dung đã có hàng triệu độc giả trong các cộng đồng Trung Hoa ở khắp nơi trên thế giới ngoài Hoa Lục vì ở Hoa Lục đảng Trung Cộng đã cấm đọc truyện võ hiệp từ năm 1949 với lý do là loại truyện này có trình cách phản động và phong kiến. Phần chính quyền Đài Bắc thì không cấm nhân dân đọc truyện võ hiệp nhưng lại bài xích Kim Dung vì ông là người thiên tả.
Tuy nhiên việc cấm đọc truyện võ hiệp Kim Dung đã chấm dứt cả ở Hoa Lục lẫn ở đảo Đài Loan. Theo sự nhận xét của bài báo đăng trên tờ FAR EASTERN ECONOMIC REVIES nói trên đây thì ngày nay, có lẽ Kim Dung là tác giả duy nhất về tiểu thuyết được hai ông Đặng Tiểu Bình và Tưởng Kinh Quốc thưởng thức. Người dân Hoa Lục rất mê say truyện võ hiệp Kim Dung . Khi tác phẩm ông được phát hành lần đầu tiên ở Quảng Châu, người ta đã nối đuôi nhau để mua và chỉ trong một ngày là sách ông đã bán sạch. Số độc giả của ông ở Hoa Lục sẽ còn tăng thêm vì năm 1985 một nhà xuất bản ở Thiên Tân đã cho in truyện võ hiệp Kim Dung với lối chữ giản hoá hiện đang thông dụng. Ấn bản đầu tiên lên đến 500000 quyển. Ngoài ra còn nhiều nhà xuất bản khác ở Hoa Lục in và phát hành sách của Kim Dung, mỗi bộ sách in ra ít nhất cũng là 200000 quyển. Một trong những lý do làm cho truyện của Kim Dung được người Trung Hoa cả ở Hoa Lục lẫn hải ngoại nhiệt liệt hoan nghinh như vậy là vì nhờ nó mà các thế hệ trẻ biết được nền văn hoá cổ truyền của dân tộc mình.
Người Việt Nam chúng ta vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và biết thưởng thức các truyện võ hiệp y như người Trung Hoa. Do đó. Kim Dung cũng là tác giả được người Việt Nam chúng ta biết đến nhiều nhất. Vào cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970 ở Miền Nam Việt Nam. phong trào đọc truyện võ hiệp Kim Dung rất mạnh. Thời đó, trừ ra một vài tờ báo có một vị thế đặc biệt vững chắc còn thì đều phải đăng bộ tiểu thuyết Kim Dung đang viết và đăng mỗi ngày trên các báo Hoa ngữ xuất bản ở Hongkong và Chợ Lớn. Nhật báo Việt Nam nào trễ nải trong việc dịch và đăng lại bộ tiểu thuyết ấy thì thường mất nhiều độc giả.
Trong Phái Đoàn V. N. C. H. tham dự Hòa Hội ở Paris từ cuối năm 1968, bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ của Kim Dung đã là một đề tài mạn đàm hữu ích. Phái Đoàn này vốn gồm nhiều thành phần khác nhau. Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ lúc đó là Phó Tổng Thống đã được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu giao cho nhiệm vụ giám sát Phái Đoàn. Ông Đại Sứ Phạm Đăng Lâm, lúc đó là Tổng Lãnh Sự V. N. C. H. ở Pháp. được bổ nhiệm làm Trưởng Phái Đoàn . Ngoài ra, về phía các nhân viên của Chánh Phủ V. N. C. H. thời đó còn có Ông Nguyên Xuân Phong, nguyên Bộ Trưởng Bộ Lao Động rồi Bộ Xã Hội và một số viên chức các bộ, nhất là Bộ Ngoại Giao. Nhưng bên cạnh các vị trên đây, Phái Đoàn lại có những người không phải là nhân viên chính phủ như Luật Sư Vương Văn Bắc, Nữ Luật Sư Nguyễn Thị Vui và chúng tôi, lúc đó là Tổng Thư Ký Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Những người không phải là nhân viên chính phủ bên trong Phái Đoàn, tuy đồng ý với chính phủ về việc phải bảo vệ Miền Nam Việt Nam chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản, nhưng không phải tán thành chính phủ về mọi việc. Đặc biệt Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến mà chúng tôi là Tổng Thư Ký lúc đó ở vào vị thế một chính đảng đối lập. Các dân biểu của Phong Trào đã nhiều lần cùng với các dân biểu đối lập khác biểu quyết chống lại các dự luật của chính phủ và lên tiếng đòi hỏi chính phủ phải thực thi dân chủ. bảo đảm các quyền tự do căn bản của người công dân và thanh trừng các phần tử tham nhũng hiếp đáp bóc lột nhân dân.
Khi Hòa Hội sắp khai mạc, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã cho người sang mướn một biệt thự ở vùng Neuilly làm nơi ăn ở cho các nhân viên Phái Đoàn không có tư thất ở Paris. Việc nhiều nhân viên của Phải Đoàn ở chung với nhau một chỗ có hai cái lợi: một là đỡ tốn kém, hai là các nhân viên thường gặp mặt nhau và có thể tập họp nhau nhanh chóng để thảo luận về công việc của Phái Đoàn. Tất cả mọi người lúc đó đều đồng tâm nhất trí trong việc đối phó với Cộng Sản. Nhưng giữa Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ và các cộng sự viên của ông một bên, và các nhân viên Phái Đoàn không thuộc thành phần chính phủ một bên, vẫn có nhiều sự dị biệt về nhiều mặt. Chẳng những không có cái nhìn giống nhau về các vấn đề chính trị nội bộ của V.N.C.H., họ còn có những sự khác nhau trong nghề nghiệp, trong quan niệm về cuộc đời, trong nếp sổng cũng như trong lề lối tiêu khiển. Bởi đó, ngoài việc trao đổi tin tức mỗi người thâu lượm được và thảo luận với nhau về những việc phải làm để đối phó với Cộng Sản, họ không còn điểm tương đồng nào khác để thắt chặt thêm sự giao hảo với nhau.
Bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ được đăng trên báo hằng ngày của Sài Gòn lúc đó đã cung cấp một đề tài rất hữu ích cho mọi người. Trong Phái Đoàn, ai cũng đọc bộ võ hiệp trên đây do người ở Sài Gòn gởi qua và cũng đều thích thú theo dõi nó. Việc mạn đàm về các nhân vật và các tình tiết trong TIẾU NGẠO GIANG HỒ đã giúp cho các nhân viên Phái Đoàn V. N. C. H. sống chung nhau tại biệt thự mướn ở Neuilly có dịp nói chuyện vui vẻ với nhau ngoài công việc Phái Đoàn mà không sự đụng chạm đến nhau và mất niềm hảo cảm đối với nhau.
Ở Miền Bắc Việt Nam trước đây chính quyền cộng sản đã cấm đọc truyện võ hiệp. Nhưng sau khi Cộng Sản chiếm lấy Miền Nam Việt Nam, nhân dân Miền Nam vẫn tiếp tục đọc các bộ truyện võ hiệp Kim Dung mà họ còn giữ được và ngay cả đến bọn cán bộ cộng sản cũng đọc và say mê các tác phẩm ấy. Ngoài ra, nhân dân Miền Bắc Việt Nam ngày nay cũng thích thú đọc truyện võ hiệp Kim Dung. Riêng cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại thì từ mấy năm trước đây đã có phong trào đọc lại truyện võ hiệp Kim Dung và hiện giờ lại đến phong trào xem các phim video vê các bộ truyện ấy.
Truyện võ hiệp Kim Dung đã phổ biến trong giới độc giả Việt Nam đến mức đó thì tự nhiên phải có nhiều người Việt Nam viết bài bình luận về nó. Trong số những người này, cũng có kẻ đề cập đến một vài khía cạnh có liên quan đến chính trị. Lúc bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ vừa chấm dứt, Ông Trần Việt Sơn đã viết bài đăng trong hai số 1683 và 1684 của báo CHÍNH LUẬN để nêu ra một số nhận xét về hồi kết cuộc của bộ truyện đó. Các bài này đã được trích đăng lại trong bản dịch TIẾU NGẠO GIANG HỒ của Ông Hàn Giang Nhạn (Quyền 14-15. trang 2679- 2686).
Trong các bài báo nêu ra trên đây Ông Trần Việt Sơn đã nhấn mạnh chỗ trong TIẾU NGẠO GIANG HỒ các môn phái không thực hiện được sự đoàn kết nội bộ và không thật tâm đoàn kết với các môn phái cùng mục tiêu đấu tranh đều bị tiêu diệt. Ông cũng lưu ý rằng những người sống sót trong cuộc đấu tranh và không những sống sót mà còn thành công rực rỡ là những người tính việc đoàn kết thực sự, có thái độ quên mình để lo cho đại cuộc nên không tranh giành quyền vị, và áp dựng đúng những nguyên tắc của lẽ đạo Đông Phương.
Ông Trần Việt Sơn là một nhà bình luận chính trị nổi tiếng của Miền Nam Việt Nam trước đây. Bài ông viết về TIỂU NGẠO GIANG HỒ hiển nhiên là có ý nhắn nhủ các chính khách và các chính đảng quốc gia Việt Nam nên rút ra từ bộ truyện võ hiệp này các bài học cần thiết. nhất là bài học đoàn kết để đối phó hữu hiệu với Cộng Sản. Vậy, ông đã phần nào đề cập đến một khía cạnh chính trị trong truyện võ hiệp Kim Dung. Nhưng Ông Trần Việt Sơn đã không đi sâu hơn vào câu chuyện về vấn để này. Ông cũng không nói đến các khía cạnh chính trị khác trong các bộ truyện võ hiệp của Kim Dung. Ngoài ông ra, ít có ai khác nghĩ rằng Kim Dung có thể có một dụng ý chính trị khi viết các tác phẩm của mình. Do đó, dường như chưa có tác giả nào nghiên cứu kỹ các ẩn sổ chính trị bên trong các tác phẩm của nhà đại văn hào này.
Sự khiếm khuyết nói trên đây, có lẽ phát xuất từ lập trường chính trị của chính Kim Dung. Trong một bài đăng ở NGUYỆT SAN THUẦN VĂN HỌC và được trích đăng lại trong bản dịch LỘC ĐỈNH KÝ của Hàn Giang Nhạn (Quyển 2, trang 208-212), Kim Dung đã tuyên bố như sau: “Nội dung tiểu thuyết không tránh khỏi sự biểu lộ những tư tưởng của tác giả, nhưng không phải tác giả cố ý đem nhân vật, sự tích cùng bối cảnh rời đến một lãnh vực tư tưởng hoặc chính sách nào đó… Tiểu thuyết võ hiệp không liên quan gì đến tư tưởng chính trị, ý thức tôn giáo, khoa học trúng hay trật, đạo đức phải hay trái…”
Với những lời lẽ như trên, Kim Dung đã gần như khẳng định là ông không có dụng ý chính trị gì khi viết các bộ tiểu thuyết võ hiệp lừng danh của ông. Dĩ nhiên là tác giả phải có những lý do đặc biệt để nói như vậy. Nếu không phải là người thân cận với ông hoặc có những tri thức rõ rệt về thân thế của ông, chúng ta rất khó suy đoán ra các lý do này. Điều mà độc giả không có hân hạnh biết rõ tác giả có thể nhận thấy là mặc dầu tác giả bảo rằng ông không có dụng ý chính trị khi viết các bộ tiểu thuyết võ hiệp của ông, một số trong các bộ tiểu thuyết này đã có những dữ kiện có ý nghĩa chính trị. Các dữ kiện này vừa đủ số lượng vừa ăn khớp vào nhau để có thể đưa ra những thông điệp về lập trường của tác giả.
Cứ theo các bài báo Hoa ngữ được trích đăng trong bản dịch LỘC ĐỈNH KÝ của Hàn Giang Nhạc (Quyển I – trang 5-10) thì lúc Trung Cộng mới tranh đoạt được quyền lãnh đạo Trung Quốc, Kim Dung còn ở lại lục địa, và sau đó, ông mới dời ra Hongkong. Lúc đầu, ông làm
biên tập viên cho hai tờ báo thiên tả tại đó là ĐẠI CÔNG BÁO và TRƯỜNG THÀNH HỌA BÁO. Đến năm 1957, ông mới thoát ly hai tờ báo nầy.
Qua các chi tiết trên đây và nghiên cứu các ẩn số trong một số tác phẩm của Kim Dung, ta có thể suy đoán rằng tác giả là một người vốn theo lý tưởng cách mạng tả khuynh. Lúc ban đầu, ông tỏ ra có thiện cảm với các đoàn thể theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa và các quốc gia theo chế độ cộng sản, và do đó mà chọi lại các đoàn thể thuộc hữu phái và các nước Tây Phương. Nhưng sau đó, ông nhận chân rằng người cộng sản áp dụng một chính sách chuyên chế toàn diện, tàn ác và phi nhân nên ông đã quay ra kết án họ. Ông cũng đồng thời điều chỉnh lại cái nhìn của ông đối với các đoàn thể chính trị có lập trường chống chọi lại nhau. Ông không còn xem các đoàn thể ấy là chỉ gồm những người xấu và hoàn toán quấy, mà cho rằng mỗi đoàn thể đều có những người tốt và những người xấu và thường thì vừa có phần phải và phần quấy. Mặt khác, một số nhân vật nổi tiếng và có khả năng cũng không phải được xem như là hoàn toàn tốt và thuộc phe chính, hay hoàn toàn xấu và thuộc phe tà.
Nhưng kế bên sự thay đổi trong cái nhìn về các đoàn thể và các nhân vật dính dáng đến cuộc tranh đấu chính trị, Kim Dung đã đưa ra một triết lý bất biến về cuộc tranh đấu này. Đó là nền triết lý rút ra từ nền đạo lý Đông Phương. Trước hết là tư tưởng Đạo Gia, một học phái đã xuất hiện từ đời Xuân Thu Chiến Quốc (từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 3 tr. Công Nguyên) và đã có một ảnh hưởng tinh thần rất mạnh đối với dân tộc Trung Hoa. Ngoài ra Kim Dung cũng có trực tiếp nêu ra nhiều tư tưởng của Phật Giáo Đại Thừa đã thạnh hành ở Trung Quốc từ đời nhà Tùy (581-618).
Đi sâu vào các chi tiết liên hệ đến các ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, chúng ta có thể nhận thấy hai loại dữ kiện:
1- Trước hết, một số nhân vật đã được dùng để tượng trưng cho một vài quốc gia đặc biệt trên thế giới hoặc để mô tả một vài chính khách nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc cận đại.
2- Ngoài ra, một số sự việc trong hầu hết nếu không phải là tất cả các bộ truyện võ hiệp Kim Dung đã diễn tả quan niệm của tác giả về vấn đề tranh đấu chính trị và một phần trong quan điểm này dựa vào nền triết lý của Đạo Gia và của Phật Giáo.
Trong bộ sách này, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày hai loại dữ kiện nói trên đây. Nhưng vì đa số tác phẩm của Kim Dung đã lấy lịch sử Trung Quốc làm khung cảnh nên chúng tôi thiết nghĩ cũng nên cần phác hoạ qua lịch sử này để độc giả có một ý niệm tổng quát về khung cảnh của các bộ truyện võ hiệp Kim Dung.
Trong thời kỳ tiền sử, người Trung Hoa đã tập trung ở Hoa Bắc, đặc biệt là trên các vùng hoàng thổ phì nhiêu tại lưu vực sông Hoàng, ở các tỉnh Thiễm Tây, Sơn Tây và Hà Nam ngày nay. Ban đầu các bộ tộc người Hoa đã sống độc lập với nhau; về sau, họ mới kết hợp lại với nhau. Theo truyền thuyết thì triều đại đầu tiên là nhà Hạ (2205-1766 trước Công Nguyên); kế đó là nhà Thương (1766-1402 tr. CN) về sau đổi tên lại thành nhà Án (1401-1123 tr. CN). Dưới các triều đại này, chế độ phong kiến mới manh nha.
Từ thế kỷ 12 tr. CN. chế độ phong kiến thành hình với nhà Châu (1122-249 tr.CN). Theo chế độ đó, vua nhà Châu là vị chúa tể tối cao; bên dưới là các vua chư hầu, mỗi người làm chủ một nước. Kinh đô đầu tiên của triều đại này ở gần thành phố Tây An hiện tại (thuộc Thiễm Tây). Trong mấy thế kỷ đầu, vua nhà Châu có một uy quyền rất lớn đối với các vua
chư hầu. Nhưng đến thế kỷ thứ 8 tr.CN, nhà Châu suy yếu lần lần. Năm 771, để tránh áp lực của người Khuyển Nhung, vua nhà Châu dời đô về Lạc Ấp (nay là Lạc Dương trong tỉnh Hà Nam). Vì kinh đô mới ở phía đông của kinh đô cũ nên các sử gia đã gọi giai đoạn đầu của triều đại này là Tây Châu đối chiếu lại tên Đông Châu của giai đoạn sau. Uy quyền nhà vua Đông Châu đối với các vua chư hầu ngày một giảm bớt. Trong thời kỳ từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 5 tr.CN mà sử gọi là thời kỳ Xuân Thu, các nước chư hầu mạnh đã phát triển thế lực bằng cách thôn tính các nước chư hầu nhỏ. Từ cuối thế kỷ thứ 5 đến cuối thế kỷ thứ 3 tr. CN chỉ còn một số ít nước lớn tranh chiến với nhau liên miên nên thời kỳ này được gọi là thời kỳ Chiến Quốc.
Năm 221 tr. CN, vua nước Tần đã chinh phục hết các nước khác và thống nhất Trung Quốc, thiết lập chế độ quân chủ chuyên chế. Nhà Tần đóng đô ở Hàm Dương (trong tỉnh Thiễm Tây ngày nay) và làm chủ cả lưu vực sông Hoàng và sông Dương Tử, lại mở rộng lãnh thổ Trung Quốc đến các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Qúy Châu ngày nay.
Nhưng nhà Tần chỉ làm chủ Trung Quốc trong một thời gian ngắn và sụp đổ năm 207 tr. CN. Tiếp theo đó nhà Hán cầm quyền cai trị Trung Quốc cho đến năm 220 sau CN với một thời kỳ ngắn (từ năm 8 đến năm 25 sau CN) bị gián đoạn vì sự cướp ngôi của Vương Mãng. Từ năm 202 tr. CN đến lúc Vương Mãng cướp ngôi, nhà Hán đóng đô ở Trường An (trong tỉnh Thiễm Tây ngày nay) và sau khi khôi phục lại ngôi báu, triều đại này dời đô về Lạc Dương (trong tỉnh Hà Nam ngày nay). Vì đó, thời kỳ Tiền Hán cũng được gọi là Tây Hán trong khi Hậu Hán cũng được gọi là Đông Hán. Về mặt lãnh thổ thì nhà Hán đã mở rộng thêm bản đồ Trung Quốc. Phía Nam, họ chiếm đến tỉnh Vân Nam và miền Bắc Trung Việt, phía bắc, họ chiếm miền bắc nước Triều Tiên, tỉnh Liêu Ninh và một phần đất Nội Mông Cổ ngày nay.
Từ năm 220 đến năm 580, Trung Quốc bị lâm vào cảnh phân hoá. Ban đầu, lãnh thổ Trung Quốc bị chia ra cho ba nước Ngụy (220-265), Thục (221-265) và Ngô (221-280). Năm 265, nhà Tấn làm chủ được các đất Ngụy và Thục rồi về sau chiếm luôn đất Ngô để thống nhất Trung Quốc. Triều đại này vẫn giữ kinh đô của nhà Đông Hán là Lạc Dương, nhưng chỉ cai trị Trung Quốc được một thời kỳ ngắn thì đã suy vì các vị thân vương trong hoàng tộc tranh quyền và xung đột mãnh liệt với nhau. Vào đầu thế kỷ thứ tư, năm sắc tộc thiểu số ở Hoa Bắc là Hung Nô, Kiết, Tiên Ti và Khương thừa lúc chính quyền nhà Tấn bạc nhược nổi lên chiếm cứ Hoa Bắc, gây tình trạng mà các sử gia gọi là nạn Ngũ Hồ Loạn Hoa. Từ năm 317 đến năm 40, vua nhà Tấn chỉ còn giữ được một phần lãnh thổ Trung Quốc và phải dời đô về Kiến Nghiệp, sau đổi làm Kiến Khương (Nam Kinh ngày nay) và thời kỳ này được gọi Đông Tấn để đối chiếu lại Tây Tấn trước đó. Từ khi nhà Tấn sụp đổ luôn năm 420 cho đến năm 589, Trung Quốc bước vào một giai đoạn được sử gọi là thời kỳ Nam Bắc Triều. Ở Hoa Nam, có 4 triều đại kế tiếp nhau là Tống (420-479), Tề (479-502), Lương (502-557) và Trần (557-589); ở Hoa Bắc thì 5 triều đại kế tiếp nhau là Bắc Ngụy (386-534), Đông Ngụy (534-550), Tây Ngụy (534-556), Bắc Tề (550-577) và Bắc Châu (577-581).
Trung Quốc đã thống nhất trở lại với nhà Tùy (581-618) nhưng chỉ một thời gian ngắn, triều đại này lại sụp đổ, nhường chỗ cho nhà Đường (618-907). Triều đại này đóng đô ở Trường An là kinh đô cũ của nhà Tây Hán. So với đời nhà Hán, lãnh thổ Trung Quốc đời nhà Đường có thêm một phần đất Tân Cương, một phần các tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm,
nhưng về sau đã mất phần đất ở Bắc Triều Tiên và một phần đất ở Liêu Ninh trong khi đất Vân Nam tách ra lập nước Nam Chiếu.
Năm 907, nhà Đường sụp đổ. Trong nửa thế kỷ tiếp theo đó, Trung Quốc lại bị phân hoá thành nhiều nước với nhiều triều đại kế tiếp nhau, trong đó quan trọng nhất là các nhà Hậu Lương (907-923), Hậu Đường (923-936), Hậu Tấn (936-946), Hậu Hán (947-950) và Hậu Châu (951-959). Sử Trung Quốc gọi thời kỳ này là thời kỳ Ngũ Đại.
Nhà Tống đã thống nhất Trung Quốc trở lại năm 960 và đóng đô ở Biện Kinh (nay là Khai Phong trong tỉnh Hà Nam). Nhưng lúc đó, lãnh thổ Trung Quốc đã thâu hẹp lại.
Phía nam thì dân tộc ta đã thâu hồi nền độc lập và lập nước Đại Cồ Việt, sau đổi làm Đại Việt và đóng đô ở Hoa Lư (trong tỉnh Ninh Bình hiện tại) rồi sau đó dời về Thăng Long (tức là Hà Nội ngày nay). Đất Vân Nam vốn đã tách ra lập nước Nam Chiếu từ đời nhà Đường lúc này đổi tên là nước Đại Lý, đóng đô ở thành Dương Thư Mị (nay là Đại Lý trong tỉnh Vân Nam). Phần đất phía tây Trung Quốc gồm Thanh Hải và Tây Tạng ngày nay thì từ đời Đường đã lập nước Thổ Phồn đóng đô ở La Sa (trong đất Tây Tạng ngày nay).
Về phía tây bắc thì một phần đất Nội Mông Cổ và phía tây bắc tỉnh Cam Túc đã bị người họ Thát Bạt tách ra lập nước Tây Hạ, đóng đô ở Hưng Khánh (nay là Ngân Xuyên trong tỉnh Ninh Hạ). Ngoài ra còn có nước Đại Liêu do người Khiết Đan thành lập ở phía đông bắc với một phần các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây và các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang cùng một phần đất Nội Mông Cổ. Nước này có cả thảy 5 kinh đô: Thượng Kinh là kinh đô nguyên thủy lúc mới lập quốc đặt ở Lâm Hoàng (nay là Lâm Tây trong tỉnh Liêu Ninh), Trung Kinh đặt ở Đại Định (nay là Bình Tuyền trong tỉnh Hà Bắc), Nam Kinh sau đổi làm Đông Kinh đặt ở Liêu Dương (trong tỉnh Liêu Ninh ngày nay), Tây Kinh đặt ở Đại Đồng (trong tỉnh Sơn Tây ngày nay) và Nam Kinh (tức là Bắc Kinh ngày nay).
Trong các nước kể trên đây thì nước hùng cường nhất và có chủ trương xâm lấn nhà Tống là Đại Liêu. Để đối phó với họ, nhà Tống đã liên kết với người Nữ Chân là bộ tộc lệ thuộc người Khiết Đơn sống ở lưu vực sông Tùng Hoa trong các tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang hiện tại. Với sự yểm trợ của nhà Tống, người Nữ Chân quật khởi lên chống lại người Khiết Đơn. Năm 1115, họ tách vùng đất họ cư ngụ ở lưu vực sông Tùng Hoa ra để lập nước Đại Kim rồi tiến lên đánh phá nước Đại Liêu. Năm 1125, họ đã diệt xong nước này và đến năm 1126, họ lại tràn sang xâm lấn lãnh thổ nhà Tống, chiếm hết dải đất ở phía bắc hai con sông Hoài và Hán tức là toàn tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, Sơn Đông, phía bắc hai tỉnh Giang Tô và An Huy cùng phần lớn các tỉnh Hà Nam và Thiễm Tây ngày nay. Nước Đại Kim đặt Thượng Kinh ở Hội Ninh (gần Bạch Thành trong tỉnh Cát Lâm ngày nay), gọi Đại Định là Bắc Kinh, Liêu Dương là Đông Kinh, Đại Đồng là Tây Kinh và lấy kinh đô cũ của nhà Tống là Biện Kinh làm Nam Kinh.
Phần nhà Tống thì phải dời đô về Lâm An (tức là Hàng Châu trong tỉnh Triết Giang ngày nay). Do đó sử gọi triều đại này là Nam Tống để đối chiếu với nhà Bắc Tống của thời kỳ trước cuộc xâm lấn của nước Đại Kim. Các nhà vua Nam Tống có chủ trương trọng văn khinh võ nên thế nước suy nhược và họ phải áp dụng một chính sách nhân nhượng với nước Đại Kim để được yên ổn. Trong khi người Nữ Chân nổi lên đánh nước Đại Liêu thì người Mông Cổ chiếm đất Nội Ngoại Mông Cổ ngày nay. Khoảng cuối thế kỷ thứ 12, họ lại quật khởi lên. Năm 1206, nhà lãnh đạo Mông Cổ Thiết Mộc Chân tự xưng là Thành Cát Tư
Hãn, nghĩa là vị hoàng đế làm chủ cả hải nội và đóng đô ở Karakorum. Từ lúc đó, ông bắt đầu mở những chiến dịch tấn công nước Tây Hạ và đến năm 1227 thì diệt được nước này. Mặt khác từ khoảng 1221-1222, ông đã dồn người Đại Kim về phía Nam sông Hoàng. Con Thành Cát Tư Hãn là Oa Khoát Đài (hay A Loa Đài) về sau được biết dưới miếu hiệu Nguyên Thái Tông (t.v. 1220-1246) đã ước hệ với người Tống để đánh nước Đại Kim và tiêu diệt nước này từ giữa thế kỷ thứ 13 và sau khi chiếm lấy nước Đại Lý năm 1253, áp lực của họ đối với nhà Tống càng mạnh mẽ hơn. Cuối cùng, nhà Nam Tống đã bị người Mông Cổ diệt năm 1276.
Từ năm 1277, người Mông Cổ đã thành lập nhà Nguyên và đóng đô ở Đại Đô (thuộc vùng phụ cận Bắc Kinh ngày nay). Với triều đại này, Trung Quốc chỉ là một bộ phận của một đế quốc rộng lớn nằm choàng trên hai châu Á – Âu. Tuy nhiên đế quốc này đã bị chia ra làm nhiều nước giữa các hoàng thân Mông Cổ. Riêng về Trung Quốc thì người Mông Cổ không nắm quyền thống trị được đến 100 năm. Vào giữa thế kỷ 14, đã có nhiều cuộc nổi loạn của người Hán tộc và năm 1368 thì người Hán tộc đã tự giải phóng để lập nhà Minh.
Triều đại mới này cầm quyền từ 1368 đến 1644. Kinh đô lúc đầu đặt ở Nam Kinh nhưng đến năm 1420, nhà Minh quyết định dời đô về Bắc Kinh. Về mặt lãnh thổ thì Trung Quốc lúc đó chưa chiếm luôn được các đất Mông Cổ, Thanh Hải, Tân Cương và các tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang. Về phía nam thì năm 1407, nhà Minh đã đem binh chiếm nước ta, nhưng chỉ đến năm 1427 họ lại phải rút về.
Từ đầu thế kỷ thứ 17, người Nữ Chân (trước đây đã lập nước Đại Kim và sau này tự gọi là người Mãn Châu) đã quật khởi trở lại và tổ chức được một lực lượng quân sự hùng mạnh. Năm 1621, họ đã chiếm được Liêu Dương và lấy thành phố này làm kinh đô. Đến năm 1636, nhà lãnh đạo Nữ Chân lập nước Đại Thanh và dời đô về Phụng Thiên (nay là Thẫm Dương trong tỉnh Liêu Ninh). Trong khi đó, tại Trung Quốc có nhiều phong trào nổi lên chống lại nhà Minh. Triều đình nhà Minh vì phải lo ngăn đỡ quân Thanh nên không thể dốc toàn lực đối phó với các nhóm chống đối võ trang bên trong. Năm 1644, người cầm đầu một trong các nhóm chống đối này là Lý Tự Thành kéo quân vào chiếm lấy Bắc Kinh. Vua nhà Minh là Sùng Trinh phải treo cổ tự ải. Tướng nhà Minh là Ngô Tam Quế đã rước quân Thanh vào bên trong lãnh thổ nhà Minh để đánh Lý Tự Thành và nhà Thanh đã thừa thế chiếm luôn Trung Quốc rồi ngự trị luôn Trung Quốc đến năm 1911 mới bị cách mạng Trung Hoa lật đổ. Sau khi làm chủ Trung Quốc, nhà Thanh đóng đô ở Bắc Kinh. Dưới triều đại này, lãnh thổ Trung Quốc đã được mở rộng ra gần như hiện nay.
Trong sách này, có nói đến nhiều địa danh ở Trung Quốc. Để độc giả có thể nhận được vị trí các địa danh đó, chúng tôi xin kèm theo đây một bản đồ Trung Quốc hiện tại với các địa danh được nói đến. Ngoài ra, vì các bộ truyện võ hiệp của Kim Dung đã nói nhiều đến các việc xảy ra đời nhà Tống là lúc có nhiều nước đối chọi nhau, sách này còn có hai bản đồ, một trong thời kỳ Bắc Tống (960-1126) và một trong thời kỳ Nam Tống (1127-1276) để độc giả có thể thấy rõ vị trí của các nước đó đối với nhau.
Sau hết, vì trong truyện võ hiệp của Kim Dung có nói đến nhiều phái võ nên chúng tôi thiết tưởng cũng nên có ít lời về các phái này.
Nổi tiếng ở Trung Quốc về võ thuật là hai phái Thiếu Lâm và Võ Đương, một phái do người Phật Giáo và một phái do người Đạo Giáo lãnh đạo.
Ở Trung Quốc vốn có hai ngôi chùa mang tên là Thiếu Lâm, một ngôi ở ngọn Thiếu Thất của Tung Sơn trong tỉnh Hà Nam, một ngôi ở ngọn Tử Cái của Bàn Sơn trong tỉnh Hà Bắc. Chùa Thiếu Lâm ở Hà Nam được xây dựng nằm Thái Hoà thừ 20 đời Hậu Ngụy (496), còn chùa Thiếu Lâm ở Hà Bắc thì được xây dựng trong niên hiệu Chí Chính (1341-1368) đời nhà Nguyên. Trong hai ngôi chùa nói trên đây thì ngôi ở Hà Nam nổi tiếng hơn cả. Tại ngôi chùa này, có chỗ Đức Đạt Ma Tổ Sư ngồi ngó vào vách đá trong suốt 9 năm.
Phái võ Thiếu Lâm phát xuất từ ngôi chùa ở tỉnh Hà Nam. Vào đầu thế kỷ thứ 7, mười ba tăng nhân võ nghệ cao cường của chùa này đã giúp Tần Vương, tức là vua Đường Thái Tông (t.v. 627-649) sau này, trong việc bình định giặc Vương Thế Sung. Vì thế, họ rất được trọng vọng. Từ đó, chùa Thiếu Lâm ở Hà Nam cho tăng nhân nghiên cứu và luyện tập võ nghệ và lần lần lập ra môn phái Thiếu Lâm phổ biến khắp nơi ở Trung Quốc.
Về phái Võ Đương thì theo truyền thuyết, người sáng lập là Tổ Sư Trương Tam Phong, một lãnh tụ Đạo Giáo đời nhà Tống. Căn cứ của phái này ở Võ Đương Sơn trong tỉnh Hồ Bắc. Phái Võ Đương đã được nổi tiếng về môn nội công và về Thái Cực Quyền.
Ngoài hai phái nổi tiếng trên đây, các bộ truyện võ hiệp của Kim Dung còn đề cập đến nhiều phái võ khác ít quan trọng hơn. Trong số này, có những phái có lẽ do tác giả đặt ra chớ không hẳn có thật trong lịch sử. Riêng phái Toàn Chân là một phái có thật của Đạo Giáo, được thành lập vào đời nhà Tống và đặt căn cứ tại Chung Nam Sơn trong tỉnh Thiễm Tây. Về các phái chuyên về kiếm pháp được Kim Dung gọi chung là Ngũ Nhạc Kiếm Phái, nó gồm có năm phái võ đặt căn cứ ở năm hòn núi lớn là Tung Sơn trong tỉnh Hồ Nam, Hoa Sơn trong tỉnh Thiễm Tây và Hằng Sơn trong tỉnh Sơn Tây. Phái Thanh Thành thì đặt căn cứ ở Thanh Thành Sơn trong tỉnh Tứ Xuyên.
Địa điểm làm căn cứ cho các phái võ kể trên đây có thể biết được dễ dàng vì tính cách độc nhất của các tên núi dùng làm danh hiệu cho các phái võ đó. Đối với một số phái võ khác cũng lấy tên những ngọn núi lớn làm danh hiệu thì vấn đề phức tạp hơn vì ở Trung Quốc có nhiều ngọn núi cùng mang một tên.
Như tên Nga Mi đã được dùng để gọi sáu ngọn núi lớn, một trong tỉnh Tứ Xuyên, hai trong tỉnh Phước Kiến , một trong tỉnh Hà Nam, một trong tỉnh An Huy và một trong tỉnh Quảng Tây. Trong các ngọn núi này thì ngọn núi trong tỉnh Tứ Xuyên nổi tiếng hơn cả có thể phái Nga Mi được nói đến đặt căn cứ tại đó.
Về núi mang tên Không Động thì có cả thảy ba ngọn: một trong tỉnh Hà Nam, một trong tỉnh Cam Túc và một trong tỉnh Giang Tây .
Riêng tên Côn Luân thì được dùng để chỉ một dãy núi rất dài chạy dọc theo ranh giới hai khu tự trị Tân Cương và Tây Tạng rồi vào sâu trong tỉnh Thanh Hải, chớ không có ngọn núi nào tên Côn Luân để ta có thể biết đó là căn cứ của phái võ Côn Luân.
Về phần Thiên Sơn thì đó cũng là một dãy núi dài trong khu tự trị Tân Cương. Còn Phiếu Diễu Sơn thì không tìm thấy trong các tự điển về địa danh của Trung Quốc cho nên chúng ta không thể biết chắc được Cung Linh Thứu làm căn cứ cho Thiên Sơn Đồng Mỗ ở địa điểm