VOA 28.09.2015
Trong bản Hướng dẫn tiếp nhận sự góp ý của toàn dân vào các Dự thảo văn kiện sẽ trình Đại hội XII, do Văn phòng TƯ đảng và Ban Tuyên huấn TƯ thực hiện, thấy ý định của lãnh đạo là khoanh lại, chỉ cho góp ý vào những phần cụ thể của Báo cáo Chính trị và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội từ 2016 đến 2020. Họ khoanh lại, cứ như bịt mồm dân khi dân chưa kịp phát biểu.
Rõ ràng Bộ Chính trị muốn tránh né việc toàn đảng và toàn dân góp ý về những vấn đề cơ bản nhất mà rất nhiều trí thức, đảng viên cấp cao đang đòi thay đổi, trong đó có năm vấn đề cực kỳ hệ trong và nổi bật, đó là:
1- Có nên tiếp tục lấy học thuyết Mác- Lênin làm nền tảng chính trị và tư tưởng của đảng hay không, khi nó đã bị chứng minh là sai lầm, phá sản hoàn toàn trong thực tế?
2- Có nên giữ tên đảng là Đảng Cộng sản hay không, khi phần lớn các đảng CS đều đã phá sản và bị xoá sổ, và chủ nghĩa CS thực tiễn đã bị cả loài người bác bỏ và lên án là tội ác chống nhân loại?
3- Có nên tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội hay không, khi trên toàn thế giới hầu như không còn nước nào thực hiện, khi nó đã bị phá sản ở Liên Xô, Đông Âu và nhiều nước khác?
4- Có nên duy trì chế độ “một đảng toàn trị” hay không, với đảng CS bao biện toàn bộ cơ chế, đồng nhất với Nhà nước, với chính phủ, với Quốc hội, ôm trọn các ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, ôm luôn cả ngành thanh tra, kiểm sát, ngân sách hoàn toàn do đảng bảo mật tuyệt đối, trong khi hầu hết các nước văn minh, phát triển, giàu mạnh, ổn định đều theo chế độ dân chủ đa đảng, có cạnh tranh, lấy lá phiếu tự do của công dân làm quyền lực căn bản?
5- Có nên duy trì phương châm “lấy sở hữu quốc doanh làm chủ đạo của nền kinh tế” hay không, trong khi các cơ sở quốc doanh kinh doanh thua lỗ lớn, nợ nần chồng chất, tham nhũng tràn lan, còn ngăn cản sự phát triển bình đẳng của kinh tế tư nhân, bóp nghẹt giai cấp trung lưu gồm các tiểu thương, tiểu chủ, trung nông và các ngành nghề tự do?
Có thể khẳng định rõ ràng năm vấn đề trên là năm tai họa cực kỳ nặng nề toàn xã hội phải chịu đựng quá lâu đến mức hết chịu nổi, là năm cái gông xiết vào cổ dân ta, làm hàng triệu triệu sinh mạng trai tráng bị hy sinh vô ích, nông dân mất đất, trí thức bị khinh miệt, tuổi trẻ mất phương hướng, giáo dục lạc hậu, y tế bệ rạc, người yêu nước bị tù đầy, ngành Công an trở thành tai họa loại lớn nhất cho xã hội, đất nước tụt hậu ghê gớm so với các nước láng giềng.
Nếu đảng cộng sản không chịu nhận ra năm đại họa dân tộc trên đây, toàn dân, toàn quân hãy yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý công khai minh bạch về năm vấn nạn trên, xem lòng dân thực sự ra sao, dân còn muốn giữ chủ nghĩa Mác-Lênin, tên gọi đảng Cộng sản, chế độ toàn trị độc đảng, phương châm lấy quốc doanh làm chủ đạo nền kinh tế hay không, để nhân dân nói rõ lòng mình một cách tự do, chân thực.
Cuộc trưng cầu dân ý sẽ là một cuộc đấu tranh ôn hoà không bạo lực, sẽ làm thay đổi hẳn hệ thống và cơ chế, còn giúp cho đảng CS tìm ra lối thoát êm thắm, có vinh dự cùng toàn dân tham gia cuộc cách mạng tiến vào kỷ nguyên dân chủ.
Thật ra nguyên do khiến năm gông cùm tệ hại trên đây tồn tại dai dẳng là một cái xiềng rất nguy hiểm: đó là sự cam tâm phụ thuộc Trung Quốc. Chính chiếc xiềng tự nguyện này đã trói chặt VN vào cỗ xe của đảng CS Trung Quốc và bành trướng Đại Hán. Gần đây Bắc Kinh thấy một số lãnh đạo Việt Nam có vẻ cứng với TQ hơn trước, có vẻ xáp lại gần Mỹ hơn liền lên tiếng cảnh báo và thách thức.
Theo mạng Thời báo Việt Nam ngày 24/09, trong số ra ngày 9/7/2015 Hoàn cầu Thời báo, cơ quan bán chính thức của đảng CS Trung Quốc đe dọa: “Các mối quan hệ mật thiết hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm đối phó với Trung Quốc sẽ kéo theo đòn đánh trả đũa của Trung Quốc”, và “Một số nhà quan sát Mỹ muốn gộp cả Việt Nam vào phe chống Trung Quốc. Tuy nhiên mục tiêu này luôn hiện ra ở chân trời, nhưng sẽ không bao giờ đến được”. Bài báo còn lên giọng khoe: “Trong khi Việt Nam coi Trung Quốc như một thử thách cho an ninh quốc gia thì họ lại hưởng sức mạnh kinh tế nhờ Trung Quốc cùng với sự hậu thuẫn của hệ thống chính trị của đảng CS Trung Quốc”.
Phải chăng Trung Quốc cao giọng kẻ cả như vậy vì họ đã biết thóp, nắm đằng chuôi cái thế theo đuôi, phụ thuộc Trung Quốc cả về chinh trị và kinh tế rất nặng nề khó thoát ra nổi của đảng CS Việt Nam? Cái xiềng phụ thuộc chính trị là chung chế độ độc đảng toàn trị, chung chủ nghĩa Mác-Lênin, chung chủ nghĩa xã hội ảo tưởng. Cái xích kinh tế là buôn bán với Trung Quốc luôn ở hàng đầu dù với nhập siêu là 35 tỷ USD năm 2014, là Việt Nam đã giao cho Trung Quốc đấu thầu hầu hết nền công nghiệp nặng từ khai khoáng bauxite, xây dựng các nhà máy điện, hoá chất, cầu đường, bến cảng, trồng rừng… rải khắp nước, không thiếu một lĩnh vực hay địa phương nào. Khó mà cởi nổi cái xích khốn khổ này.
Có nhiều lý do để phán đoán không sai rằng tại cuộc mật đàm ở Thành Đô (9/1990) Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã ký thỏa thuận về chính trị và kinh tế, cam kết sẽ coi Trung Quốc mãi mãi là đồng chí thân thiết, sẽ không liên minh với bất cứ ai khác, sẽ không cho nước nào đặt căn cứ quân sự và đóng quân; Trung Quốc sẽ là bạn hàng và nhà đầu tư, nhà thầu ưu tiên trên đất Việt Nam. Cái xích này rất thâm độc và kéo dài, cho nên Tập Cận Bình mới bình thản lấn tới, nay lại đòi sang Việt Nam để răn đe mua chuộc trước khi Tổng thống Obama đến Hà Nội. Bọn bành trướng Trung Quốc không thiếu mưu mô thâm hiểm, thừa tiền để đe dọa, mua chuộc với giá rẻ Bộ Chính trị Hà Nội vốn yếu bóng vía, thiếu dũng khí lại hám của. Những người này thật ra có lúc có đủ trí khôn để hiểu rằng nên dựa vào ai và liên minh với ai, để nhận định rằng “dân chủ và pháp quyền là hai thành tựu song sinh của thời hiện đại”, hay cho rằng “cuộc gặp trong Tòa Bạch Ốc rất bổ ích, không ngờ và thú vị nữa”. Có thể tin lúc ấy họ thật lòng, được cảm hoá, nhưng khi sờ lên cổ với 5 cái gông và 1 sợi xích thì lại run rẩy, đành lùi! Thật thiệt thòi và ô nhục cho dân tộc có những người lãnh đạo nói một đằng làm một nẻo như thế.
Cho nên cũng cần trưng cầu ý dân về vấn đề nên có thái độ ra sao với nước Trung Quốc bành trướng hung hăng và thâm hiểm, để cởi bỏ cái xiềng ác nghiệt này đi cùng với việc tháo gỡ năm cái gông nặng trĩu nói trên.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.