(PL)- Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh quyết không từ chức.
Ngày 30-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Trung Quốc phản đối mạnh mẽ các hành động bất hợp pháp làm tổn hại đến ổn định xã hội và pháp quyền của đặc khu Hong Kong.
AFP đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích các phát biểu ủng hộ người biểu tình của các quan chức chính phủ nước ngoài.
Cùng ngày, trả lời đài truyền hình Sky News (Anh), Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ lo ngại về tình hình Hong Kong và hy vọng các vấn đề sẽ được giải quyết sớm.
Ông nhắc lại khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, hai nước đã nhất trí trao cho nhân dân Hong Kong tương lai dân chủ theo hình thức “một đất nước-hai chế độ”.
Văn phòng thủ tướng Đức thông báo Thủ tướng Angela Merkel theo dõi chặt chẽ diễn biến ở Hong Kong, đồng thời kêu gọi chính quyền Hong Kong cân nhắc cẩn thận trong phản ứng để người dân có thể bày tỏ ý kiến tự do.
Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt khẳng định không chấp nhận trấn áp biểu tình.
Các mảnh giấy ủng hộ biểu tình được dán trên xe buýt tại khu trung tâm mua sắm Mong Kok ngày 30-9. Ảnh: REUTERS
Người phát ngôn Nhà Trắng Mỹ Josh Earnest hối thúc các cơ quan chức năng Hong Kong kiềm chế đồng thời kêu gọi người biểu tình bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa.
Tại đặc khu Hong Kong, cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Chiếm trung tâm (Occupy Central) và đòi cải cách bầu cử đặc khu trưởng vẫn tiếp tục trong ngày 30-9.
Hàng chục ngàn người biểu tình tập trung tại bốn khu vực sầm uất nhất Hong Kong gồm khu Admiralty (nơi đặt trụ sở chính quyền đặc khu), khu trung tâm thương mại Central (quận Trung Tây), khu trung tâm mua sắm Causeway Bay (giữa quận Loan Tử và quận Đông) và khu trung tâm mua sắm Mong Kok (quận Du Tiêm Vượng).
Báo South China Morning Post (Hong Kong) ghi nhận sáng 30-9, bốn máy bay xuất hiện trên cảng Victoria, trong đó có hai trực thăng.
Các trường học tại hai quận Loan Tử và Trung Tây đóng cửa. 20 tuyến xe buýt phải đổi hướng hoặc tạm ngưng hoạt động. Cảnh sát xuất hiện lác đác gần trụ sở chính quyền đặc khu.
Tại cuộc họp báo sáng 30-9, đặc khu trưởng Lương Chấn Anh khẳng định chính quyền trung ương sẽ không rút lại quyết định về cải cách bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong.
Ông kêu gọi người biểu tình thôi chiếm đường sá vì sẽ ảnh hưởng đến xe cứu hỏa và xe cấp cứu. Ông cũng kêu gọi phong trào Chiếm trung tâm nên ngừng chiến dịch vì tình hình đã vượt ngoài tầm kiểm soát.
Ông yêu cầu người dân Hong Kong đừng tin lời đồn đại rằng binh sĩ hay cảnh sát Trung Quốc đại lục đến trấn áp biểu tình. Ông khẳng định cảnh sát Hong Kong đủ khả năng xử lý.
Ông cảnh báo muốn thay đổi đặc khu trưởng trước bầu cử năm 2017 thì cũng phải qua thủ tục ủy ban bầu cử 1.200 thành viên chọn ra lãnh đạo mới. Điều này hàm nghĩa ông sẽ không từ chức.
Phong trào Chiếm trung tâm và Liên đoàn Sinh viên Hong Kong thông báo sẽ mở hành lang nhân đạo tại các khu vực biểu tình để xe cấp cứu và xe cứu hỏa lưu thông.
THẠCH ANH
Phong trào Chiếm trung tâm ra tối hậu thư vào hạn chót 1-10, đặc khu trưởng Lương Chấn Anh phải đáp ứng yêu cầu về bầu cử đồng thời phải từ chức. Nếu không, phong trào Chiếm trung tâm sẽ phát động chiến dịch mới. Tổng Thư ký Liên đoàn Sinh viên Hong Kong Chu Vĩnh Khang cảnh báo sinh viên sẽ tiếp tục bãi khóa và mở rộng khu vực chiếm đóng nếu đặc khu trưởng Lương Chấn Anh không đáp ứng yêu cầu. PGS Trần Kiện Dân, người đồng sáng lập phong trào Chiếm trung tâm, cho biết nếu ông Lương Chấn Anh từ chức, người biểu tình sẽ ngưng chiến dịch chiếm đóng một thời gian ngắn.
__________________________________________
Không có khả năng Trung Quốc điều động binh sĩ đến Hong Kong để ổn định tình hình vào thời điểm này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ JEN PSAKI
Các vấn đề của Hong Kong thuộc công việc nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi các bên ngoài cuộc thận trọng và không can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc bằng bất cứ hình thức nào