Tin Thế Giới
1.
Mỹ, Châu Âu thảo luận về hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương
Vòng đàm phán thứ 9 về Hiệp định Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ diễn ra tại New York hôm nay. Trong khi đó, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tiến hành hội đàm về Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở Tokyo giữa lúc áp lực gia tăng tại Quốc hội Mỹ về việc trao cho Tổng thống Obama quyền xúc tiến thương mại (TPA). Thông tín viên VOA Victor Beattie thuật.
Vòng đàm phán TTIP cuối cùng, bắt đầu hai năm trước, dự kiến sẽ kéo dài 4 ngày. Các cuộc thảo luận nhắm mục tiêu dỡ bỏ các thuế quan, loại bỏ tình trạng quan liêu và nới lỏng các hạn chế về đầu tư trong khu vực thương mại với 800 triệu người. Thỏa thuận này được cho là có tiềm năng tạo khoảng 13 triệu việc làm ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Khối Liên hiệp Châu Âu gồm 28 quốc gia hiện là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ.
Tổng thống Barack Obama hôm thứ Sáu tuần trước đã thúc giục đôi bên đạt được tiến bộ lớn trong năm nay, nhất là khi dự luật lưỡng đảng cho phép ông quyền xúc tiến thương mại đã được đưa ra tại Quốc hội.
“Trong khuôn khổ của quyền xúc tiến thương mại này, lần đầu tiên, có các yêu cầu về các điều khoản có thể chấp hành về môi trường và lao động. Cũng có sự chú tâm rõ ràng tới các vấn đề như nhân quyền. Và, có thể nói, đây là quyền xúc tiến thương mại tiến bộ nhất và sâu rộng nhất được đưa ra quốc hội”.
Quyền xúc tiến thương mại chỉ cho phép Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ hay phản đối một thỏa thuận thương mại mà không có quyền đưa ra các thay đổi. Tuy nhiên, dự luật này đang phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ các thành viên trong Đảng Dân chủ của ông Obama, trong đó có Thượng nghị sĩ độc lập đại diện tiểu bang Vermont Bernie Sanders. Ông Sanders phát biểu trên kênh truyền hình Fox News hôm qua.
“Trong những năm qua, Hoa Kỳ đã mất hàng triệu công ăn việc làm được trả lương tốt. Những thỏa thuận thương mại như thế này đã làm sút giảm tiền lương ở Mỹ, và vì thế, một công nhân bình thường ở Mỹ phải làm việc nhiều giờ hơn để nhận được đồng lương thấp hơn. Tôi không nghĩ chúng ta cần chuyển thêm công ăn việc làm sang các quốc gia có mức lương thấp. Tôi nghĩ rằng các công ty Mỹ phải bắt đầu đầu tư ngay trong nước, và tạo ra các công ăn việc làm với mức lương tử tế”.
Ông Obama nói rằng việc phản đối thỏa thuận thương mại là đồng nghĩa với việc chấp nhận tình trạng hiện thời là các công ty nước ngoài có thể bán hàng trên thị trường Mỹ, nhưng các công ty của Hoa Kỳ lại không thể cạnh tranh một cách hiệu quả ở nước ngoài.
Trong khi đó, hàng nghìn người cuối tuần qua đã xuống đường ở Đức và một số nơi khác để phản đối các cuộc thương thảo về hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương. Họ lên án điều họ coi là sự thiếu minh bạch, sự thiên vị đối với các tập đoàn lớn và làm tổn hại quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Gary Hufbauer, chuyên viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở thủ đô Washington, nói rằng sự phản đối này nhiều khả năng sẽ làm đình trệ việc thông qua TTIP cho tới sau khi ông Obama rời nhiệm sở vào năm 2017.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này tỏ ra lạc quan về khả năng ông Obama sẽ sớm được trao quyền xúc tiến thương mại, bất chấp những phản đối ngay trong chính đảng của ông.
“Tôi nghĩ rằng đã có các lá phiếu ủng hộ. Tôi nghĩ rằng phe chống đối đang ở thế thủ. Đúng là Tổng thống còn phải vận động sự ủng hộ của những đảng viên Dân chủ vẫn còn lưỡng lự. Nhưng quyền lực của tổng thống rất, rất mạnh, xét về mọi điều mà các dân biểu muốn, và tôi nghĩ rằng ông Obama sẽ nhận được 25 phiếu cần thiết từ phe Dân chủ để dự luật được thông qua tại Hạ viện, và nó cũng sẽ được thông qua tại Thượng viện”.
Ông Hufbauer cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng đột phá trong các cuộc thương thảo giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản liên quan tới thỏa thuận thương mại tự do châu Á với 12 quốc gia, gọi tắt là TPP. Chuyên gia này nghĩ rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington tuần tới, sẽ có các nhượng bộ cần thiết về các vấn đề thị trường sữa, thịt lợn và thịt bò của Nhật Bản.
Ông Masamichi Adachi, kinh tế gia cao cấp của công ty JP Mordan ở Tokyo, nói rằng các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào việc mở cửa các lĩnh vực ô tô và nông sản của Nhật Bản cũng như thị trường phụ tùng ô tô của Mỹ. Nhưng ông nói rằng điều thực sự quan trọng là kết quả của cuộc thảo luận về quyền xúc tiến thương mại ở Washington.
“Nếu quốc hội Mỹ trao cho Tổng thống Obama quyền này, thì các cuộc đàm phán sẽ dễ dàng hơn nhiều, và đó là một yếu tố chính sẽ dẫn tới tiến bộ trong cuộc đàm phán này”.
Tổng thống Obama cảnh báo nếu Hoa Kỳ không giúp đặt ra các luật lệ để các công nhân và doanh nghiệp Mỹ có thể cạnh tranh tại các thị trường phát triển nhanh chóng ở châu Á, thì Trung Quốc sẽ lập ra các luật lệ mang lại lợi thế cho các công nhân và doanh nghiệp Trung Quốc.
Ông Hufbauer nói ông dự kiến cuộc bỏ phiếu về quyền xúc tiến thương mại sẽ diễn ra vào tháng Sáu và việc chuẩn thuận TPP nhiều khả năng sẽ diễn ra sau đó trước cuối năm nay. Ông cho rằng hiệp định thương mại tự do với châu Á sẽ dẫn tới việc Hoa Kỳ tham gia nhiều hơn vào việc lập ra các luật lệ cho thế kỷ 21 liên quan tới các vấn đề như doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, đầu tư và thuế quan.
Ông cũng coi TPP là một thỏa thuận cửa ngõ để các nước khác như Nam Triều Tiên, Thái Lan, Indonesia và Philippines tham gia. Ông thậm chí còn nghĩ rằng Trung Quốc có thể tham gia hiệp định này trong vòng từ 5 tới 7 năm nữa. – VOA
2.
Chủ tịch Trung Quốc thăm Pakistan với món ‘quà’ 46 tỷ đô la — TQ tháo khoán thêm 5 tỷ đô la cho Venezuela
Lần đầu tiên từ ngày lên cầm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Pakistan vào hôm nay 20/04/2015, khởi sự hai ngày công du chính thức cấp Nhà nước. Bắc Kinh đã vươn lên thành đối tác thương mại hàng đầu của Islamabad, và trong chuyến thăm này, Chủ tịch Trung Quốc sẽ thông báo một khoản đầu tư 46 tỷ đô la để “biến đổi” nền kinh tế nước đồng minh quan trọng của Bắc Kinh ở Nam Á.
Theo Heike Schmidt, thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc có dấu hiệu rất coi trọng Pakistan, và luôn luôn phô trương một quan hệ đối tác “bình đẳng”.
“Khi nói đến người bạn Pakistan, Bắc Kinh thích sử dụng cụm từ ‘tình huynh đệ rắn chắc như sắt thép’.
Islamabad đã luôn là một người đồng minh trung thành của Bắc Kinh, dù là trên hồ sơ chủ quyền Trung Quốc đối với Tây Tạng hay trên vấn đề Đài Loan. Bắc Kinh còn có thể dựa vào Pakistan để bảo đảm an ninh biên giới và tránh việc các lực lượng vũ trang Hồi giáo thâm nhập vào Tân Cương, vùng Hồi giáo bất ổn định của Trung Quốc.
Quan hệ chính trị giữa hai nước hiện rất tốt đẹp, riêng về thương mại thì chỉ mới ‘cất cánh’. Trong 10 năm qua, trao đổi hai bên đã tăng rõ rệt, từ 2 tỷ đã nhảy vọt lên 16 tỷ hiện nay.
Đường bộ, đường sắt hay đường ống dẫn khí…, trong 15 năm tới đây, Trung Quốc dự kiến đầu tư 46 tỷ đô la vào Pakistan.
Hai quốc gia muốn thiết lập một hành lang kinh tế thật sự, từ cảng Pakistan Gwadar đến miền TâyTrung Quốc. Hành lang này có thể rút ngắn đến hàng ngàn cây số con đường chuyển vận dầu hỏa từ Trung Đông, cho phép đi đường vòng để tránh Ấn Độ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ca ngợi đề án trên, xem đấy là ‘khúc dạo đầu êm ả’ của giấc mơ Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc.”
Ngoài ra, ở Nam Mỹ, không đi sâu vào chi tiết, phát biểu trên đài truyền thanh và truyền hình Venezuela ngày 19/04/2015, tổng thống Nicolas Maduro thông báo Bắc Kinh vừa cho Caracas vay thêm 5 tỷ đô la.
Tháng Giêng 2015 ông Maduro đã công du Trung Quốc và Bắc Kinh đồng ý đầu tư hơn 20 tỷ đô la vào Venezuela. Caracas trước mắt không nói rõ khoản 5 tỷ vừa nhận được nói trên có nằm trong chương trình đầu tư 20 tỷ đã được Trung Quốc hứa hẹn hay không.
Venezuela đang bị đe dọa thiếu tiền mặt và đang phải đối phó với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất từ 5 năm qua. Dầu hỏa mất giá là nguyên nhân chính đẩy nền kinh tế nước này đứng bên bờ vực thẳm. Lạm phát tại Venezuela trong năm 2014 lên tới hơn 68 %.
Trung Quốc là nhà đầu tư quan trọng nhất của Venezuela và là khách hàng mua dầu hỏa lớn thứ nhì của quốc gia Nam Mỹ này. Bắc Kinh là một đồng minh của Venezuela từ thời tổng thống Hugo Chavez lên cầm quyền vào năm 1999. – RFI
3.
Hai nhân vật bất đồng chính kiến ra tranh cử ở Cuba
Hai nhà bất đồng chính kiến thừa nhận bị đánh bại trong các cuộc bầu cử địa phương ở Cuba, trong nỗ lực trở thành các ứng viên đầu tiên không thuộc đảng cộng sản đắc cử tại đảo quốc này kể từ cuộc cách mạng năm 1959 tới nay.
Cả hai ông Hildebrando Chaviano và Yuniel Lopez đều được láng giềng chọn làm ứng cử viên trong cuộc bỏ phiếu cấp thành phố. Họ hy vọng giành được 2 trong số 12.589 ghế của 168 hội đồng địa phương.
Kết quả sơ khởi hôm qua cho thấy ứng viên Chaviano, 65 tuổi, và ứng viên Lopez, 26 tuổi, đều không có cơ hội chiến thắng.
Ông Lopez phát biểu:
“Cho dù không thắng cử tôi vẫn rất vui vì người dân đứng về phía tôi, và đối với họ, cho dù tôi không chiến thắng, tôi là đại biểu đại diện cho họ.”
Ông Chaviano, một luật sư và cũng là một ký giả, phát biểu rằng ‘Cuộc bỏ phiếu trong sạch. Người dân không muốn thay đổi.’
Hai ứng viên này ứng cử hai ghế tại hai khu vực khác nhau ở Havana và cả hai đều nói rằng giới chức bầu cử đã thay đổi lý lịch của họ để mô tả họ là các thành phần ‘phản cách mạng.’ – VOA
Tin Hoa Kỳ
4.
Mỹ nhân đôi quy mô cuộc tập trận thường niên với Philippines — Phi-Mỹ tập trận chung để đối phó Trung Quốc
Các cuộc thao diễn quân sự chung với sự tham gia của một con số lớn hơn bình thường binh sĩ Mỹ và Philippines hôm thứ Hai tiến hành giữa những mối quan ngại về công tác khai phá mở rộng của Trung Quốc trong vùng biển Đông đang có tranh chấp. Từ Manila, thông tín viên VOA Simone Orendain gửi về bài tường thuật.
Các sĩ quan Mỹ và Philippines tại tổng hành dinh quân đội ở vùng thủ đô Manila đã giương một lá cờ trắng bóng loáng đánh dấu khởi đầu các cuộc diễn tập chung mà họ nói là lớn hơn và “phức tạp hơn” so với những năm trước.
Trên 5.000 binh sĩ Philippines và khoảng 6.500 binh sĩ Hoa Kỳ tham gia cuộc diễn tập. Phó trợ lý Diễn tập của Philippines, Tướng Rodolfo Santiago cho biết thông thường chỉ có tổng cộng từ 6.000 đến 8.000 binh sĩ tham gia hàng năm.
Tướng Santiago nói: “Nhưng ta thấy khuynh hướng thực sự đang tăng lên mỗi năm, Và như tôi đã nói, đó là tiến trình tự nhiên của mức độ phát triển khả năng, mức độ khả năng tương đương với tính cách phức tạp của hoạt động và cuộc diễn tập mà chúng tôi thực hiện.”
Đối tác phía Mỹ của tướng Santiago, Tướng Christopher Mahoney, nói các cuộc diễn tập năm nay gồm các vụ đổ bộ, các cuộc tập bắn đạn thật, và trinh sát hàng hải có tính cách tinh vi hơn và phức tạp hơn so với trước đây.
Nhưng năm nay dự kiến cũng đánh dấu khởi đầu một hiệp ước quốc phòng mới theo đó sẽ có nhiều binh sĩ Hoa Kỳ luân phiên bố trí ở Philippines và việc định vị trước các khí tài tại những căn cứ chọn lọc ở Philippines. Hiệp ước Hợp tác Quốc phòng Nâng cao giữa hai nước, ký hồi tháng 4 năm ngoái, chưa được thực thi vì những thách thức về tính hợp hiến của hiệp ước tại tối cao pháp viện Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nêu ra trở ngại này trong một bài phát biểu tại lễ khai mạc.
Ông Gazmin cho biết: “Chúng tôi sẽ xúc tiến cuộc diễn tập trong khi vận động hướng tới việc đưa vào hoạt động – nếu được phép của Tòa án Tối cao – Hiệp ước Hợp tác Quốc phòng Nâng cao, sẽ giúp chúng ta tiến hành các cuộc diễn tập phối hợp một cách chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn.”
Không đi sâu vào chi tiết, một người phát ngôn Quân lực Philippines nói với đài VOA rằng có một số cuộc thực tập mà nhóm này muốn đưa vào các cuộc thao diễn chung năm nay nếu như không phải chờ đợi quyết định vừa kể.
Ông Carl Baker là giám đốc chương trình tại Diễn đàn Thái Bình Dương của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược, một tổ chức nghiên cứu về an ninh ở thủ đô Washington. Ông nói cho dù chưa có hiệu lực, hiệp ước vẫn đem lại lợi ích cho cả hai nước.
Ông Baker cho biết: “Biến chuyển thực sự, và có lẽ lý do vì sao họ đưa thêm binh sĩ, là Hoa Kỳ và Philippines đều nói rằng điều quan trọng là chứng tỏ Philippines đang chuyển trọng tâm từ phòng vệ trong nước ra nước ngoài và điều đó, dĩ nhiên, đòi hỏi có thêm binh sĩ và có thể là một vị thế phòng vệ lớn hơn của Hoa Kỳ.”
Hiệp ước củng cố các nỗ lực của Hoa Kỳ cố ý chuyển tầm nhìn chiến lược qua châu Á. Nó cũng củng cố lập trường quốc phòng khả tín tối thiểu của Philippines trước vụ tranh chấp với Trung Quốc về những hòn đảo trong vùng biển Đông.
Trong khi các giới chức quân sự của cả Hoa Kỳ lẫn Philippines đều không nhắm mục tiêu vào một quốc gia cụ thể nào, ông Baker gọi số binh sĩ gia tăng là “phản ứng kín đáo mà không mang tính cách khiêu khích quá mức” đối với một Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn ở Biển Đông.
Trung Quốc đã trở nên hết sức nổi bật trong vùng biển có tranh chấp trong những năm gần đây với những cuộc tuần tra thường xuyên, hoạt động khoan dầu và nay là công tác xây dựng trên những bãi đá có tranh chấp, tất cả mọi việc diễn ra trong khi nhắc đi nhắc lại “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với vùng biển và hàng trăm đảo và bãi đá. Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Đài Loan cũng tranh giành chủ quyền vùng này.
Gần đây nhất, Trung Quốc đã tiến hành công tác khai phá tại 7 bãi cạn đang có tranh chấp, mà Philippines cũng đòi chủ quyền trong quần đảo Trường Sa. Vài giờ trước khi khai mạc các cuộc thao diễn chung, Tổng tư lệnh Quân lực Philippines, Tướng Gregorio Pio Catapang đã công bố các hình ảnh chụp được hôm 11 tháng 4 tại các bãi cạn đã được mở rộng một cách đáng kể này.
Tướng Catapang nói: “Việc này sẽ tác động hết sức to lớn đến sự đi lại của các ngư dân của chúng tôi, sự đi lại của đội Tuần duyên của chúng tôi và đương nhiên sự đi lại của Hải quân chúng tôi.”
Các mối quan ngại chính đối với Manila là 2 bãi đá nơi đang hình thành các sân bay. Bãi đá Vành Khăn có một sân bay sắp hoàn tất và ở rất gần Bãi cạn Thomas số 2, nơi một đơn vị nhỏ của Philippines đang trú đóng trên một chiếc tàu cũ mắc cạn. Điểm thứ hai là Bãi cạn Subi, mà tướng Catapang nói ở cách đảo Thitu chừng 75 kilomet, nơi sinh cư của khoảng 150 thường dân Philippines.
Bắc Kinh từng tuyên bố việc khai phá của họ không nhắm mục tiêu vào một nước nào. Hơn nữa, họ nói họ hoàn toàn có quyền xây dựng trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ và rằng sự phát triển nhắm mục tiêu nhu cầu dân sự và “nhu cầu cho quốc phòng cần thiết.”
Hoa Kỳ và Philippines hôm nay tiến hành cuộc tập trận chung lớn nhất trong vòng 15 năm qua, đặt trọng tâm tăng cường khả năng sẵn sàng trong khu vực.
Cuộc diễn tập Balikatan (Vai kề vai) thường niên năm nay kéo dài 10 ngày lớn gấp đôi cuộc tập trận năm ngoái, với sự tham gia của 11.000 binh sĩ từ cả hai nước.
Cuộc tập trận được khuyếch trương này thuộc khuôn khổ chương trình ‘Các con đường Thái Bình Dương’, một nỗ lực nhằm đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương trước đà bành trướng chủ quyền nhanh chóng của Trung Quốc ở Biển Đông. – VOA
5.
Chính sách ngoại giao: Vấn đề chính trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ
Ba đảng viên Đảng Cộng hoà và một của Đảng Dân Chủ đã chính thức tuyên bố ra ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. Chính sách đối ngoại đã trở thành một vấn đề chính trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc, trong bối cảnh Hoa Kỳ tham gia các nỗ lực nhằm giải quyết các cuộc xung đột quân sự và ngoại giao trên thế giới.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton là thành viên duy nhất của Đảng Dân Chủ và là tác giả chính của chính sách ngoại giao hiện nay, theo dự kiến sẽ không gặp thách thức lớn nào trong đảng.
Tuy nhiên, nhiều đảng viên Cộng Hòa, có thể cũng sẽ tham gia cuộc đua với các Thượng nghị sĩ nhiệm kỳ đầu hiện nay là Thượng nghị sĩ Rand Paul của tiểu bang Kentucky, Marco Rubio, bang Florida và Ted Cruz, bang Texas.
Gần 20 thành viên Đảng Cộng Hoà có thể sẽ ra ứng cử đã thảo luận về chính sách đối ngoại tại một hội nghị kết thúc hôm Thứ bảy ở New Hampshire, một tiểu bang nhỏ trong vùng đông bắc nước Mỹ giữ một vai trò lớn trong tiến trình đề cử ứng cử viên tổng thống qua các bầu cử sơ bộ đầu tiên được tổ chức tại đây.
Ông Rand Paul phát biểu tại hội nghị rằng Hoa Kỳ thường tạo ra bất ổn hơn khi can dự vào những nơi đang trong tình trạng hỗn loạn.
Ông nói một số đảng viên Cộng Hoà chỉ trích Tổng thống Barack Obama và bà Clinton về chính sách đối ngoại, “nhưng có lẽ họ chỉ làm giống như vậy, cả chục lần. Có một nhóm người trong đảng chúng tôi muốn có quân đội ở 6 nước ngay lúc này, có thể nhiều hơn nữa.”
Ông Paul không hoàn toàn loại bỏ sử dụng lực lượng quân sự, và nói rằng mới đây ông đã đưa ra tuyên chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo, ISIS.
Ông Ted Cruz tỏ ra quyết liệt hơn. Ông nói, “Cách để đánh bại nhóm ISIS là một mục tiêu quân sự rõ ràng, và đơn giản. Chúng ta sẽ tiêu diệt chúng. 20 tháng kể từ bây giờ, hãy hình dung một tổng tư lệnh quân đội, đứng lên và nói một cách rõ ràng, chúng ta sẽ tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan.”
Trong cuộc phỏng vấn với chương trình Face the Nation của đài truyền hình tin tức CBS, ông Rubio chỉ trích các chính sách của bà Clinton về việc “tái lập” quan hệ với Nga và cách đáp ứng của bà về cái chết của 4 người Mỹ tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Benghazi của Libya vào năm 2012.
“Giờ đây, các nước đồng minh của chúng ta bớt tin tưởng chúng ta hơn. Các kẻ thù của chúng ta ít sợ chúng ta hơn,” Ông Rubio nói. “Và Hoa Kỳ, hiện nay, ít có ảnh hưởng trên thế giới hơn 4 đến 6 năm trước đây.”
Thành viên Đảng Cộng Hòa thường xuyên chỉ trích các chính sách của Tổng thống Obama, nhưng một vài người sẽ ra tranh cử chưa nêu rõ lập trường của mình.
Trước đó tại hội nghị, cựu thống đốc Florida Jeb Bush, mà anh của ông Tổng thống George W. Bush là người đã quyết định đưa quân vào Iraq năm 2003, thừa nhận có sự thay đổi trong đảng ông chống lại hoạt động quân sự mới ở nước ngoài.
Ông nói, “Kẻ thù của chúng ta cần sợ chúng ta, đôi chút thôi, chỉ đủ để họ tránh gây bất ổn.” Ông Bush nói khôi phục liên minh “để giảm bớt khả năng đưa quân đến thực địa phải là vấn đề ưu tiên, ưu tiên hàng đầu của tổng thống kế tiếp.”
Thượng nghị sĩ bang South Carolina, Lindsey Graham cho rằng để đánh bại thành phần chủ chiến thì, “Anh đến đó và chiến đấu với chúng để chúng không đến đây.” Ông nói thêm rằng nếu các phần tử chủ chiến không bị đánh bại, Hoa Kỳ không tránh khỏi phải gửi quân trở lại Trung Đông để ngăn một vụ tấn công khác theo kiểu cuộc tấn công 11 tháng 9.
Nữ doanh nhân Carly Fiorina kêu gọi Hoa Kỳ có chính sách ngoại giao kiến quyết hơn. “Thế giới trở thành một chỗ nguy hiểm hơn và nhiều thảm hoạ hơn khi Hoa Kỳ không giữ vai trò lãnh đạo. Và Hoa Kỳ đã không lãnh đạo khá lâu.”
Một liên minh gồm các nước Tây phương và Ả Rập, do Hoa Kỳ lãnh đạo đang thực hiện các cuộc oanh kích nhắm vào các mục tiêu của nhóm IS ở Iraq và Syria. Ngoài ra còn có các cố vấn quân sự Mỹ ở Iraq trợ giúp các lực lượng an ninh hoạch định những cuộc hành quân chống nhóm IS ở miền bắc và miền tây Iraq.
Bà Clinton sẽ đến New Hampshire trong tuần này. Bà đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire vào năm 2008, trước khi bị mất sự đề cử của đảng vào tay ông Barack Obama. – VOA
Tin Việt Nam
6.
Philippines: VN khởi xướng đề nghị đối tác chiến lược mới chống TC
Tổng Thống Philippines Benigno Aquino loan báo chính Hà Nội là phía đã đưa ra đề xuất hình thành một đối tác chiến lược mới với Philippines, mà hai nước đang thương thuyết để chống lại ‘các hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo quy mô của Trung Quốc trong Biển Đông’.
Nhà lãnh đạo Philippines đưa ra bình luận vừa kể trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo South China Morning Post, khi nói đến hợp tác chiến lược với Việt Nam, một nước mà theo tờ báo này, “trong suốt chiều dài lịch sử đã có quan hệ thù nghịch với Trung Quốc”.
Tổng Thống Aquino nói rằng những chi tiết của một hiệp định hợp tác chiến lược vẫn đang trong vòng hình thành, và cho tới thời điểm này, ngày ký kết vẫn chưa được ấn định.
Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho phóng viên Raissa Robles của tờ South China Morning Post, Tổng Thống Aquino nói khi có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với một đối tác chiến lược, thì luôn luôn “có chỗ đứng cho một cuộc đối thoại dựa trên lẽ phải hơn là phản ứng bằng cách xác định lợi ích quốc gia riêng rẽ của mỗi nước”.
Philippines vốn đã có quan hệ liên minh với Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai nước đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về điều mà họ cho là những hành động bành trướng tại Biển Đông. Hồi đầu tháng này, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris Jr., đã bày tỏ hoài nghi về các ý đồ của Trung Quốc khi cho xây điều mà ông mô tả là “Vạn lý Trường Thành bằng Cát” trên Biển Đông.
Tờ báo Hoa Nam Buổi Sáng hôm nay tường thuật rằng cuộc tranh chấp Biển Đông đã trở thành một đề tài gây căng thẳng chính trị giữa các nước trong vùng, với những tuyên bố chủ quyền chồng chéo giữa 6 nước, kể cả Việt Nam, chủ yếu tập trung quanh các quyền khai thác hải sản và dầu hoả.
Trung Quốc một mực khẳng định rằng hầu hết vùng Biển Đông trong phạm vi đường 9 đoạn – do chính Bắc Kinh vẽ ra – là thuộc chủ quyền ‘không thể tranh cãi của Trung Quốc. Sự kiện này đã đẩy Philippines tới quyết định yêu cầu Toà án Trọng tài Quốc tế phân xử cuộc tranh chấp, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Theo dự kiến, Toà án quốc tế tại La Hayes sẽ ra phán quyết trong vòng 6 tháng nữa hoặc vào đầu năm tới. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện này, và có phần chắc sẽ không chấp nhận phán quyết của Toà án quốc tế.
Đề cập tới tin này hôm nay, trang mạng của GMA nói rằng Philippines và Việt Nam đang hoàn tất những chi tiết cuối cùng của một hiệp định đối tác chiến lược. Nguồn tin này dẫn lời Bộ trưởng Truyền Thông Philippines Herminio Coloma cho hay hai nước đang làm việc để xác định những chi tiết của quan hệ đối tác chiến lược đã được đề nghị.
Tin GMA nhắc lại rằng hồi đầu năm nay, Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã gặp Ngoại Trưởng Philippines Albert del Rosario ở Manila, và trong cuộc gặp này hai bên đã đồng ý củng cố quan hệ song phương.
Một khi ký hiệp định đối tác chiến lược, Philippines và Việt Nam sẽ củng cố hơn nữa các quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh.
Trang tin tức của GMA còn cho biết Trợ lý Ngoại Trưởng Philippines Luis Cruz tiết lộ tại một cuộc họp báo khác rằng Hà Nội đã đề nghị mở một cuộc họp song phương với Philippines trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tuần tới.
Ông Cruz nói thêm rằng nếu cuộc gặp song phương nay diễn ra, thì các động thái mới nhất của Trung Quốc trong Biển Đông chắc chắn sẽ đứng đầu trong nghị trình làm việc của hai nước.
Trong tuyên bố chung được đưa sau cuộc hội đàm với Tổng thống Benigno Aquino hôm 21/5/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế và ‘đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực’.
Tổng Thống Philippines nói thế giới đang theo dõi xem Trung Quốc làm gì. Ông nói thêm rằng cổ vũ cho ổn định khu vực, đặc biệt ở Biển Đông, phù hợp với các lợi ích của Trung Quốc, vì Biển Đông mà Philippines gọi là biển Tây Philippines, nằm trên tuyến hàng hải nơi 40% thương mại thế giới phải đi ngang, và sự ổn định tại đây sẽ giúp Trung Quốc cải thiện nền kinh tế của nước họ. – VOA