Cơ quan vũ trụ châu Âu ESA, hôm nay 12/11/2014, đã chính thức thông báo, vào lúc 9 giờ (giờ GMT) phi thuyền thăm dò không gian Rosetta đã thả robot mang tên Philae xuống bề mặt sao chổi, cách trái đất 500 triệu km. Sự kiện lịch sử trong công cuộc chinh phục vũ trụ của loài này hứa hẹn sẽ đem lại những giải đáp về nguồn gốc sự sống.
Bay trong không gia từ 10 năm qua, sáng nay thiết bị thăm dò không gian Rosetta đã thả xuống sao chổi Tchouri chiếc robot Philae, nặng 100 kg và là một phòng thí nghiệm di động cực kỳ hiện đại. Chỉ cách sao chổi 20 km nhưng phải mất 7 giờ rơi tự do, robot Philae mới có thể hạ cánh xuống bề mặt của sao chổi, tức khoảng 16 h, giờ GMT chiều nay.
Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp như dự kiến thì đây sẽ là sự kiện lịch sử mở ra một trang mới trong công cuộc chinh phục vũ trụ của con người. Dự án “khảo cổ trong vũ trụ này đã được các nhà khoa học châu Âu chuẩn bị hàng chục năm nay với mức kinh phí 1,3 tỷ euro.
Tại sao mục tiêu lại là sao chổi ?
Nếu các sao chổi vẫn ám ảnh các nghiên cứu của giới khoa học đó là bởi vì sao chổi chính là bằng chứng trực tiếp cho sự ra đời của vũ trụ. Được hình thành rất lâu trước các hành tinh, các sao chổi được coi là những vật thể nguyên thủy nhất và bí ẩn nhất trong hệ mặt trời, đã có từ cách đây 4,5 tỷ năm.
Những khối sao chổi mà người ta vẫn thường ví như những nắm tuyết bẩn đó có thành phần gồm nước đóng băng, các chất hữu cơ, đá. Bao quanh các thành phần đó là lớp mây bụi và khí được giải phóng dưới tác dụng của sức nóng mặt trời. Sao chổi Tchourioumov –Guerassimenko, mang tên hai nhà thiên văn Ukraina phát hiện ra nó năm 1969 chỉ có chiều rộng chừng 4 km.
Robot Philae mang về được gì ?
Thiết bị tự hành robot Philae sẽ tiến hành khoan thăm dò trên bề mặt sao chổi. Các mũi khoan chỉ sâu khoảng 20 cm và sau đó phân tích các mẫu thu được. Nghiên cứu tính chất, cấu trúc các mẫu đá trên sao chổi có thể cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng về những thành phần cấu tạo nên những viên gạch sơ khai của sự sống. Ông Philippe Lamy, nhà vật lý thiên văn tham gia trong dự án thăm dò sao chổi Rosetta.
Theo nhà khoa học này,”những kết quả thu được về thành phần vật chất hữu cơ sẽ được nhận biết trong vài ngày tới”. Ngoài ra cứ 3 ngày Philae lại tiến hành nhiều thí nghiệm. Tháng Ba tới, robot Philae sẽ hoàn thành sứ mệnh lịch sử khi sao chổi bay sát mặt trời và nó sẽ bị thiêu cháy. Còn phi thuyền thăm dò Rosetta sẽ tiếp tục hộ tống sao chổi cho tới khi ngôi sao này bay gần nhất với trái đất vào tháng 8 tới.
Đăng ngày 26-01-2014
Cuộc thám hiểm sao chổi đầu tiên
Sau cuộc du hành 7 tỷ km trong mười năm, phi thuyền Rosetta vừa tỉnh dậy. Tín hiệu đầu tiên của phi thuyền này đã được trạm tiếp sóng của Nasa ở Goldstone (Hoa Kỳ) nhận dạng vào lúc 18 giờ 18 phút ngày 20/01/2014. Đây là phi thuyền đầu tiên thực hiện một sứ mạng nghiên cứu dài ngày và sâu về sao chổi.