Chu Tất Tiến.
Thời gian gần đây, vụ Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đề nghị dự luật S-219 tại Thượng Viện Canada làm dấy lên một làn sóng dư luận chống đối giữa hai phe bênh và chống. Phải nói một sự thật là phe chống đông hơn phe bênh, phe chống có rất nhiều lý lẽ khích động, và gồm nhiều thành phần: Một vài người có bằng cấp, một số lớn người tỵ nạn Cộng Sản có mất mát đau thương trong ngày 30-4, một vài tổ chức chống Cộng cực đoan, đồng thời cũng có những kẻ theo đóm ăn tàn, chỉ biết chửi tục và vài tên hề-diễn đàn như Ngô Kỷ và một số tên nằm vùng, tay sai Cộng Sản. Ngược lại, phe bênh thì vắng người hơn, cho dù lý lẽ cứng rắn hơn, nhưng hình như không thuyết phục được phe chống nhiều cảm tính hơn, và thường dựa vào quá khứ đau thương của dân tộc mà kết án Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải. Một số người bênh có đưa ra quá khứ chiến đấu trước 1975 và những tranh đấu cho việc Dân Chủ Hóa Việt Nam trong chính trường của Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải để làm bằng chứng, tuy nhiên, tiếng nói này thường bị khuất lấp bởi những xúc động của người dân tỵ nạn Cộng Sản, khi nhớ lại những đau thương mà bọn “hèn với giặc, ác với dân” này đã gây ra cho dân tộc.
Trong phạm vi một bài viết nhỏ, không với mục đích bênh cá nhân Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải, mà chỉ muốn lấy lại sự công bằng cho một sự việc, một cá nhân đã tạo nên sự việc đó, người viết sẽ không nhắc lại thành tích quá khứ của nhân vật này, mà chỉ nhìn đến sự việc dưới cặp mắt khách quan, khoa học mà thôi. Lý do: thành tích quá khứ không chứng minh được sự việc hiện tại. Đã có bao người từng là lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa chống lại Cộng Sản kịch liệt, nay đã đầu hàng giặc, làm nhục danh dự Việt Nam. Đã có biết bao nhiêu người theo diện cựu tù cải tạo sang Mỹ giờ về làm “tà lọt” cho nhà nước Cộng Sản như con trai một cựu tù cải tạo nay đã làm rể tên bán nước buôn dân Nguyễn tấn Dũng và rất nhiều gia đình cả bố con từng tù cải tạo khác đang làm công nhân viên chức cho nhà cầm quyền này. Ngay trong cộng đồng hải ngoại, rất nhiều người từng la lối chống cộng to tiếng nhất nay cũng âm thầm làm chó săn cho giặc.
1) Tiến trình của dự luật S-219: Theo báo chí Canada, Nghị sĩ Ngô Thanh Hải đưa ra dự luật S-219 là để tưởng nhớ hai triệu người đã bỏ nước ra đi, 250 ngàn người bỏ mình trên biển cả, cám ơn Canada đã nhận 300 ngàn, cám ơn chính phủ và nhân dân Canada đã mở rộng vòng tay đón tiếp người tị nạn Việt Nam, đồng thời để công nhận giải thưởng Nelson mà Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã trao cho quốc gia Canada về thành tích đóng góp rất nhiều trong vấn đề tị nạn. Thoạt đầu, ông đề nghị dự luật S219 đặt tên cho ngày 30-4 là Black April Day (Tháng Tư Đen). Nhưng sau đó, Thủ tướng Canada đề nghị đổi lại là Journey To Freedom Day với mục đích để cho dân Canada hiểu rõ hơn ý nghĩa dự luật.
2) Nội dung dự luật: Phần mở đầu dự luật ghi rõ là để “bày tỏ sự trân trọng về một ngày quốc lễ để tưởng niệm đến việc di cư của các người dân tỵ nạn Việt Nam và sự chọn lựa sinh sống và được sống tại Canada của họ sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ và chấm dứt chiến tranh Việt Nam”.
Điều 2 của dự luật ghi: “Khắp đất nước Canada và hàng năm và mỗi năm, ngày 30 tháng Tư (30/4) sẽ được biết đến như là ‘Ngày Hành trình đến Tự do’.” “Ngày này để “mọi người nhớ đến và tưởng niệm những mạng người đã bị mất và những kinh nghiệm đau đớn mà những người tỵ nạn phải trải qua trong cuộc di cư của người dân Việt và sự được chấp nhận cho người Việt được sinh sống tại Canada và được chính phủ Canada chấp thuận, và cũng là để nhớ đến sự đóng góp của người dân Canada – và người Việt mà số dân này hiện nay có vào khoảng 300.000 người trong xã hội Canada.”
Như thế, không có khoản nào mang ý nghĩa là “xóa bỏ ngày Quốc Hận”, hay xóa bỏ ý nghĩa của ngày mà Việt Nam Cộng Hòa thất thủ trước sự cưỡng chiếm của Cộng Sản quốc tế. Ngược lại, Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đã tạo thêm danh dự cho Việt Nam khi thuyết phục được một Nghị Viện nước ngoài chấp nhận một ngày lễ của riêng dân Việt trên xứ sở của một nước ngoại quốc thành một ngày lễ quốc tế!
3) Ý Nghĩa của nhóm danh từ: Ngày Quốc Hận! Nhóm chữ “Ngày Quốc Hận” thật ra là do người miền Nam dưới chế độ Cộng Hòa đặt ra mà thôi. Đúng ra, phải viết dài và đủ như sau: “Ngày Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa uất hận trước việc mất nước.” Tại sao lại dài giòng thế? Vì nếu viết “ngày Việt Nam uất hận..” thì không đúng với sự kiện cụ thể, vì gần 40 triệu người miền Bắc, cũng là người Việt Nam, lại vui mừng trước ngày 30-4, vì đối với họ là ngày Giải Phóng! Cho nên phải nói rõ ràng là chỉ có miền Nam mới uất hận mà thôi. (Chữ Hận ở đây phải hiểu là Uất Hận, chứ không phải Thù Hận, hay Hận Ghét, vì nếu theo ý nghĩa của hai tĩnh từ sau, thì hóa ra mình là người chỉ biết thù hận mà thôi sao?) Nhưng trên phương diện văn chương, chữ nghĩa, chúng ta phải bỏ hết cái dài giòng đi mà dùng ngắn gọn: Ngày Quốc Hận. Mà sử dụng chữ này ở đâu? Dĩ nhiên, như đã nói trên, chỉ sử dụng trong phạm vi người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chỉ sử dụng trong các cuộc hội họp, biểu tình của cộng đồng Việt Hải ngoại, cũng như chỉ sử dụng trong lãnh vực truyền thông, báo chí của cộng đồng hải ngoại mà thôi, không áp dụng cho miền Bắc! Nếu đã không thể sử dụng cho miền Bắc Việt Nam, thì lại càng không thể ép người ngoại quốc phải sử dụng chữ đó được. Không thể bắt người Mỹ, người Canada, người Úc phải đồng ý với mình là phải tôn trọng chữ “Quốc Hận” trong phạm vi của nước họ! Họ có “hận” cái gì đâu, có mất nước đâu mà bắt họ phải để tang ngày 30-4?
Nên nhớ : dự luật S-219 nếu được thông qua bởi Hạ Viện Canada, thì sẽ áp dụng chính thức trên toàn quốc Canada, cho người Canada, không phải cho người tị nạn Việt trên đất Canada! Nếu chỉ cho người Việt trên đất Canada thì cần gì phải đến Thượng Viện, Hạ Viện Canada thảo luận, biểu quyết và thông qua bằng Luật chính thức của Canada! Đến ngày 30-4, cộng đồng Việt cứ việc tổ chức mít tinh, chẳng cần ai chấp thuận, cứ treo biểu ngữ to thật to: TƯỞNG NIỆM NGÀY QUỐC HẬN 30-4! Ai nói gì đâu? Ai dám xóa bỏ chữ này đâu? Ai dám đến giật cái biểu ngữ này xuống? Ngay cả Thủ Tướng Canada cũng chẳng dám làm việc này, huống hồ một ông Thượng Nghị Sĩ Việt!
Tóm lại, nhóm chữ NGÀY QUỐC HẬN không hề bao giờ có trong tự điển Canada, cho nên dự luật S-219 không thể xóa bỏ được, vì không có, lấy chi mà xóa bỏ! Người ta nói: “xóa bàn cờ” đi làm lại, chỉ khi nào trên bàn cờ đã có quân, đã có chiến đấu, một bên thắng, một bên đã thua, chứ không ai nói “xóa bàn cờ” khi chẳng có quân nào trên cái miếng gỗ chỉ có mấy cái gạch chéo được! Nói “Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải âm mưu xóa bỏ ngày Quốc Hận” là nói theo kiểu Việt Cộng, chụp mũ này vào cái đầu kia, treo đầu dê mà bán thịt chó, lập lờ đánh lận con đen, lừa gạt dư luận.
Kết luận: Thực tế, Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải, với tình yêu nước Việt Nam Cộng Hòa, ông đã từng đề nghị ngày 30-4 là ngày Tháng Tư Đen, nhưng không được chấp thuận, vì với Canada, chẳng có tháng nào là tháng Đen cả. Chính Thủ Tướng Canada là người bạn thân thiết với cộng đồng Việt di tản, rất mến dân Việt tị nạn, mới chấp thuận cho Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đưa dự luận ấy ra Quốc Hội Canada để thảo luận, và lại còn góp ý sửa danh xưng cho thích hợp với dân Canada, chứ còn với danh từ Quốc Hận, thì mãi mãi ngày 30-4 vẫn chỉ lặng lẽ đến với dân Việt tị nạn mà thôi. (Ngay chính người Việt gốc Cộng cư ngụ ở Canada cũng phản ứng kịch liệt với đề nghị này.)
Điều đáng buồn là trong vụ việc này, đại đa số những người không đồng tình với danh xưng này đều chưa hiểu rõ những diễn tiến của sự việc, mà chỉ vì cảm tình quá nặng với đất nước, cảm xúc quá mạnh với sự kiện phải bỏ nước ra đi ngày 30-4 năm ấy, đã hòa với một nhóm hề-diễn đàn, và tay sai nằm vùng, mà tấn công Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải rất nặng lời. Nào là “thằng Hải, thằng Hủi, thằng Việt Cộng họ Ngô, thằng bán đứng dân tộc, thằng Nghị Sĩ…” mà quên mất cái vốn văn hóa văn minh của người miền Nam trước 1975. Khi ấy, chỉ có Việt Cộng mới gọi “thằng Thiệu, thằng Kỳ”, còn báo chí, truyền thông miền Nam vẫn lịch sự viết “Hồ chí Minh, Võ Nguyên Giáp…” (*) Nếu chúng ta, chỉ vì cảm xúc mà gọi một nhân vật làm rạng danh Việt Nam như thế, chúng ta đã dẫm phải vết dép Bình Trị Thiên của Việt Cộng là những kẻ vô văn hóa, vô học, vô tổ quốc, vô tín ngưỡng. Ít nhất, khi tranh luận mà bất đồng ý kiến với ai, cũng nên tôn trọng người đối lập, không nên à uôm mà chửi tán loạn, biến diễn đàn thành cái chợ cá, chứ không phải diễn đàn đối thoại nữa. Hơn nữa, “lời nói đọi máu”, một khi đã chửi người ta nặng lời rồi sau thấy mình sai, thì làm sao mà sửa chữa? Nếu không nói là vì phản ứng quá mạnh của người mình, mà Hạ Viện Canada bác bỏ dự luật tốt đẹp này đi, có phải tội ác đó thì mình phải gánh không? Mà gánh mãi đến bao giờ mới rửa được tội ác chống lại dân tộc Việt Nam như thế?
Chu Tất Tiến
(*) Chỉ trừ những tên trở cờ chuyên phá hoại cộng đồng, như Nguyễn Phương Hùng, Ngô Kỷ, Nguyễn Ngọc Lập, và nhóm Việt Weekly thì không thể gọi bằng những danh xưng thông thường được. Chúng nó chỉ có một tên duy nhất: Những kẻ khốn nạn.