Hội Nhà báo Độc lập vận động cho Luật biểu tình

vn-hoi-nha-bao-doc-lap

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động vào ngày 4 tháng 7 năm 2014.
Courtesy HNBĐLVN

Biểu tình là quyền được qui định trong Hiến Pháp; tuy nhiên tại Việt Nam những cuộc biểu tình do chính người dân thực hiện bị cơ quan chức năng cho là bất hợp pháp với lý do chưa có luật về biểu tình.

giaminh02272015.mp3

Một tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam là Hội Nhà Báo Độc lập vào ngày 26 tháng 2 vừa qua cho công bố thư phát động cuộc vận động Luật Biểu tình, đồng thời đưa ra dự thảo luật này cho mọi người tham khảo để cùng ký tên hưởng ứng.

Yêu cầu

‘Nhiều biểu thị chính đáng của các giai tầng chịu thiệt thòi như công nhân, nông dân, tiểu thương, nạn nhân môi trường… dù tăng lên nhưng đã bị cô lập đến mức tối thiểu.’ Đây là một nhận định được đưa ra trong thư phát động cuộc vận động luật biểu tình do Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam khởi xướng.

Tôi nghĩ dân chúng phải giải quyết tất cả những vấn đề mà nhà nước không giải quyết được. Khi mà nhà nước không thể đưa ra được luật biểu tình thì nhu cầu của người dân là điều chính yếu nhất và người dân cần phải thúc đẩy nhà nước.
-Phạm Chí Dũng

Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, ông Phạm Chí Dũng cho biết lý do vào thời điểm này hoạt động này được đưa ra:

“Xuất phát từ tình huống cũng không mong muốn là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại một lần nữa đặt ra luật biểu tình, nhưng Bộ Công an để nghị lui thời hạn hoãn luật này. Trước tết nguyên đán thông tin từ báo chí nói Bộ Công an đề nghị ông Nguyễn Tấn Dũng cho hoãn luật biểu tình và ông Nguyễn Tấn Dũng nói điều này cần phải cân nhắc. Tôi cũng nghe một số thông tin ngoài lề và đánh giá đáng tin cậy cho rằng dù quốc hội cuối năm 2014 định đưa vào nghị trình tháng 5 trình ra quốc hội luật biểu tình và đến cuối năm 2015 sẽ thông qua; nhưng thông tin cho biết luật biểu tình có khả năng bị hoãn một lần nữa và có thể đến năm 2016, 2017; thậm chí có ý kiến tốt nhất đến năm 2020 mới cho ra luật biểu tình. Chính vì vậy tôi nghĩ dân chúng phải giải quyết tất cả những vấn đề mà nhà nước không giải quyết được. Khi mà nhà nước không thể đưa ra được luật biểu tình thì nhu cầu của người dân là điều chính yếu nhất và người dân cần phải thúc đẩy nhà nước và đó mới là tinh thần mà ông Nguyễn Tấn Dũng gọi là nhà nước kiến tạo và phát triển trong thông điệp đầu năm 2014 của ông. Tức có nghĩa nhà nước chỉ gợi mở thôi, còn người dân làm là chính. Tôi cho rằng đây là một trọng tâm mà xã hội dân sự phải làm được.

Ủng hộ

000_Hkg8090526-305.jpg
Công an Hà Nội ngăn cản người dân biểu tình chống Trung Quốc hôm 09/12/2012.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu tù nhân lương tâm và cũng là người trước khi bị tù từng có yêu cầu với chính quyền thành phố Hà Nội cho tiến hành biểu tình chống tăng giá ảnh hưởng đến đời sống người làm công ăn lương, cho biết ủng hộ của ông đối với cuộc vận động luật biểu tình do Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam khởi xướng với những lập luận như sau:

“Riêng về luật biểu tình này thì cách đây hơn 6 năm, tôi và cô Nghiên xin không được đã làm đơn kiện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội không cho phép biểu tình. Tôi thấy, điều để chứng tỏ người dân có tất cả những quyền trong hiến pháp cũng như trong bản Công ước về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc mà chính quyền Việt Nam đã ký kết thì quyền biểu tình cực kỳ quan trọng. Vì một xã hội dân chủ, một trong những cái phải có đối với người dân là quyền biểu tình. Quyền này xác nhận việc được bày tỏ chính kiến ở nơi đông người và công khai để toàn nhân dân, toàn xã hội được biết ý kiến của mình. Thế nhưng chính quyền cộng sản mặc dù họ đã có xác nhận, đã có qui định trong hiến pháp và công ước ký kết, nhưng đâu có được. Tôi nghĩ bây giờ Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ra một yêu sách như vậy thì hoàn toàn đúng, và cũng đúng thời điểm.”

Ý kiến không cần luật biểu tình

Trong khi đó một nhà hoạt động khác tại Sài Gòn thuộc Mạng lưới Blogger Việt Nam, cô Nguyễn Hoàng Vi thì cho rằng không cần thiết phải có luật biểu tình vì có thể nhà cầm quyền sẽ sử dụng luật do chính họ đưa ra để đàn áp những người biểu tình. Cô Nguyễn Hoàng Vi phát biểu:

Tôi không ủng hộ luật biểu tình vì trong hiến pháp đã công nhận biểu tình là quyền của công dân rồi mà ra luật biểu tình thì tôi nghĩ nếu ra luật sẽ hạn chế quyền của mình nên tôi không ủng hộ. Điều gì không cấm thì mình cứ làm.
-Nguyễn Hoàng Vi

“Tôi không ủng hộ luật biểu tình vì trong hiến pháp đã công nhận biểu tình là quyền của công dân rồi mà ra luật biểu tình thì tôi nghĩ nếu ra luật sẽ hạn chế quyền của mình nên tôi không ủng hộ. Điều gì không cấm thì mình cứ làm.

Thực ra lâu nay những cuộc biểu tình nổ ra là chống Trung Quốc nhiều, còn biểu tình để bày tỏ chính kiến về xã hội thì hình như vẫn còn là vấn đề nhạy cảm đối với số đông và Việt Nam; cho nên gần đây khi không có những cuộc biểu tình chống Trung Quốc thì những cuộc biểu tình khác ít diễn ra vì vấn đề nhân quyền thực sự vẫn còn là vấn đề nhạy cảm đối với xã hội Việt Nam.”

Mục tiêu

Nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết dự thảo luật biểu tình được đưa ra là do những luật sư, luật gia tại Việt Nam soạn thảo. Những người này cũng tham khảo luật của những quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ và ở Châu Âu. Khi đưa ra dự thảo luật biểu tình như thế, những người tham gia có mong muốn như lời của nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết như sau:

“Chúng tôi dự kiến có một giai đoạn vận động, tổ chức, phối hợp, liên kết với các tổ chức dân sự của Việt Nam trong nước cũng như ở hải ngoại và với cả một số tổ chức phi chính phủ quốc tế. Cho đến khoảng tháng 5 năm 2015 là thời điểm chuẩn bị họp quốc hội và có thể đưa vào nghị trình của quốc hội một số dự luật nào đó; chúng tôi hy vọng tạo ra được một số tác động nhất định để ủy ban thường vụ quốc hội phải đưa dự luật biểu tình vào trong nghị trình làm việc của họ.

Trước mắt chúng tôi sẽ phối hợp với 24 tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam. Chúng tôi đã gửi thư mời đề nghị góp ý, viết bài, ký tên, tạo hiệu ứng truyền thông và chúng tôi cũng đang đề nghị sẽ có một số động tác phối hợp với một số tổ chức xã hội dân sự người Việt ở hải ngoại (lúc này cho phép tôi không nêu tên vì họ cũng đang nghiên cứu), và họ cũng đang nghiên cứu. Họ cũng sẽ làm một số động tác tích cực; có thể họ sẽ làm việc mà trong nước chúng tôi không làm được là ở mảng vận động quốc tế; đặc biệt vận động Liên minh Châu Âu và Quốc hội Hoa Kỳ.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng dù có luật hay không những người hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam vẫn tiếp tục lên tiếng đòi hỏi cho những quyền căn bản của người dân phải được thực thi. Đó là những quyền như quyền biểu tình, hội họp, lập hội, quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo… được qui định trong hiến pháp Việt Nam từ trước đến nay và các công ước quốc tế mà Hà Nội tham gia ký kết.