Giới phân tích vạch trần ý đồ quân sự hóa đảo Phú Lâm của TQ

Tin Việt Nam – Tin Cập Nhật Thứ Sáu 10/10

dao_phu_lamGiới phân tích vạch trần ý đồ quân sự hóa đảo Phú Lâm của TQ — Hà Nội tố cáo Bắc Kinh xây phi đạo — Mỹ bác bỏ luận điểm của TQ

Vào hôm qua, 09/10/2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã “kiên quyết” phản đối việc Bắc Kinh xây dựng phi đạo và những cơ sở khác trên đảo Phú Lâm, thuộc vùng quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã đánh chiếm từ năm 1974. Phản ứng của Việt Nam đã được giới quan sát ghi nhận là cứng rắn, tương ứng với các mối đe dọa quân sự tiềm tàng mà các công trình này đặt ra cho Việt Nam cũng như các nước khác.  

Hãng tin Bloomberg của Mỹ, trong một bài viết công bố hôm nay, 10/10/2014, đã trích dẫn một số chuyên gia nhận định rằng phi đạo cũng như các cơ sở khác mà Bắc Kinh xây dựng trên đảo Phú Lâm và quần đảo Hoàng Sa, ngoài mục tiêu xác lập “chủ quyền thực tế” của Trung Quốc trên những thực thể mà họ đã cưỡng chiếm bằng võ lực, còn có chức năng quân sự, làm bàn đạp cho Trung Quốc khống chế toàn bộ Biển Đông.

Theo ông Collin Koh, chuyên gia tại trường nghiên cứu các vấn đề quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, vụ giàn khoan HD-981 vào mùa hè vừa qua đã nêu bật các hạn chế của Trung Quốc trong việc giám sát khu vực từ trên không. Trong tình hình đó, Bắc Kinh sẽ biến đảo Phú Lâm – tiền đồn của Trung Quốc tại Biển Đông – thành một trung tâm chỉ huy quân sự và điều hành kiểm soát mạng lưới giám sát vùng biển.

Trả lời Bloomberg qua điện thoại, chuyên gia này thẩm định: “Vấn đề không chỉ là kéo dài đường băng, mà là xây dựng các nơi trú ẩn cho các loại máy bay nhỏ như chiến đấu cơ, hầm ngầm chứa nhiên liệu và đạn dược.”

Ông Alexander Vuving, một chuyên gia phân tích an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Hawaii đã gắn liền các hành động xây dựng của Trung Quốc tại Hoàng Sa với việc Bắc Kinh đang tạo ra những hòn đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa.

Theo ông Vuving: “Trung Quốc đang gửi một thông điệp tới tất cả mọi người trên thế giới về quyết tâm bảo vệ cái mà họ gọi là sự toàn vẹn lãnh thổ”. Đối với chuyên gia Vuving, với tất cả các hành động tại Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đang càng lúc càng cứng rắn.

Thái độ cứng rắn trên đây đã thể hiện rõ rệt qua việc Bắc Kinh như đã rầm rộ loan báo việc “hoàn tất phi đạo” trên đảo Phú Lâm ngày 07/10/2014, khi cung cấp cho truyền thông Trung Quốc một loạt ảnh chụp về các công trình đã thực hiện.

Nhật báo Hồng Kông có uy tín South China Morning Post trong số ra ngày hôm qua 09/10/2014, đã không ngần ngại gọi hành động phô trương đó là tín hiệu hù dọa gởi đến Việt Nam và Mỹ, nhất là khi một số nhà phân tích quân sự Trung Quốc được tờ báo Hồng Kông trích dẫn đã không che giấu ý đồ quân sự hóa vùng Hoàng Sa của Trung Quốc.

Ông Nghê Lạc Hùng (Ni Lexiong), chuyên gia quân sự làm việc tại Thượng Hải khẳng định răng đường băng trên đảo Phú Lâm sẽ là một chiếc “tàu sân bay không thể đánh chìm, một căn cứ lý tưởng cho phi cơ của Hải quân Trung Quốc lên xuống”.

Một chuyên gia Trung Quốc khác trong lãnh vực Hải quân là ông Lý Kiệt (Li Jie) tại Bắc Kinh còn dự đoán rằng phi đạo quân sự đó sẽ mở đường cho Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Đối với chuyên gia này, phi đạo trên đảo Phú Lâm đã biến nơi này thành “sân bay quân sự lớn nhất ở miền cực Nam Trung Quốc”, có thể góp phần nâng cao năng lực của chiến đấu cơ Trung Quốc, phục vụ các chuyến bay thám thính, thậm chí cho pháp chống hành động do thám của nước ngoài.

Hai ngày sau khi báo chí Trung Quốc loan báo sự kiện nước này đã hoàn tất việc xây dựng một phi đạo dài 2000 mét trên đảo Phú Lâm, hôm qua, 09/10/2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức lên tiếng “kiên quyết” phản đối. Hà Nội xem đấy là một vụ “xâm phạm nghiêm trọng” chủ quyền của Việt Nam.

Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình xác định rằng sự kiện Trung Quốc hoàn tất các công trình trên đảo Phú Lâm, trong đó có phi đạo dài 2.000 mét, “đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, vì “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Hành động của Trung Quốc, theo ông Lê Hải Bình, còn vi phạm các cam kết của Trung Quốc đối với Việt Nam, cũng như đối với ASEAN, vi phạm luật pháp quốc tế và “làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng và phức tạp, không có lợi cho việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước”.

Đối với phía Việt Nam, hành động của Trung Quốc là “vô giá trị”, và: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không để tái diễn những hành động sai trái tương tự”.

Phi đạo dài 2.000 mét là một trong nhiều công trình kiên cố mà Trung Quốc cho xây dựng trên đảo Phú Lâm (Woody Island) mà Bắc Kinh gọi là Vĩnh Hưng (Yongxing ), thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg vào hôm nay, với vụ phi đạo Trung Quốc tại Hoàng Sa, quan hệ Việt Nam Trung Quốc có nguy cơ căng thẳng trở lại. Theo ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, các công trình quân sự của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm mang “một ý nghĩa rất lớn đối với khả năng Trung Quốc áp đặt chủ quyền của họ trên Biển Đông”. Theo chuyên gia này: “Việt Nam không thể bỏ qua dễ dàng. Điều này sẽ dẫn đến những căng thẳng ngoại giao mới.”

Trong khi đó, Washington bác bỏ phản ứng của Trung Quốc về thông cáo chung Mỹ-Ấn bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông. Hôm qua, 09/10/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Jen Psaki, tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng lập trường của chúng tôi không thay đổi trong vấn đề này. Các vị biết rõ là chúng tôi chắc chắn làm việc với các nước trong vùng về các vấn đề hàng hải”.

Sau khi khẳng định Ấn Độ là một đối tác quan trọng, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, vấn đề Biển Đông không chỉ được thảo luận mà đây còn là một trong những nội dung đạt được trong các cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ và lãnh đạo Mỹ, vào cuối tháng Chín.

Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 30/09, tại Washington, hai bên đã ra thông cáo chung, trong đó có đề cập trực tiếp đến vấn đề Biển Đông.

Thông cáo viết: “Hai lãnh đạo bày tỏ quan ngại về việc căng thẳng gia tăng do các tranh chấp hàng hải và khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh hàng hải, bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và trên không trong vùng này, đặc biệt là tại Biển Đông”.

Trong thông cáo, lãnh đạo Ấn Độ và Hoa Kỳ kêu gọi “tất cả các bên tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để thực hiện quyền đòi hỏi của mình” và hỗ trợ tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho khu vực.

Trong tuần này, Trung Quốc đã có phản ứng về thông cáo chung Mỹ-Ấn. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, lập trường của Bắc Kinh là “tranh chấp tại Biển Đông cần phải được giải quyết giữa các nước trực tiếp liên quan, thông qua đàm phán và tham khảo. Không một bên thứ ba nào nên can thiệp vào việc này”. – RFI

Bế tắc ở sông Mekong

Ngày 8 tháng 10 năm 2014 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, tổ chức phi chính phủ Stimson tổ chức một cuộc hội thảo về những tác động môi trường do việc xây dựng các đập nước khổng lồ trên dòng chính sông Mekong. Cuộc hội thảo bàn tới các xung đột quyền lợi của các quốc gia có sông Mekong chảy qua. Chủ trì cuộc hội thảo là Tiến sĩ Richard Cronin, giám đốc chương trình Đông nam Á của tổ chức Stimson. Hội thảo cũng có một diễn giả đến từ Trung quốc là bà Yongmin Bian hiện đang nghiên cứu về luật môi trường tại đại học Georgetown, Hoa Kỳ.

Sông Mekong, nguồn sống của hàng chục triệu người dân châu Á, trở thành điểm nóng của các nước này. Trung Quốc xây hơn chục con đập ở thượng nguồn khiến ngư dân, nông dân ở các nước hạ nguồn gặp khó. Trong khi đó, các nước khác cũng tính chuyện xây thêm 11 con đập khác, nhằm khai thác thuỷ điện, khiến các lo ngại về hệ sinh thái cũng như an ninh thực phẩm ngày càng gia tăng.

Viễn cảnh tối tăm

Tiến sĩ Richard Cronin, giám đốc chương trình Đông Nam Á của tổ chức Stimson, chia sẻ:

Richard Cronin: 1995 các nước sông Mekong là Lào, Thái Lan, Việt nam và Cam Pu chia đã ký một thỏa thuận nhằm cố gắng tái lập sự hợp tác bền vững và tập trung chủ yếu vào dòng chính của con sông vì những tác động xuyên biên giới của nó.

Các quốc gia này đã triển khai các qui định hợp tác với nhau về các đập trên dòng chính, nhằm trách các xung đột về chủ quyền. Nhưng đáng tiếc là sau 20 năm thì những bước đầu tiên trong việc lập nên các qui định này bị thất bại.

Ông Cronin cho rằng sự thất bại này là nguyên nhân của sự xung đột giữa Lào và hai nước láng giềng hạ lưu sông Mekong là Campuchia và Việt Nam xung quanh những đập nước lớn trên dòng chính mà Lào dự định xây. Lào và các quốc gia này không đồng ý với nhau về những tác động có thể có của các đập nước này như là sự ảnh hưởng lên chu kỳ sinh trưởng của các loài cá, sự dịch chuyển phù sa về phía hạ lưu.

Khi trả lời câu hỏi liên quan đến vai trò của Uỷ ban Sông Mekong (gọi tắt là MRC), ông nói rằng MRC hoạt động không có hiệu quả, dẫn tới việc Lào bất chấp việc không giành được sự hậu thuẫn của các nước Việt Nam, Campuchia quyết định xây đập Xayaburi. Con đập này bắt đầu khởi công xây dựng vào tháng 3 năm 2012 và gặp sự phản đối của các nước láng giềng là Campuchia và Việt Nam. Con đập này dự kiến sẽ có chiều dài là 810 mét và cao hơn 32 mét.

Không chỉ có đập Xayaburi, Lào tục xây thêm một con đập nữa là Don Sahong, một trong những nhánh phụ của sông Mekong. Lào lý giải rằng MRC không có tiếng nói gì trong việc xây đập này vì nó không phải là dòng chính của sông Mekong.

Richard Cronin cũng nói về ảnh hưởng của việc xây đập thứ hai lên vùng hạ lưu. Đó là chuyện dòng chảy mà Lào sẽ xây đập Don Sahong là một con đường để những loài cá của sông Mekong đi ngược dòng vào mua sinh sản, khi có con đập thì con đường di chuyển này của các loài cá sẽ biến mất, dẫn đến sự diệt vong của chúng.

Những dữ liệu được đưa ra trong cuộc hội thảo cho biết ngay cả Lào, nước được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ việc xây đập nhờ xuất khẩu điện sang nước khác, ảnh hưởng của đập là không nhỏ với quốc gia này. Về lâu về dài, việc xây dựng đập sẽ gây hại nhiều hơn lợi cho Lào. Chẳng hạn như dân cư sống quanh sông sẽ bị mất nhà cửa, mối nguy về an ninh thực phẩm hay phù sa bị lắng đọng.

Ngoài ra còn có thiệt hại lớn hơn về tài chính. Trong vòng 20 năm, hoạt động của 11 đập ở vùng Hạ Mekong có thể đem lại 33,4 tỷ đôla. Tuy nhiên, các tính toán của cơ quan nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên ở đại học Mae Fah Luang thì mức thiệt hại mà nó mang lại là 274.4 tỷ USD.

Richard Cronin kết luận: “Viễn cảnh bây giờ là tăm tối, tất nhiên không hoàn toàn tối tăm nhưng mọi việc ngày càng xấu đi còn Uỷ hội sông Mekong thì lại bất lực.”

Trung Quốc thiếu hợp tác

Diễn giả đến từ Trung quốc là Bà Yongmin Bian nói rằng Trung Quốc là một đối tác quan trọng trong khu vực. Trung Quốc có 6 đập đã hoàn tất ở trên đoạn sông Mekong chảy qua lãnh thổ của họ ở tỉnh Vân Nam, và lên kế hoạch xây nhiều đập khác.

Bà cũng cho biết luật của Trung Quốc không quan tâm tới những ảnh hưởng mà việc xây đập ở thượng nguồn Mekong đối với các khu vực ngoài biên giới Trung Quốc.

Các hồ sơ và số liệu của các công trình thuỷ điện được Trung quốc coi là bí mật quốc gia và không chia sẻ với các nước khác. Ngay cả công chúng Trung quốc như bà Bian cũng chỉ tiếp cận được các hồ sơ tổng quát không chi tiết.

Theo bà, Trung Quốc đã cởi mở hơn song chỉ với các nước có ảnh hưởng tới họ như Nga, Mông Cổ, Kazakhstan. Riêng với Đông Nam Á, chỉ hợp tác hạn chế. Trong hai nước này có Nga và Kazakhstan nằm trong tổ chức hợp tác Thượng hải với họ.

Bà Bian nói, không minh bạch về thông tin, chẳng hạn như lượng nước sẽ đảm bảo cho thông chảy xuống vùng Hạ Mêkong.

Bà Bian nói rằng:

Bian: “Năm 2003 chúng tôi có qui trình về đánh giá tác động môi trường, như khi đó chỉ có những nhà đầu tư biết chuyện đó còn công chúng thì không biết gì”

Ảnh hưởng tới Việt Nam

Cuối buổi Hội thảo có trả lời câu hỏi về hợp tác giữa Việt nam và Trung quốc về sông Mekong ông Cronin trả lời là Việt Nam bị kẹt ở giữa, ảnh hưởng lớn từ ngành ngư nghiệp, nông nghiệp. Theo ông, không thể giải quyết với Trung Quốc vì có quá nhiều vướng mắc về chính trị, như vấn đề Biển Đông

Ông Cronin cũng đề cập đến một giải pháp để Lào có thể ngừng xây đập thủy điện khổng lồ thứ hai của họ là thiết lập một mạng lưới điện quốc gia từ đó có thể tránh việc bán điện giá rẻ qua Thái Lan rồi lại mua điện đắt từ Thái lan về. Mạng lưới này sẽ phân phối điện từ đập thủy điện đang có của Lào cho toàn quốc gia.

Trong khi đó, ông cũng đề nghị các nước MRC phải hợp tác, lập thành một khối đoàn kết để đối phó với áp lực từ Trung Quốc.

Ý kiến này được bà Bian tán đông, cho dù chính bà cũng không biết làm thế nào để Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn với các nước trong vùng Mekong, thông qua cơ chế ASEAN.

Hoài Vũ và Kính Hòa tường trình từ Washington. – RFA

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *