Nguyễn Tấn Dũng chào thua Machiavelli

ntd-machiavelli“Các lãnh tụ Cộng Sản thời Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Hồ Chí Minh đều áp dụng bài học Machiavelli dạy, và đều thành công trong cuộc đời đóng kịch của họ. Nhưng đến thời nay, đám con cháu của họ không thể dùng các thủ đoạn dối trá nữa. Dù có thể đóng kịch giỏi tạo hình ảnh đã đạt được bốn trong năm năm điều kiện mà Machiavelli khuyên bảo, nhưng điều kiện khó đóng kịch dối nhất là chứng tỏ một niềm tin.

Một người chính trị không thể dùng thủ đoạn dối trá nếu không chứng tỏ mình còn tin vào một lý tưởng hay khát vọng nào đó, một niềm tin được nhiều người chia sẻ.”

Ngô Nhân Dụng

Các lãnh tụ Cộng Sản rất giỏi trong nghề nói dối, và họ đã thành công trong việc đánh lừa dân nhiều lần. Chẳng hạn, năm 1945 Hồ Chí Minh tuyên bố giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương; mục đích là đánh lừa các tướng Tàu, đánh lừa các đảng phái quốc gia, và đánh lừa dân chúng cả nước Việt Nam. Bề ngoài, Đảng Cộng Sản không còn nữa, đến năm 1950 mới tái sinh dưới tên mới là Đảng Lao Động.

Nhưng từ 1945 tới 1950 Đảng Cộng Sản Đông Dương vẫn hoạt động, vẫn kết nạp đảng viên và thủ tiêu những người bất đồng ý kiến. Năm 1947 và 48, Hồ Chí Minh vẫn nhân danh đảng gửi thư cho Mao Trạch Đông. Một cuộc triển lãm năm 2007 tại Hà Nội còn trưng bày những điện văn Hồ gửi cho Mao mà Trung Cộng còn lưu giữ. Trong các thư này Hồ nhân danh “Ban Chấp Hành TW Đảng Cộng Sản Đông Dương gửi Ban Chấp Hành TW Đảng Cộng Sản Trung Quốc” (nguyên văn bản dịch chính thức). Bức thư ngày 18 tháng 4 năm 1947 viết, “Từ nay về sau tôi sẽ thường xuyên thông báo những tin tức và tình hình kháng chiến chống Pháp của Việt Nam và chính sách của đảng và chính phủ trong kháng chiến. Hy vọng các đồng chí có thể thường xuyên đề xuất ý kiến và góp ý.” Bức thư ngày 20 tháng 2 năm 1948 gửi lời mời, “Chúng tôi quyết định triệu tập đại hội đại biểu toàn quốc của đảng vào tháng 8, 1948. Hy vọng quý đảng chuẩn bị cử đại biểu đến dự đại hội để cung cấp cho chúng tôi kinh nghiệm cách mạng của các đồng chí, đồng thời hy vọng thông báo giúp bốn đảng anh em Liên Xô, Nhật Bản, Miến Điện, Ấn Độ cử đại biểu tham gia. Đường đến có hai tuyến, hoặc là từ Hương Cảng đến Châu Nam rồi tới Việt Nam, hoặc đến Xiêm La.”

Sau năm 1954, văn kiện Đảng Cộng Sản công khai thú nhận rằng việc tuyên bố giải tán đảng chỉ là một thủ đoạn đánh lừa. Nhưng lúc đó dân Việt đã chui vào rọ của đảng rồi, không ai dám hỏi tội lừa bịp cả.

Đảng Cộng Sản chuyên dối trá. Và đã thành công! Cho nên, nửa thế kỷ sau đám con cháu vẫn tiếp tục thói man trá. Khi lên làm thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố sẽ tấn công tham nhũng, còn to miệng thề thốt rằng nếu không diệt được tham nhũng sẽ từ chức. Để bắt đầu, Nguyễn Tấn Dũng thu tất cả các xí nghiệp quốc doanh vào trong tay mình. Rồi thành lập các doanh nghiệp nhà nước lớn, bổ nhiệm tay chân cầm đầu, như Vinashin, Vinalines. Được mấy năm, những vụ tham nhũng hàng tỷ Mỹ kim tại các doanh nghiệp này bị đổ bể. Khi bị hạch, Nguyễn Tấn Dũng trâng tráo chối biến trách nhiệm của mình: Tôi làm thủ tướng là do Đảng (Cộng Sản) bảo tôi làm, Đảng trao phó nhiệm vụ tôi phải nhận. Tức là mất mấy tỷ đô la nhưng không thằng nào con nào có tội hết!

Đảng viên Cộng Sản chuyên môn nói dối không phải vì cha mẹ họ dạy con như vậy, nhưng vì họ đã được đảng dạy. Họ vào đảng để “tranh đấu.” Đảng Cộng Sản ra đời để “đấu tranh giai cấp.” Mà trong các cuộc đấu tranh thì nói dối là việc bình thường: “Binh bất yếm trá.” Cho nên trước khi có chiến tranh Cộng Sản đã gài gián điệp khắp nơi rồi, gián điệp là đỉnh cao của nghề lừa bịp, được tuyên dương về tài lừa thầy phản bạn cũng không tự thấy thẹn thùng. Họ gọi nghề dối trá bằng cái tên “thủ đoạn chính trị.”

Các nhà chính trị phương Tây, dù Cộng Sản hay tư bản, đều biện minh cho thủ đoạn dối trá trong chính trị bằng những lý luận của Machiavelli. Nguyễn Tấn Dũng nghĩ rằng trong mười năm mọi người sẽ quên hết, không ai còn nhớ những lời cam kết chống tham nhũng nữa. Năm thế kỷ trước đây, Niccolo Machiavelli (1469-1527) viết cuốn Quân Vương (Il Principe) đã dạy rằng dân chúng như trẻ con, chúng rất mau quên. Hơn nữa, trong chương 18, Machiavelli nhắc lại điển tích đời xưa Achilles và các nhà lãnh tụ khác đều được các con Centaur Chiron nuôi dưỡng, con vật thần thoại này đầu người mình ngựa. Ông nói thẳng rằng các quân vương phải biết hành động theo lối “nửa người nửa thú,” cả hai không bỏ cái nào được.

Nhưng làm học trò của Niccolo Machiavelli không dễ. Nguyễn Tấn Dũng không thể cứ tiếp tục đóng vai “nửa người nửa thú.” Vì Il Principe không chỉ khuyên các nhà chính trị nói dối. Một quy tắc của Machiavelli là: Muốn gian dối phải làm cho mọi người tưởng rằng mình là người đáng tin! Thủ đoạn dối trá chỉ có thể thành công trong một số điều kiện, trong đó có phần chủ quan nơi người gian thi hành thủ đoạn. Nhà chính trị trước hết phải làm sao cho người ta tin rằng mình là người thành thật, đáng tin, không bao giờ dối trá.

Cho nên Machiavelli khuyên các lãnh tụ chính trị phải làm sao mọi người thấy mình là một người hiền từ, chung thủy, nhân đạo, chính trực, và có tín ngưỡng. Ông nhấn mạnh, “Điều cần thiết nhất là phải tạo hình ảnh mình là người có đức tính thứ năm,” tức là tín ngưỡng. Vào thế kỷ 16, điều này có nghĩa là các quân vương phải có bề ngoài của một người “ngoan đạo.” Chỉ khi nào nhà chính trị làm cho dân tin rằng mọi hành động của mình đều do một đức tin nhiệt thành chỉ đạo thì lúc đó mới có khả năng làm những việc dối trá. Như câu tục ngữ Ý từ thời đó đã nói, “Alexander nói những điều không làm, Cesare làm những điều không nói;” bởi vì cả vị giáo hoàng lẫn cậu con trai Cesare Borgia có thể khiến dân tin tưởng rằng họ có đủ năm đức tính, trong đó tín ngưỡng quan trọng nhất.

Các lãnh tụ Cộng Sản thời Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Hồ Chí Minh đều áp dụng bài học Machiavelli dạy, và đều thành công trong cuộc đời đóng kịch của họ. Nhưng đến thời nay, đám con cháu của họ không thể dùng các thủ đoạn dối trá nữa. Dù có thể đóng kịch giỏi tạo hình ảnh đã đạt được bốn trong năm năm điều kiện mà Machiavelli khuyên bảo, nhưng điều kiện khó đóng kịch dối nhất là chứng tỏ một niềm tin.

Stalin, Mao, Hồ hay Pol Pot ít nhất cũng trình bày họ với hình ảnh những người nhiệt thành tin tưởng vào một chủ nghĩa. Bây giờ, Chủ Nghĩa Cộng Sản đã chết, không ai có thể chối cãi được. Kẻ nào còn tuyên dương giáo điều Cộng Sản, như Nguyễn Phú Trọng bắt buộc vẫn phải làm, thì chỉ khiến mọi người nhìn mình như một anh không “lú” cũng “khùng.”

Một người chính trị không thể dùng thủ đoạn dối trá nếu không chứng tỏ mình còn tin vào một lý tưởng hay khát vọng nào đó, một niềm tin được nhiều người chia sẻ.

Vladimir Putin vẫn dối gạt dân chúng và đang thành công, vì ông ta không còn dính dáng gì đến chủ nghĩa Cộng Sản nữa. Putin đã “cải đạo,” bây giờ dân Nga nhìn ông như một lãnh tụ cố gắng tái lập địa vị huy hoàng của nước Nga như thời các hoàng đế cũ. Các lãnh tụ Cộng Sản ở Bắc Kinh cũng không còn nói đến chủ nghĩa Mác-Lê Nin cũng như Mao Trạch Đông nữa. Họ thay thế cái áo khoác đó bằng niềm hy vọng vào một đế quốc Đại Hán mới. Còn những lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam thì chưa dám xé bỏ ngọn cờ Mác Xít! Cho nên những thủ đoạn dối trá sẽ không hiệu nghiệm!

Mất cái áo khoác của một chủ nghĩa, các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang chỉ còn lo tranh giành quyền lực với nhau, lộ nguyên hình là những tay hoạt đầu chính trị. Những thủ đoạn chính trị kiểu Machiavelli không thể dùng được nữa. Bọn họ cũng không thể bắt chước Putin hay Tập Cận Bình, tự khoác cho mình những cái áo khoác mới. Vì người dân Việt đã thấy cả tập đoàn lãnh đạo đảng “hèn với giặc, ác với dân” như thế nào.

(Theo bài Nguyễn Tấn Dũng không thể học Machiavelli )

http://www.nguoi-viet.com/